Một bưu thiếp mầu đỏ, viết nắn nót: “Chào cô Quỷ Nhỏ (Little Monster)! Một chút nước Đức gửi em. Chúc Giáng Sinh An Lành! Hugs from Monster Twin”. Là anh, Monster Twin, người tôi không gặp đã lâu. Xưa chúng tôi gọi nhau là Monster Twin, là Soulmate (sinh đôi, tri kỉ), vì có quá nhiều điểm giống nhau trong sở thích, suy nghĩ, có thể nói thâu đêm suốt sáng không hết chuyện. Anh làm việc ở một lĩnh vực cần sự tỉnh táo, mạch lạc, nhưng lại như thầy tôi về âm nhạc, hội họa, lịch sử, triết học. Anh chơi đàn piano tuyệt hay mà tính toán cũng rất giỏi. Anh là người vừa dễ hiểu, vừa khó đoán, một người quá đặc biệt trong những người đặc biệt tôi từng biết.
Mùa Vọng ấy, tôi nghe đi nghe lại “Những Nàng Tiên”. “Die Feen” (“Những Nàng Tiên”) là vở opera hoàn chỉnh đầu tiên của Richard Wagner, được ông viết năm 1833, lúc mới hai mươi tuổi, nhưng nó chỉ thực sự được đón chào ở Munich năm 1888, sau khi ông qua đời vài năm. Âm nhạc Wagner là những mảng sáng tối, quyến rũ tôi một cách lạ lùng bởi nhiều ranh giới đối lập mà tôi cảm nhận được. Một bài thơ tôi từng viết, nhắc về cảm nhận ấy: “Trong câu chuyện của chúng ta/ có Những Nàng Tiên bay ra từ giai điệu Wagner/ trên đôi cánh mỏng/ Em tự hỏi/ một đôi cánh mong manh sao mang nổi/ trái tim trĩu nặng tình yêu/ mà không gẫy mỏi/ như Tình Yêu và Sự Bất Tử/ có thể đổi chỗ cho nhau./ Trong câu chuyện của chúng ta/ không có ranh giới nào/ của bóng tối và ánh sáng/ của đam mê và lạnh nhạt/ của niềm hân hoan và nỗi e sợ mơ hồ/ của tin yêu và phản trắc/ của sự sống và cái chết/ khi những phức điệu cùng cất tiếng/ từ thăm thẳm đất dày/ từ vời vợi cao xanh...”. Suốt mấy tuần trước lễ Giáng Sinh, tôi chìm đắm vẫy vùng trong những giai điệu Wagner lạ lùng mà quen thuộc. Tôi dè sẻn nhấm nháp những chiếc bánh Vanillekipferl, những mảnh trăng thân gần mà xa cách, như nhấm nháp từng mảnh kỉ niệm dịu ngọt.
Từ lâu, tôi đã “phải lòng” hương vị Vanillekipferl ở nhà Mai, một trong bốn bạn gái thân thời sinh viên của tôi. Mai lấy chồng người Đức nên khá thạo nấu những món quê anh. Andreas, chồng Mai, từng làm việc ở Hà Nội. Bếp nhà họ lúc nào cũng thơm cũng ấm, vì bạn tôi vốn đảm đang, còn chồng bạn thì mê ẩm thực. Cả hai rất hiếu khách, thỉnh thoảng vẫn mời chúng tôi tụ tập. Hôm đó, vừa dắt xe vào sân, tôi đã thấy mùi bơ, mùi vani thơm nức nở. Andreas tươi cười ra đón, hãnh diện khoe: “Chan oiiii! Hôm nay có món đặc biệt nhé. Mai vừa làm bánh quy Giáng Sinh cực ngon”. Andreas thường gọi tên mấy đứa chúng tôi theo kiểu Việt Nam, với từ “ơi”, được anh kéo dài ra, như hát. Tôi tò mò lao vào bếp. Bạn tôi má đỏ hây hây, tạp dề còn vương bột, đang cầm cái rây be bé, rây đường vani lên những chiếc bánh xinh hình vành trăng, nhỏ bằng ngón tay cái, hươm hươm vàng, xếp hàng ngay ngắn trong khay. “Ah, mày đây rồi, vào giúp tao một tay! Để tao đi rán nem”. Tôi lập tức vào cuộc, thoăn thoắt, cứ như mẻ bánh này là tác phẩm của chính tôi vậy. Mùi bánh thơm quyến rũ rối rít bủa vây tôi. “Tao nếm nhá!”-Nói rồi, tôi nhón luôn một mảnh còn ấm nóng. Chao ôi, miếng bánh Vanillekipferl đầu tiên! Nó vừa giòn đấy xốp đấy, mà bỗng tan biến luôn khi tôi kịp cảm nhận dư vị đằm thắm của nó. Tôi xuýt xoa: “Ôi, ngon quá!”. Mai cười: “Hôm trước mẹ chồng dạy qua Skype cho mấy chiêu, nay thử luôn! Andreas bảo chưa đẹp lắm đâu, nhưng ngon suýt soát bằng bánh của mama đấy!”.
