Địa phương khởi động, người dân đăng ký ngay

|

Triển khai sử dụng một phần lòng đường, hè phố có thu phí theo Quyết định số 32 của UBND TPHCM (Quyết định 32) là nhằm cụ thể hóa chủ trương của TPHCM trong lập lại trật tự đô thị trên địa bàn. Đến nay, ngoài quận 1, đã có một số quận khác triển khai để người dân đăng ký sử dụng một phần lòng đường, hè phố có thu phí, như quận 3, quận 10…

Hưởng ứng chủ trương

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP sáng 2-8, các tuyến đường vừa được quận 10 bố trí cho người dân được sử dụng một phần hè phố có thu phí, không gian dành cho người đi bộ thoáng và sạch, xe máy được xếp trật tự trong phạm vi được kẻ vạch. Từ sáng, cửa hàng đồ gỗ Văn Minh (đường Ngô Gia Tự, phường 9) đã trưng bày một số sản phẩm nội thất ở khu vực vỉa hè có trả phí.

Bà Lê Thị Nguyệt Nga, nhân viên cửa hàng, cho biết: “Ngay khi quận 10 triển khai sử dụng tạm một phần vỉa hè có thu phí, cửa hàng đã đăng ký với địa phương. Với mức phí 100.000 đồng/m2/tháng, chúng tôi đóng gần 1,8 triệu đồng/tháng. Trước đây, cứ mỗi lần chúng tôi bày sản phẩm ra vỉa hè để khách hàng dễ quan sát là bị lực lượng chức năng nhắc nhở nên chỉ bày sản phẩm trong nhà, khá hạn chế tầm quan sát của khách. Thời gian vừa qua, quận 1 thí điểm cho phép người dân sử dụng vỉa hè có trả phí, chúng tôi mong quận mình cũng triển khai. Giờ quận đã triển khai rồi, không chỉ cửa hàng của tôi mà nhiều bạn hàng cũng rất phấn khởi, đăng ký ngay”.

Cũng nóng lòng muốn được sử dụng công khai phần vỉa hè trước cửa quán mà không phải “nhấp nhổm, vừa bán chạy lực lượng chức năng”, ông Vũ Thúy Sơn, chủ quán bún bò Huế 97 (đường Ba Tháng Hai, phường 11, quận 10) cho hay: “Sáng nay, địa phương có đến đo đạc phần vỉa hè, chờ người ta thông báo cách thức đăng ký ra sao mình mới biết được. Tôi sẽ đăng ký thuê để khi khách đông thì có chỗ để xe bảo đảm cho khách”.

Trở lại những tuyến đường đã được thí điểm cho sử dụng một phần hè phố có thu phí gần 3 tháng qua tại quận 1, chúng tôi thấy rõ sự trật tự, ngăn nắp trên vỉa hè. Các cửa hàng sắp xếp bàn ghế phù hợp với không gian vỉa hè phía trước, chỗ để xe cũng được bố trí đúng vị trí quy định. Ông Huỳnh Vân Thanh, chủ quán xôi gà Út Mập (đường Phan Bội Châu, phường Bến Thành, quận 1) khẳng định rất hài lòng sau 2 tháng được địa phương bố trí cho sử dụng 21m2 hè phố có trả phí. Ông Thanh kê bàn ghế ngăn nắp để đón khách. Hè phố được giữ sạch sẽ nên công việc làm ăn cũng khấm khá hơn vì thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng thức xôi của quán ông.

Thiếu phần mềm quản lý

Sau hơn 85 ngày triển khai thí điểm sử dụng một phần lòng đường, hè phố có thu phí, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 Nguyễn Thành Phát khẳng định, việc này tạo sự phấn khởi rất lớn trong người dân. Đến nay, sau 85 ngày triển khai, đã có 309 trường hợp đăng ký sử dụng tổng diện tích 2.614m2 hè phố; dự kiến đóng góp vào ngân sách gần 1,1 tỷ đồng (hiện đã thu phí được hơn 665 triệu đồng).

Mới đây, quận 10 cũng đã triển khai cho người dân đăng ký sử dụng một phần hè phố trên 28 tuyến đường đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông. Trong đó, có một số tuyến như đường Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám, Cao Thắng, Ngô Gia Tự, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Thành Thái, Nguyễn Tri Phương, Tô Hiến Thành… Ngoài ra, có 5 vị trí đủ điều kiện thu phí hè phố cho dịch vụ trông giữ xe 2 bánh.

“Hiện chúng tôi đã xác định vị trí người dân có thể sử dụng tạm có trả phí và lối đi của người đi bộ để người dân đăng ký; đồng thời đã cung cấp cho người dân số tài khoản của UBND 14 phường để người dân đăng ký và nộp phí”, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 10 cho biết.

Tương tự, quận 3 cũng đã ban hành danh mục 36 tuyến đường với 292 vị trí vỉa hè đủ điều kiện sử dụng tạm ngoài mục đích giao thông. Ngoài tuyến Công trường Quốc tế và Công trường Dân chủ sẽ bố trí sử dụng tạm suốt tuyến, các tuyến còn lại được bố trí từng đoạn.

Theo ông Phan Thế Huy, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 3, hiện người dân đã đăng ký sử dụng một phần hè phố và trả phí. Số phí quận dự kiến thu là hơn 188 triệu đồng (trong đó đã thu 147 triệu đồng). Bên cạnh công tác quản lý và thu phí, quá trình thực hiện, UBND quận cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân về Quyết định 32; đồng thời, quận cũng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm vỉa hè.

Dù vậy, ông Phan Thế Huy cũng nhìn nhận, sau thời gian triển khai thí điểm vừa qua, các cơ quan chức năng của quận nhận thấy, nếu có phần mềm quản lý tuyến đường cho thuê vỉa hè dùng chung trên địa bàn thành phố và đưa vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân. Ở chiều ngược lại, các địa phương thuận lợi hơn trong quản lý thu phí và thành phố cũng dễ dàng theo dõi số liệu báo cáo.

Theo Sở GTVT TPHCM, dù các quận đang tăng tốc nhưng kết quả chưa đạt như kế hoạch. Trong khi đó, để thực hiện chủ trương này, sở này đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương và từ đầu năm 2024 đến nay đã ban hành 27 văn bản điều hành, đôn đốc. Thậm chí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phải ra “tối hậu thư” để đốc thúc các địa phương. Đây là chủ trương được người dân đồng thuận, ủng hộ và Quyết định 32 cũng đã có hiệu lực hơn 7 tháng, do đó các địa phương cần đẩy nhanh hơn nữa quy trình rà soát, lấy ý kiến để sớm triển khai, đưa chủ trương áp dụng rộng rãi trong thực tiễn cuộc sống.