Nhà
Mấy đứa trẻ thấy người lạ nói chuyện xì xồ thì sợ hãi chạy tót vào trong nhà, rồi thò cái đầu bù xù, cái mặt không rửa, thậm thụt xem khách. Trông chúng ngáo ngơ mà đáng yêu. Anh bạn Pờ Dần Sử “rẽ đám mây mờ”, đưa bàn tay gân guốc, đen sì như rễ cây rừng nắm tay chúng tôi thật chặt và nói bằng tiếng phổ thông: “Ðến Y Tý, người Y Tý quý lắm. Nhưng người ở Y Tý nghèo, chỉ có rượu suông đãi khách thôi”. Về nhà Sử, bữa cơm đạm bạc đã sắp sẵn chờ. Chén rượu ngô thơm nồng, ấm áp xua đi cái lạnh của núi rừng. Xã Y Tý nằm giáp biên giới Việt - Trung, được bao bọc chung quanh bởi những cánh rừng già. Ở Y Tý có ba đồng bào dân tộc cùng sinh sống, gồm Hà Nhì, Mông và Dao. Người Dao sống lẫn trong những cánh rừng, người Mông sống chon von trên đỉnh núi đá, còn người Hà Nhì thì làm ngôi nhà đất hình tròn như những cây nấm ở sườn núi và thung lũng.
Bên bếp lửa hồng, chén rượu mềm môi, ông nội của Sử kể truyền thuyết về những ngày chạy giặc của người Y Tý. Cội rễ người Y Tý vốn không ở mảnh đất này mà ở mãi nơi núi cao tít hút. Trong nhà lúc nào cũng có gạo trắng dự trữ, săn thú về ăn, thuốc phiện hút xả láng cả ngày. Ðến trẻ con cũng biết hút thuốc phiện. Thời đó, bản làng Y Tý của nả nhiều không kể xiết. Thế nhưng, một ngày quân giặc kéo đến giày xéo bản làng, người Y Tý không chống cự lại được. Dân làng đành phải bỏ bản, bỏ làng dắt díu nhau chạy mãi về phía nam sinh sống.
Trên con đường quanh co xuống thôn Tả Di Thàng, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng đang kè đá làm nền nhà. Người đàn ông tên Pờ Hờ Ly đang dùng búa đập đá. Anh Ly nhỏ con, khuôn mặt đen. Trong cái lạnh ngằn ngặt, anh vẫn đánh trần. Ðôi tay xương xẩu vằn lên những đường cơ như rễ cây rừng. Nhìn vóc dáng anh, đủ thấy cả đời lam lũ, vất vả vật lộn với suối nguồn chảy mạnh cuốn phăng cả lúa ngô. Anh khoe, vừa rồi bán được ít thảo quả nên mới có tiền, vợ chồng con cái kéo nhau lên sườn núi làm lại nhà. Thấy tôi chăm chú nhìn đống lửa bùng bùng cháy trên một tảng đá lớn, Ly bảo: “Úi chà, hòn đá này cứng đầu lắm, đập mãi nó không chịu vỡ ra. Nhưng ta mà đốt thì chỉ có vỡ hết…”. Thì ra, búa to không đập vỡ được hòn đá nên họ phải dùng lửa nung để nó nứt ra rồi mới đập dần từng miếng. Phải đập được hòn đá lớn mới có mặt bằng làm nhà. Khó mấy cũng làm, cả nhà phải mất vài tháng trời cơi đá, phá đất, quật tường… mới xong.
Lửa
Mùa đông lạnh lẽo, trong ngôi nhà của người Hà Nhì, bếp lửa không bao giờ tắt. Lửa là ánh sáng, giúp xua đi cái tối trong ngôi nhà kín mít. Lửa mang hơi ấm cho ngôi nhà, giúp người Hà Nhì chống lại cái rét quanh năm. Vì vậy, với người Hà Nhì, lửa không những để nấu ăn, sưởi ấm, mà nó còn mang ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức. Bởi thế, khi dựng nhà xong, việc đầu tiên là người Hà Nhì kiếm một hòn đá để làm lễ đón Thần lửa về ngôi nhà của mình. Sau khi đón Thần lửa về và làm xong bàn thờ tổ tiên thì người Hà Nhì mới làm lễ lên nhà mới.
