Tăng gấp đôi chiều dài đường nông thôn trong cả nước
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020, GTNT đã trở thành một tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên để thực hiện được tiêu chí này là cả một hành trình khó khăn.
Trước năm 2010, hệ thống GTNT (bao gồm đường huyện trở xuống) chưa được quan tâm đúng mức, giống như chiếc áo vá víu đã quá chật so với "cơ thể" đang phát triển từng ngày của xã hội nông thôn. Một số loại đường như: ngõ xóm, nội đồng... chưa được xem xét, đánh giá, chiều dài cũng như tỷ lệ cứng hóa còn rất thấp. Số liệu thống kê của Bộ GTVT cho thấy, chiều dài đường GTNT năm 2010 là 270.950 km, cứng hóa được hơn 101.800 km, chỉ đạt 37,6%. Có 143 xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã, 331 xã đã có đường ô-tô nhưng chưa được kiên cố hóa, chưa đi lại được bốn mùa, còn bị gián đoạn khi có thiên tai, mưa lũ.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chưa được phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn với quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Đường nông thôn nhiều nơi chỉ có một làn xe, tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, công tác bảo đảm an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Nhìn chung, chất lượng đường GTNT ở nhiều địa phương chưa cao, chưa tạo thuận tiện cho đi lại, vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Trước thực trạng đó, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển GTNT, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Trong đó, Bộ GTVT và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phát triển GTNT, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan, kêu gọi các nguồn vốn, triển khai các đề án, chương trình về GTNT. Các địa phương chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới GTNT theo hướng dẫn của Bộ GTVT, tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo vệ hạ tầng GTNT.
Trong khoảng thời gian 10 năm, GTNT đã có những bước tiến dài, những con đường đã được làm mới ở khắp các vùng quê. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), tính đến tháng 5-2019, toàn bộ hệ thống đường bộ cả nước dài 630.200 km, tăng hơn 87% so với năm 2010. Ngoài quốc lộ và cao tốc, hệ thống đường địa phương đã tăng 89% so với 10 năm trước (từ 319.569 km lên đến 604.324 km). Cả nước xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì, sửa chữa 345.897 km đường, 31.364 cầu, 125.639 cống; giảm sâu số xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã từ 140 xã năm 2010 xuống còn 13 xã năm 2019; tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn từ 37,9% năm 2010 lên 68,69% năm 2019.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Sau 10 năm triển khai, công tác phát triển GTNT trên cả nước đạt kết quả toàn diện. Số xã đạt tiêu chí về đường GTNT đạt 63,2%, vượt kế hoạch trước 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Trong đó, tiêu chí GTNT về đích trước hạn 1,5 năm, có những địa phương như: Nam Định, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng đã bê-tông hóa 100% đường nông thôn, đạt chuẩn NTM trước thời hạn". Chương trình GTNT đã huy động từ mọi nguồn lên tới hơn 366.000 tỷ đồng (tương đương 14 tỷ USD).
Con đường từ bản La Pán Tẩn ra trung tâm thị trấn huyện Mù Cang Chải trước đây nhỏ như sợi chỉ, chỉ một trận mưa nhỏ đã lầy lội đến mức xe máy không thể đi được. Huyện nghèo, dân bản cũng nghèo, nhưng "cái khó ló cái khôn", chủ trương xây dựng các con đường đặc thù 1m dày 12cm được hình thành. Ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ, trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên và phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản. Ngay sau đó, dân nhiều thôn, bản đã bầu ra một nhóm gồm trưởng nhóm, kế toán và giám sát chi, mọi thứ đều minh bạch, công khai. Chính quyền và đơn vị chức năng chỉ cần đứng ra hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn nên các tuyến đường được triển khai nhanh chóng.
Giờ đây, đứng từ trên ruộng bậc thang có thể nhìn thấy con đường bê-tông trắng như một dải lụa vắt qua đồi núi, những cánh đồng... Người dân có thể đi lại thuận tiện trên con đường ấy mà không cần quan tâm tới thời tiết nắng hay mưa. Những con đường cứ thế tỏa ra dần trên các thôn, bản. Chỉ trong chín tháng của năm 2019, huyện Mù Cang Chải đã kiên cố hóa 50 km loại đường rộng 1 m dẫn đi các thôn, bản, khu sản xuất. Phong trào làm đường GTNT phát triển rộng khắp ở tỉnh miền núi Yên Bái, từ các huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn... đến các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đâu đâu cũng là "đại công trường" giao thông.
