Cuối năm, mùa đáy

|

Những cột gỗ xếp thẳng hàng tạo thành giàn đáy hiên ngang đứng giữa xa khơi như lũy đài sừng sững. Ở đó, hàng ngàn ngư dân không ngại hiểm nguy, nắng mưa, bão tố, đêm ngày bám biển mưu sinh trên đọt sóng.  

1. Tháng Chạp, gió chướng cuối mùa càng thổi mạnh. Tàu bắt đầu khởi hành từ rạch Ðộng Cao khi con gà trống cất tiếng gáy nửa đêm. "Ðộng Cao và Xóm Ðáy là hai ấp có đông người làm nghề đáy hàng khơi nhất xã Ðông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, lên tới gần 1.000 miệng đáy. "Xóm" đáy hàng khơi đóng cách bờ hơn 12 hải lý (khoảng 22 km). Mùa này gió chướng, sóng gió nhiều nên sợ ói mửa, say sóng làm ông mệt, chứ hỏng có chết chóc gì", Thuyền trưởng tên Tài gân cổ nói như hét để át tiếng gió, tiếng sóng biển và để trấn an tôi. Những cái chòi lá như tổ chim treo lơ lửng trên đọt cây cột khô cắm xuống đáy đại dương, hiện ra trước mắt. Trong chòi, ánh đèn dầu leo lét, lắc lư theo từng con sóng. Tàu tới nơi, cũng là lúc bạn chòi thức giấc, bắt đầu đạp lưới. Cánh bạn ghe lui cui tìm chỗ ngả lưng, chuẩn bị một ngày làm việc mới.

Những đốm sáng bắt đầu le lói phía chân trời. Bình minh trên biển mùa này không đẹp như ta tưởng. Trước mắt tôi là một cảnh tượng kỳ vĩ, đáy hàng khơi. Những cột gỗ xếp thẳng hàng tạo thành giàn đáy hiên ngang đứng giữa xa khơi như lũy đài sừng sững. Những chòi canh với mái lá đơn sơ tạo thành "xóm" nhà Việt giữa vùng biển trời phương nam của Tổ quốc. Ở đó, hàng ngàn ngư dân không ngại hiểm nguy, nắng mưa, bão tố đêm ngày bám biển mưu sinh trên đọt... sóng. Lũ chim nhạn chao nghiêng bay liệng trên mặt biển kêu e é, báo hiệu ngày mới, thay tiếng gà gáy sáng, ở đất liền. Dân biển bảo rằng, hừng đông mà thấy chim nhạn bu theo giàn đáy càng nhiều thì chắc mẻm là trúng cá. Và phần thưởng cho loài chim báo bão này là mớ cá phân còn dính lại trên mắt lưới.

Anh Hùng thò đầu ra đón những tia nắng đầu tiên, rồi thoăn thoắt bước trên dây như một diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Ở cái tuổi 52 anh Hùng đã có hơn 30 năm làm "bạn chòi" giữ đáy hàng khơi. 16 tuổi, cuộc sống của anh bắt đầu treo lơ lửng trên ngọn sóng, tới tận bây giờ. Công việc của những bạn chòi như anh Hùng là phải túc trực ngày đêm trên chòi. Quan trọng nhất là thức canh con nước để thả đáy, trúng thất đều phụ thuộc kinh nghiệm của bạn chòi. Rồi phải "khoẻ thức" để ra hiệu cho tàu thuyền không đâm vào giàn đáy. Ðến khi bạn ghe ra đến chỗ, bạn chòi phải tiếp tục kéo lưới, để bạn ghe lôi đụt lên tàu đổ cá. Ghe về, bạn chòi vẫn phải ở lại giữa biển để giặt lưới, phơi lưới. "Tụi tui cứ ở miết trên biển, một năm có mấy lần chân chạm đất. Chỉ vô bờ vào những ngày giữa hai con nước, sum họp vợ con ít hôm rồi lại ra biển, quần quật với cái nắng, cái gió của khơi xa", anh Hai Chiểu, gần hai chục năm làm bạn chòi trên Biển Ðông, thổ lộ.

2. Quê gốc ở Trà Vinh, cuộc sống quá đỗi ngặt nghèo nên Tư Hải dắt díu vợ con lưu lạc đến tận Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau tìm kế sinh nhai. Mười bốn tuổi, Hải đã theo cha làm đáy mé, gần bờ. Lớn thêm một chút, Hải bắt đầu tập tành làm bạn chòi giữ đáy hàng khơi. Cứ vài hôm, cha Hải lại theo ghe đổ đáy ra chòi rồi ngủ lại với con trai một bữa, cốt để chỉ dạy cho Hải cái cách sinh tồn với nghề "kiếm cơm" trên đọt sóng. Một bạn chòi giỏi, một ngư dân thực thụ không chỉ có sức khỏe dẻo dai, lao động cần cù mà phải hiểu biết về biển thì mới sống với biển được. "Phải biết canh hướng gió, coi gợn sóng để biết luồng cá đi mà quyết định chọn nơi đóng cọc. Quan trọng hơn là phải tự biết quyết định mạng sống của mình, khi có sóng to, gió lớn. Bạn chòi có những vật bất ly thân là con dao, điện đàm, điện thoại để phòng khi biến cố. Chỉ cần một trận gió chướng lớn bất ngờ cũng đủ quật cả căn chòi xuống biển, dây ràng đứt phăng, cột đáy trốc gốc. Nếu không kịp bơi, bám víu vào giàn đáy khác sẽ bị trôi vào bụng lưới. Con dao dùng rọc lưới thoát thân, không thì bỏ mạng", Hải nói. Với kinh nghiệm đi biển lành nghề như Tư Hải, không khó để có một chân giữ đáy hàng khơi ở Rạch Gốc này. Nhưng những cuộc mưu sinh bao giờ cũng đi cùng nghiệt ngã. Nghề bạn chòi còn hơn thế nữa. Quá ác nghiệt, quá hiểm nguy.