Bí thư Ðảng ủy xã Y Tý, Ly Dờ Lúy bảo: “Mấy mùa xuân qua nhà nào cũng có thịt để ăn, có rượu để uống, vì thảo quả được mùa”. Bí thư Lúy kể rằng, ngày trước, cả xã với 3.700 khẩu, chỉ biết trông chờ vào 280 ha ruộng bạc màu pha lẫn với đá. Tuy nhiên, ruộng nương ở đây cũng chỉ làm được một vụ mà thôi. Mùa đông buốt giá dài lê thê, thỉnh thoảng tuyết rơi trắng xóa, cỏ cây úa tàn, sóc chồn co mình trong hốc đá. Suốt mùa đông dằng dặc, con trai chỉ còn cách vào rừng săn con thú, con gái chăm chỉ vào rừng nhặt củi để sưởi ấm suốt mùa giá lạnh.
Mấy năm gần đây, được Nhà nước quan tâm, đưa giống lúa mới, giống ngô lai năng suất cao vào đất Y Tý, lại đưa các cán bộ khuyến nông đến tận thôn, bản dạy đồng bào biết cách trồng lúa, trồng ngô, nuôi bò, chăn dê. Vì thế, cuộc sống đồng bào mỗi năm thêm đổi mới, nhà nào cũng rủng rỉnh thóc gạo. Gia đình Ly Dở Khừ mỗi năm chỉ gieo năm cân thóc giống mới mà cho những hai tấn lúa, đủ cho cả nhà ăn ròng suốt năm. Gia đình Phù Dở Lả có đông nhân lực, san được nhiều đồi, làm được nhiều ruộng bậc thang nên gieo được tới những 10 cân giống. Xưa nay, thảo quả vẫn là loại cây hương liệu nổi tiếng ở đất Lào Cai. Thế nhưng, xưa kia, thảo quả mọc đầy trong rừng mà người Hà Nhì chẳng biết thu hoạch để bán cho người vùng xuôi. Người Hà Nhì cũng như người Mông, Dao, chỉ biết hằng ngày lên lấy mầm cây thảo quả về làm nộm hoặc xào nấu với con chuột, con sóc. Thế nhưng, giờ đây, người Hà Nhì đã biết trồng thảo quả, chăm sóc thảo quả, nên khắp thung sâu, khe suối đều bạt ngàn thảo quả. Nhờ thế, nhiều gia đình ở Y Tý hằng năm kiếm được vài chục triệu đến cả trăm triệu tiền bán thảo quả. Cũng từ cây thảo quả mà cuộc sống nơi đây mỗi năm lại thêm thay đổi.
Và nhiều Tết
Người Hà Nhì ăn rất nhiều Tết. Nhưng xưa kia đói kém, họ chỉ đón Tết lấy lệ. Ngày Tết vẫn phải ăn mèn mén thay cơm. Từ khi trồng được cây lúa, cây ngô năng suất cao, lại được mùa thảo quả thì Tết nào người Hà Nhì cũng ăn rất to. Ngoài Tết Nguyên đán còn có Tết trẻ em, Tết cúng rừng, Tết trùm khăn, Tết khù lê khê, Tết ga tho tho. Tuy nhiên, Tết to nhất vẫn là Tết truyền thống ga tho tho (diễn ra vào tháng 11 âm lịch).
Bí thư Lúy chỉ hai con lợn nhốt ở phía trái nhà, đen trùi trũi, mỗi con nặng dễ đến 50 kg và bảo: “Tết này mình mổ hai con lợn này, ở đây ăn Tết với bản mình nhé”. Không dám hẹn, tôi trầm ngâm ngắm nhìn những ngọn núi, dòng sông thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc mà lòng trào dâng nỗi niềm khó tả. Ðâu đó vang lên tiếng lợn kêu eng éc, tiếng chày giã bánh bì bọp, tiếng cười rộn rã của đám trẻ con, và lấp ló sau cánh cửa là ánh mắt thẹn thùng của các cô gái Hà Nhì má ửng hồng, miệng thở ra sương.
Nhà ở Y Tý như những cây nấm khổng lồ. Ảnh: ĐĂNG TUẤN