Nhiều năm qua, 130 hộ dân xóm Bưng, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình phải sống chung với con đường xuống cấp, trời mưa đường lầy lội, trơn trượt; những hố sâu trên đường khiến nhiều người dân bị tai nạn giao thông. Nhiều học sinh đi học bị ngã, lấm lem bùn đất phải quay về nhà. Khi cam Cao Phong đến mùa thu hoạch thường bị tư thương ép giá vì khó vận chuyển. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi huyện Cao Phong bắt tay phát triển GTNT.
Ông Đỗ Minh Ngọc, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: "Quá trình đầu tư cải tạo, nâng cấp đường GTNT của huyện được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tập trung xây dựng một số tuyến đường giao thông huyết mạch, tạo đột phá cho phát triển KT-XH địa phương, huy động sức dân và nguồn lực của Nhà nước".
Ngày 21-2-2020, đường xóm Bưng chính thức được thi công nâng cấp, sửa chữa. Con đường không chỉ được nâng cấp mà còn mở rộng tới 4 - 5 m, lắp đặt hệ thống cống nước, người dân không còn lo vào mùa mưa bị nước chảy vào nhà, được đi trên con đường bê-tông rộng rãi, sạch đẹp.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành rất nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống GTVT, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển hệ thống GTNT, giúp hệ thống GTVT liên thông từ T.Ư đến các vùng, miền xa xôi".
Vẫn còn nhiều việc phải làm để GTNT về đích
Bên cạnh những thành công mang tính đột phá, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng hệ thống GTNT ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn; cả nước hiện vẫn còn 13 xã chưa có đường ô-tô đi đến trụ sở UBND; 101 xã có đường ô-tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được bốn mùa; rất nhiều xã đường chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ. Mặt khác, phát triển GTNT không chỉ là hình thành những con đường mà công tác duy tu, sửa chữa hết sức quan trọng.
Phần lớn các huyện trong cả nước chưa có quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông cho nên chưa xây dựng được kế hoạch lâu dài để phát triển. Ðiều này làm cho việc đầu tư còn tự phát, chưa có tính định hướng, gây ảnh hưởng đến việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức quản lý hệ thống đường GTNT còn nhiều bất cập như GTNT chưa có một mô hình quản lý thống nhất, cho nên còn hạn chế trong quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển GTNT; thiếu hệ thống số liệu; thiếu quan tâm và bố trí kinh phí quản lý, bảo trì; thiếu cán bộ chuyên môn quản lý hệ thống đường huyện trở xuống.
Nhu cầu về vốn tiếp tục là thách thức đối với việc xây dựng hệ thống GTNT. Theo Bộ GTVT, khu vực nông thôn, nhất là miền núi có địa hình phức tạp, chia cắt, độ dốc lớn, núi cao, sông suối nhiều, mật độ dân cư thưa, diện tích tự nhiên lớn, chiều dài các tuyến đường lớn nên nhu cầu về vốn lớn, không chỉ vốn xây dựng những tuyến đường mới mà còn vốn bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa lớn. Trong khi đó, ngân sách địa phương eo hẹp, thu nhập của người dân những khu vực này còn thấp.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay: "Khu vực trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đạt tỷ lệ thấp một phần do điều kiện tự nhiên, nhưng cũng có những nơi chưa nhận được mức độ quan tâm phù hợp. Một số nơi sử dụng nguồn vốn được giao chưa hiệu quả, có nơi được giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình GTNT nhưng chất lượng đầu tư xây dựng hạn chế, công trình xuống cấp nhanh chóng sau khi đưa vào sử dụng".
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương. Thời gian qua mục tiêu của tiêu chí GTNT mới tập trung vào việc đi lại, chưa chú trọng đến yếu tố văn hóa, cảnh quan môi trường, biến đổi khí hậu. Có những vùng cảnh quan rất đẹp nhưng lại "bê- tông hóa" trắng xóa, ảnh hưởng nhiều đến mỹ quan, môi trường sống. Do đó, thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành lại tiêu chí GTNT để vừa hài hòa nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ vận tải phát triển kinh tế vùng, địa phương, vừa bảo đảm cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống.
Đánh giá về mục tiêu hết năm 2020, cả nước có 55% các xã đạt chuẩn về giao thông, năm 2025 là 75% và đến năm 2030 tỷ lệ này nâng lên 95%, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định: "Đó là nhiệm vụ rất nặng nề, cần huy động toàn bộ nguồn lực để hoàn thành mục tiêu này".