Từ trên chòi, Nguyễn Văn Thống (Út Thống), thò đầu ra cửa, quơ cánh tay qua trán quét ngang một vùng trời biển phía tây, chỉ cho tôi những giàn đáy hàng khơi nằm lớp lớp, đến tận đảo Hòn Khoai. Anh bảo, Cà Mau có số lượng đáy hàng khơi nhiều nhất vùng biển Tây Nam, lên tới trên 4.000 miệng. Bằng hiểu biết của một bạn chòi lâu năm, Út Thống quả quyết: "Cái nghề đáy hàng khơi trăm năm nay vẫn không thay đổi, cậy hết vào sức người. Từ chuyện cắm trụ đáy đến thả lưới, kéo đụt hết sức nặng nhọc đều do con người đảm nhiệm. Nghề này có những quy luật riêng, đặc biệt là chỉ ăn chia với chủ, nên rất công bằng. Có nhiều ăn nhiều, có ít thì hưởng ít". Theo Út Thống, mỗi giàn đáy hàng khơi có 12 miệng đáy, được cắm bằng 13 cây cột thẳng hàng. Mỗi miệng đáy từ cột này đến cột khác cách nhau năm chục thước. Cột đáy thường được làm bằng cây kè hoặc cây dầu, cao từ mười bảy tới hai chục thước. Giá mỗi cây cột rẻ nhất cũng hơn chục triệu đồng, xài được ba mùa là bị mục, gãy vì nước biển ăn mòn. Mỗi miệng lưới cũng tốn cả chục triệu đồng.

Với mỗi giàn đáy, hai bạn chòi được chia hai miệng, hai bạn ghe cũng được chia hai miệng, còn lại là phần của chủ đáy. Mức này cũng tùy theo thời tiết và sức khỏe của bạn chòi, bạn ghe. Nhưng bù lại, bạn chòi và bạn ghe phải đảm đương chuyện đóng cột đáy, di dời hàng đáy khi gió đổi mùa. Mỗi cây cột to lớn nặng cả trăm ký lô được cắm xuống đáy biển sâu bảy tấc bằng chính sức người, chứ không máy móc nào hỗ trợ. Ðể giữ hàng cột thẳng đứng và không bị trôi, người ta dùng dây chằng néo tứ bề. Trên mặt biển, các cây cột được nối với nhau bằng những sợi dây thừng bự bằng chân cái, vừa làm nhiệm vụ chằng giữ, vừa là lối đi của bạn chòi khi thả hay kéo lưới. Ngay giữa giàn đáy có một cây cột cao nhất, với cái chòi lá được "máng" trên cao chót vót. Chòi lớn nhất cũng chỉ rộng chưa đầy ba thước vuông, là nơi chứa đựng gạo, muối, lò, củi và là nơi ăn ở của bạn chòi suốt mùa canh đáy.

Ðáy hàng khơi có hai mùa chính trong năm. Mùa gió nam từ tháng 3 tới tháng 6. Mùa gió chướng từ tháng 9 tới tháng 12 âm lịch. Mỗi tháng có một con nước, từ độ trăng tròn đến khi bầu trời treo cái lưỡi liềm lơ lửng trên mặt biển. "Mùa chính là mùa chướng, ngày nào trúng cũng được một, hai triệu đồng. Ít thì cũng năm, sáu trăm nghìn đồng. Mùa nam thì thất hơn, nhưng cũng phải ở suốt ngoài biển để canh cho chủ đáy. Nhiều khi vợ con ở đất liền đổ bệnh không có tiền phải vay mượn của chủ, tới mùa chướng   mần được cá trừ dần. Bởi thế, bạn chòi phần lớn là nghèo", Út Thống nói.  

Tiếng kêu e é của con chim nhạn cuối cùng rời khỏi đáy khi bạn chòi kéo lưới treo hết lên dây. Vậy là một năm vật lộn với sóng gió biển khơi được tạm gác lại. Chiếc tàu cá trở về bến Rạch Gốc, mang theo những bạn chòi từ lâu thiếu vắng mùi của đất liền. Những người phụ nữ đã đến đây từ sáng sớm, để chờ chồng làm bạn chòi trở về nhà và nhận phần chia của chủ đáy. Trúng đáy, nồi thịt kho ngày Tết sum suê tiếng cười con trẻ. Ngược lại, xó bếp nhà không có khói lam chiều.

Dẫu còn đó những lo âu, toan tính của gánh nặng cơm áo, gạo tiền, nhưng tình yêu với biển quê hương trong mỗi ngư dân nơi đây chưa bao giờ thiếu nồng nàn, da diết...