Cái Tết mang nhiều ấn tượng nhất là xuân Giáp Ngọ năm 1954, họa sĩ Nguyễn Ðại Giang, khi ấy còn là một cậu bé, được bố cho về quê: “Lần đầu tiên thằng bé chín tuổi là tôi được biết cỗ bàn Tết với cơm tám, giò chả, măng miến, thịt đông, cá trắm kho, dưa hành… Ối chao, nhớ từng món đến hôm nay. Nhớ hơn cả là theo đám trẻ ra vườn hái ổi, rồi đi bắn chim bằng súng cao-su, bằng ống xì đồng với những viên đạn đất sét”.
Chính từ những lần đó, cậu bé đã vấn vương câu hỏi: Tại sao ông Thiện và ông Ác lại cùng có mặt ngay cửa chùa? “Chùa làng tôi rộng lắm! Những ngày Tết treo cờ Phật - họa sĩ kể - “Bên phải, bên trái có hai bức phù điêu lớn là ông Thiện, ông Ác. Ðứa nào cũng kiễng lên để sờ vào chân ông Thiện. Nhưng chỉ đứng xa nhìn ông Ác”. Vì ông Thiện mặt hồng hào, tai dài, lông mày dài biếc dưới nụ cười tủm tỉm, tay cầm bút lông và quyển sách. Còn ông Ác thì phản diện cả mầu sắc lẫn hình hài: Mặt đen, mắt xanh và xếch, lòng trắng dã. Ông này mồm mím chặt, khóe môi cụp xuống, râu đỏ như máu, tay cầm chùy sắt…
Bởi vậy, theo họa sĩ, điểm quan trọng của trường phái Ðảo ngược (Upsidedownism) do ông sáng lập là bao dung cái đúng và sai, có lý và vô lý ở ngay trong bức tranh. “Trong lịch sử, nước ta nhiều lần đánh thắng quân xâm lược, bắt nhiều tù binh nhưng không giết mà tha về nước, kèm theo cả lương thực đi đường nữa!”. Cứ như thế văn hóa Việt đã vào hội họa Nguyễn Ðại Giang. Nghệ thuật, phong tục Việt cổ truyền như ca trù, tam cúc, ô ăn quan đã trở thành tên các tác phẩm hội họa được hiện đại hóa một cách độc đáo.
Tháng trước, Hội đồng thành phố tổ chức gặp mặt kỷ niệm ngày sinh một họa phái ra đời tại Seattle (Mỹ) mà “cha đẻ” là ông, một người Mỹ gốc Việt. Năm nay họa phái Ðảo ngược tròn 20 xuân. Trường phái đã thu về nhiều giải thưởng, danh hiệu lớn qua hơn 10 cuộc thi quốc tế tại Mỹ, Bỉ, Anh, Thụy Ðiển…
Còn họa sĩ Ðỗ Duy Minh thì lặng lẽ ở TP Edmonton, thủ phủ bang Alberta - một trong các “đại đô thị lạnh giá nhất” Canada với nỗi buồn 34 năm không có dịp ăn Tết ở quê hương! Với ông, nhớ quê nhà là nhớ những cái Tết bên các tờ báo Tết. “Hồi ấy, cứ trước một tháng mình bắt đầu vẽ tranh cho các báo Tết - nhà biếm họa từng có tên tuổi ở Việt Nam kể - “Bận nhưng vui vô cùng! Thường là đúng ngày ông Táo chầu Trời thì báo Tết trình làng. Thế là mình có báo biếu và nhuận bút. Gia đình lại có một cái Tết sung túc”. Tranh humor không lời Ðỗ Duy Minh đạt đẳng cấp quốc tế khi từng được triển lãm tại nhiều quốc gia. Năm 1985, ông đã được Giải thưởng đặc biệt của LHQ tại Triển lãm hội họa Gabrovo (Bulgaria). Từ khi ra nước ngoài, Ðỗ Duy Minh còn thành công cả về nhiếp ảnh, thơ, ký sự… Theo họa sĩ thì chỉ ở nước ta mới có báo Tết. Ông chưa từng thấy tờ báo Tết nào khác trên thế giới. Ðó là nét văn hóa mang hồn Việt. Thế nên trong những dịp Tết Nguyên đán, dù thế nào gia đình ông cũng phải có vài tờ báo Tết từ quê nhà gửi sang.
Ở Canada, Ðỗ Duy Minh vừa vẽ tranh biếm cho một tuần báo, vừa tự tìm tòi chuyển sang tranh sơn dầu, bột mầu với các kết quả đặc sắc đưa tới sáu triển lãm cá nhân tại Edmonton và Vancouver. Ông cho rằng làm nghệ thuật tại xứ người không để kiếm sống mà để giới thiệu với các sắc dân khác về văn hóa Việt, tạo cơ hội người Việt cùng sống trong tình quê hương. Hàng chục mùa xuân xa quê là hàng chục dịp ông đắm mình vào nghệ thuật.
Ca trù. Tranh: NGUYỄN ĐẠI GIANG