Hoạch định chính sách để phát triển đồng bộ

|

“Để kinh tế đêm có thể làm bật dậy tiềm năng tiêu dùng của du khách, chúng ta cần nhanh chóng hoạch định những chính sách phát triển khoa học và đồng bộ”. Đó là nhận định chung của các vị khách mời, khi cùng phân tích và đưa ra những khuyến nghị, giải pháp giúp kinh tế đêm gia tăng sức cạnh tranh và lực hút khó cưỡng cho du lịch Việt Nam.

Trong khi các thành phố lớn trên thế giới đã thu về hàng tỷ USD từ việc phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch thì ở Việt Nam, lĩnh vực kinh tế này còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có chiến lược bài bản do vướng nhiều nghi ngại về vấn đề quản lý, thời gian hành chính, thu hút nhà đầu tư... Theo quan điểm của các ông, cần giải quyết những mâu thuẫn này ra sao để có thể phát triển kinh tế đêm một cách lành mạnh, hiệu quả?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch:

Kinh tế ban đêm có thể giúp kéo dài giờ làm việc, tối ưu hóa kết cấu hạ tầng, tăng thêm việc làm, cũng như dịch vụ, tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế ban đêm có thể kéo dài thời gian khách du lịch ở lại các thành phố, thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt, đối với du lịch đô thị, du lịch giải trí và giải trí về đêm là một trong những sản phẩm du lịch quan trọng. Vì vậy, thúc đẩy kinh tế ban đêm là một biện pháp kích thích tiêu dùng toàn diện, giảm bớt áp lực kinh tế, tăng nguồn thu đáng kể từ dịch vụ về đêm.

Chúng tôi đã đề xuất việc khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ du lịch, trong đó du lịch, giải trí về đêm là một trong những giải pháp mới và hiệu quả để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp và mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho kinh tế Việt Nam. Các chính sách phát triển du lịch đã được nghiên cứu đề xuất, ban hành như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, các đề tài, đề án phát triển du lịch tại các điểm đến là thành phố cũng đều được lồng ghép ý tưởng này.

Tuy nhiên, việc kích thích phát triển kinh tế ban đêm là một chính sách rất tổng thể, đồng bộ, đòi hỏi việc lên kế hoạch cẩn thận và sắp xếp toàn diện. Đồng thời bảo đảm môi trường an ninh tốt cũng là yếu tố quan trọng. Vì vậy, các chính sách đề xuất cần được nghiên cứu kỹ càng, nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm môi trường an ninh, trật tự, an toàn và thân thiện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, lợi ích của khách du lịch và đặc biệt là lợi ích của cộng đồng địa phương.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam:

Mở ra dịch vụ được cho là còn mới mẻ như kinh tế đêm, bên cạnh lợi ích mang lại thì cũng đi đôi với những thách thức sẽ phải đối mặt.

Để phát triển kinh tế đêm, chúng ta cần xác định các vấn đề cốt lõi phải quan tâm đặc biệt. Đó là tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn và lành mạnh; Ban hành và thực hiện các quy định một cách “mềm mại nhưng chặt chẽ” về cấp phép tham gia hoạt động kinh doanh vào ban đêm nhằm giải quyết các vấn đề tiêu cực có thể phát sinh như ma túy, kể cả từ việc sử dụng bia rượu, tiếng ồn đồng thời hoạch định những phương án xử lý rốt ráo với các hành vi tiêu cực trong xã hội cũng như các loại hình tội phạm nảy sinh.

TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch:

Kinh tế đêm phục vụ du lịch ở các thành phố lớn nước ta lâu nay phát triển tự phát, thiếu quy hoạch và các chính sách, biện pháp hỗ trợ. Cần có sự đa dạng về dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách khác nhau. Đơn cử vấn đề ẩm thực, các thành phố lớn ở nước ta cần có sự đa dạng về ẩm thực cho các đối tượng du khách các nước khác nhau. Lễ hội, bao gồm cả các hoạt động ban đêm, là một loại hình kinh tế du lịch phổ biến trên thế giới, nhưng ở nước ta thường nặng tính hình thức, nhẹ tính thương mại. Cần cải tiến cách làm lễ hội ở các địa phương sao cho ổn định về thời điểm tổ chức, với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn, tạo được doanh thu, lợi nhuận. Khi đó nhiều du khách nội địa, quốc tế sẽ lên lịch đi du lịch đến các địa phương vào các dịp lễ hội vì tính hấp dẫn của chúng thay vì chỉ thu hút được một số ít du khách tình cờ có mặt ở địa phương đúng dịp lễ hội theo cách làm phổ biến lâu nay.

