Đã ngoại lục tuần, thuộc thế hệ Việt kiều thứ hai, sinh ra và lớn lên ở Thái-lan, ông Lý luôn trân trọng, giữ gìn phong tục, tập quán quê cha, đất Tổ. Giáp Tết, ông sơn sửa lại nhà cửa, lau chùi sạch đẹp bàn thờ Tổ quốc và gia tiên. Năm nào cũng vậy, trước Tết khoảng một tuần, cả nhà ông Lý cùng những gia đình có phần mộ ông bà, cha mẹ tại nghĩa trang ở Làng Hữu nghị Việt - Thái trong tỉnh, rủ nhau đi tảo mộ. Lần nào, ông cũng dặn các con cho mấy đứa cháu đi cùng để dần hình thành trong con trẻ lòng kính trọng, nhớ ơn tổ tiên, ông bà.
Theo ông Lý tới căn phòng trên tầng ba, tôi xúc động thấy bức ảnh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp phía sau một bát hương nhỏ; ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng trên bàn thờ. Mở cửa cho căn phòng thêm sáng, châm nén hương, ông Lý nói: Hồi đầu tháng 10, biết tin Ðại tướng qua đời, nhiều bà con in ảnh Ðại tướng, đóng khung, thành kính đặt trên bàn thờ Tổ quốc, tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn bậc tiền bối có công với nước. Mấy ngày Quốc tang, bà con tới thắp hương rất đông tại bàn thờ Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lập cạnh bàn thờ Bác Hồ trong Trụ sở Hội Việt kiều tỉnh.
Nhà ông Lý có cửa hàng bán giò chả, món ăn mang hương vị Việt. Những ngày này, lượng khách đặt mua tăng gấp nhiều lần. Các thành viên trong gia đình ông vừa lo sắm Tết, sửa soạn cỗ bàn tươm tất, vừa phải làm việc hết tốc lực. Cả nhà quay như chong chóng trong không khí tất bật đón năm mới. Thường gia đình ông gói tại nhà, sau đó nhờ bà con trong Làng Hữu nghị nấu giúp bánh chưng. Ðược thế hệ trước truyền lại, nhiều người gói bánh chưng, bánh tét khéo tay và đẹp mắt. Thường thì ngày 28 Tết, bà con bắt đầu nổi lửa. Bên bếp lửa hồng là lúc những người con xa quê cảm nhận rõ hương vị Tết quê hương.
Giáp Tết, việc nhà đã bận, công việc của Ban Chấp hành Hội Việt kiều tỉnh cũng bận rộn chẳng kém. Với cương vị nhiều năm làm Chủ tịch Hội, ông Lý lo phân công người in lịch Tết phát cho hội viên; phối hợp chính quyền địa phương, các hội sở tại, cùng tổ chức Tết hữu nghị ba dân tộc Việt - Thái - Hoa bên dòng sông Mê Công. Vào mấy ngày Tết, bà con Việt kiều sẽ diện trang phục truyền thống, nam áo the khăn xếp, nữ áo dài khoe dáng, biểu diễn những làn điệu ngợi ca quê hương, đất nước, giới thiệu những món ăn mang đậm hương vị Việt như bánh chưng, bánh tét, xôi vò, dưa hành, dưa góp, mứt gừng, mứt sen..., mời bà con láng giềng người Thái, người Hoa cùng thưởng thức.
Ngày nay, có hơn 100 nghìn Việt kiều sinh sống trên đất Thái. Thế hệ Việt kiều đầu tiên tại Thái-lan đến từ Lào trong cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất lúc đầu chỉ sống ở năm tỉnh vùng đông - bắc với quy chế người tị nạn, nay không còn nhiều. Thế hệ Việt kiều thứ hai bị hạn chế học tiếng Việt, còn tiếng Thái thì chỉ học đến lớp 6. Lớp Việt kiều trẻ tuổi (từ ba, bốn mươi tuổi trở xuống), được học hành, giỏi giang, thành đạt trong nhiều lĩnh vực, nhưng phần đông không nghe nói được tiếng Việt, ít giao lưu gặp mặt.
Ông Lý phấn khởi cho biết, ở nhiều trường học trong tỉnh Nakhon Phanom nay có môn học tiếng Việt với thời lượng một giờ mỗi tuần. Hội Việt kiều tỉnh Nakhon Phanom cũng tổ chức những lớp học bốn, năm em, vận động người giỏi tiếng Việt dạy. Giờ đây, vào những ngày lễ, Tết, cộng đồng Việt kiều đã được thưởng thức những làn điệu Việt Nam từ thế hệ Việt kiều thứ ba, thứ tư ở Nakhon Phanom. Ca từ dẫu còn vấp váp, ngượng nghịu nhưng thắm đượm tình cảm của người Việt xa xứ. Vào những ngày sum họp cuối năm của cộng đồng Việt kiều, trong hội trường luôn ngập tràn niềm vui, tiếng cười.
Tết đến, xuân về là dịp các gia đình người Việt trên đất Thái quây quần, chúc nhau những điều tốt đẹp. Ông Lý mong sao, thế hệ con cháu luôn coi phong tục tập quán truyền thống là tài sản quý báu để kế thừa gìn giữ.