Theo tôi, chúng ta chỉ nên tập trung làm tốt hơn các hoạt động kinh tế ban đêm hoàn toàn lành mạnh (nhà hàng, nhà hát, các hoạt động ca múa nhạc, giải trí ngoài trời, chợ đêm...), hoặc “ít nhạy cảm hơn” (như quán bar, vũ trường, tiệm sauna/massage...). Hãy bắt đầu từ việc quy hoạch các hoạt động kinh tế ban đêm về không gian, hoàn thiện các thủ tục cấp phép, quản lý trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người đầu tư, kinh doanh, đồng thời chính quyền có các biện pháp đồng bộ bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh ở các điểm đông người.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigon Tourist:

Du lịch Việt Nam với sẵn tiềm năng về phong cảnh đẹp, là điểm đến an toàn, đa dạng về văn hóa, có các sản phẩm tour trải nghiệm thú vị... Bên cạnh những hình thức hiện có như phố đi bộ, chợ đêm, những hoạt động giao lưu văn hóa về đêm tại các thành phố du lịch, chúng ta cần có thêm những trung tâm giải trí đêm đa chức năng, hiện đại, hấp dẫn.

Nhưng bên cạnh việc cho phép các khu vui chơi, giải trí mở cửa xuyên đêm, các cơ quan chức năng cần tăng cường hệ thống an ninh, đồng thời kiểm soát việc thực hiện quản lý nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm cũng như bảo đảm các quy định chung để không làm ảnh hưởng đến khu vực chung quanh, nhất là khi ở gần nhà dân, bệnh viện...

Sự cần thiết phải xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch theo một cách thức bài bản, khoa học và mang tính dài hạn là điều rất cần thiết, không chỉ cho riêng từng địa phương mà phải ở tầm quốc gia. Để có thể làm được điều đó, những vấn đề trọng tâm mà chúng ta phải tập trung vào thời điểm này là gì, thưa các ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn:

Trước hết, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về kinh tế ban đêm. Những lợi ích và tầm quan trọng của kinh tế ban đêm đối với mọi ngành, lĩnh vực và mọi thành phần cần được nghiên cứu làm rõ và đưa ra những thông tin phổ biến để hiểu biết về loại hình kinh tế này tại Việt Nam được nâng cao hơn.

Về việc phát triển kinh tế ban đêm, cần có sự chung tay của tất cả các bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ như ngành giao thông (phát triển hệ thống giao thông công cộng đêm, bảo đảm an toàn giao thông về đêm); ngành công an bảo đảm an toàn an ninh tại các điểm đến, trung tâm du lịch, dịch vụ; ngành thương mại, dịch vụ, du lịch đẩy mạnh và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và phương thức cung cấp dịch vụ cho khách du lịch; chính quyền địa phương bảo đảm môi trường an ninh, trật tự, an toàn và thân thiện đối với khách du lịch... Và Chính phủ - trung tâm của định hướng phát triển này cần có sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt trong việc khuyến khích xây dựng các khu vực vui chơi giải trí về đêm từ 19h đến 6h sáng như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, điểm tham quan, trung tâm thương mại, công viên...

Ông Phùng Quang Thắng:

Tôi nghĩ, cần có sự nghiên cứu kỹ, vừa khoa học vừa thực tiễn về kinh tế đêm, trước tiên là cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động này trong ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, cần rà soát lại các quy định hiện hành về luật pháp liên quan đến phát triển kinh tế đêm, có những vấn đề có thể điều chỉnh ngay và có những vấn đề cần thời gian để điều chỉnh trong tương lai.

Xây dựng khung quản lý nền kinh tế ban đêm với mục đích là cung cấp khuôn mẫu mang tính tham khảo cho chính quyền địa phương cùng các cơ quan quản lý kinh tế ban đêm, cơ quan y tế địa phương chịu trách nhiệm về sự an toàn cho cộng đồng và các bên liên quan khác để hỗ trợ họ phát triển.

Cải thiện và tăng cường khả năng tiếp cận nền kinh tế ban đêm cho nhiều người dân hơn. Thúc đẩy kinh tế đêm đa dạng và nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc tạo ra những khu vực an toàn, dễ tiếp cận và hấp dẫn cho tất cả những người làm việc, sinh sống trong đó cũng như khách đến tham quan. Điều này rất thích hợp với những khu vực ở trung tâm thành phố, thị trấn.

TS Lương Hoài Nam:

Muốn làm tốt bất kỳ việc gì, đầu tiên là phải chỉ ra nơi có trách nhiệm giải trình và các thẩm quyền tương xứng. Ở một thành phố thì đó là Chủ tịch UBND và Giám đốc một sở chuyên trách (có lẽ là Sở Công thương). Những công việc chính của họ là xác định thực trạng, đề ra các mục tiêu cụ thể và xây dựng, tổ chức thực hiện các biện pháp, chương trình hướng tới các mục tiêu, định kỳ tổng hợp, đánh giá, công bố, thực hiện các nhiệm vụ bổ sung, các điều chỉnh (nếu cần).

Để đánh giá mức độ quan tâm của một địa phương đối với kinh tế ban đêm, chúng ta hãy xem họ đã có tầm nhìn và các mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm được lượng hóa một cách rõ ràng chưa, đã có các chính sách quản lý phù hợp và bộ máy hỗ trợ các hoạt động kinh tế chưa? Đối với đa số địa phương ở nước ta thì câu trả lời là “Chưa”.

Cái khó nhất của các thành phố lớn ở nước ta để phát triển kinh tế ban đêm là ở quy hoạch đô thị, thiếu đất, thiếu không gian. Cái khó nhất, theo tôi, là đất. Tìm được một vài tuyến phố để làm phố ẩm thực, phố đi bộ, chợ đêm đã rất khó rồi. Hướng khả thi hơn là quy hoạch một số khu phức hợp dịch vụ du lịch như ở Singapore (đảo Sentosa, Marina Bay). Các nhà đầu tư ở nước ta thích xin đất xây nhà ở (chung cư cao tầng, villa, nhà phố) để bán hơn là để đầu tư các dịch vụ du lịch (về bản chất là “chi tiền chẵn, thu tiền lẻ”), cho nên công tác quy hoạch đô thị đóng vai trò hết sức quan trọng để có nhiều công trình văn hóa, các khu du lịch, vui chơi giải trí.

Chúng ta không cần phải lo về tiềm lực tài chính cũng như năng lực quản lý của các nhà đầu tư. Không ít các nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam có thể thực hiện các dự án đầu tư quy mô hàng tỷ USD. Chính quyền chỉ cần làm tốt công tác quy hoạch và cung cấp quỹ đất phù hợp cho các khu phức hợp du lịch, họ sẽ đảm nhiệm việc còn lại. Nếu có nhu cầu, họ sẽ hợp tác liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư, vận hành.

Ông Nguyễn Thành Lưu:

Theo tôi, cần có chính sách phát triển cụ thể, có sự sắp xếp, quy hoạch tổng thể cho từng khu vực, từng loại hình giải trí được phép hoạt động kinh tế ban đêm. Ngoài ra, tập trung tạo sự khác biệt về văn hóa, vùng miền theo từng địa phương, đối tượng khách hàng để có sự khai thác hiệu quả nhất. Thí dụ, các thành phố biển cần quy hoạch khu vui chơi, giải trí ăn uống, chợ hải sản về đêm, hoặc mỗi địa phương cần đầu tư cho riêng mình một show diễn độc đáo, đậm nét văn hóa của địa phương đó...