Vanillekipferl, những chiếc bánh nhỏ hình mặt trăng phủ đầy đường vani, là một loại bánh Giáng Sinh truyền thống, có xuất xứ từ Vienna, thủ đô nước Áo. Tôi nghe kể, nó được tạo hình mặt trăng, biểu tượng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, là để ghi dấu chiến thắng của người Áo trong cuộc chiến tranh Áo-Thổ năm 1683. Ở Đức, Áo, Thụy Sĩ, Hungary, Ba Lan, Czech, Romania và Slovakia, nhà nhà làm Vanillekipferl vào dịp cuối năm hoặc mua bánh ở những hội chợ Giáng Sinh hay các cửa hàng. Hương vị đặc trưng của loại bánh này là đường vani, một nguyên liệu làm bánh phổ biến ở châu Âu. Vanillekipferl gợi chút gì đó đến bánh quy bơ giòn thêm vị ngậy của một loại hạt có tinh dầu. Ở Đức, bắt đầu Mùa Vọng, bốn tuần trước lễ Giáng Sinh, bữa trà, cà-phê của nhiều gia đình xuất hiện đủ loại bánh quy truyền thống, trong đó không thể thiếu Vanillekipferl. Những chiếc bánh hình trăng khuyết xốp giòn thơm ngậy, nguyên bản được làm từ bột quả óc chó, nhưng cũng có thể thay bằng bột quả phỉ hoặc bột hạnh nhân, trộn với bột mì, bơ nhạt, muối và đường vani. Phiên bản bột hạnh nhân có lẽ được nhiều người ưa thích nhất vì khi nướng chín nó cho mùi thơm hấp dẫn hơn cả. Vanillekipferl là một trong số ít loại bánh quy không dùng trứng. Vani cho loại bánh này phải từ quả, hạt, hoặc tinh chất vani chính hiệu để bảo đảm hương thơm thuần khiết. Bột hạnh nhân nghiền trộn bột mì đa dụng, nhào cùng bơ lạnh cắt quân cờ, đường bột, chút muối và tinh chất vani thành một hỗn hợp khô tơi. Nếu quá khô có thể cho thêm một hai thìa nước, rồi vò bột thành khối, bọc trong nilon, cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng một đến hai giờ. Những chiếc bánh xinh, trông có vẻ mộc mạc đơn giản, nhưng để làm ra nó không dễ như nhiều loại bánh quy khác. Bột để lạnh trở nên cứng, hay nứt vỡ, đòi hỏi phải khéo tay, nâng niu khi nặn bánh. Nhanh nhanh lăn khối bột lạnh trên bàn, có cảm giác nó vươn ra như một cành cây nhỏ, người làm bánh cảm thấy hơi thở mùa đông vương vất trên tay. Cắt “cành cây” ấy thành những khúc bé xinh, vê hai đầu lại, uốn cong nhẹ nhàng, tạo hình mảnh trăng khuyết. Xếp những mảnh trăng đều tăm tắp vào khay lót giấy nến rồi nướng trong lò đã nóng sẵn, khoảng mười hai đến mười lăm phút, nhiệt 180 độ. Tùy lò và kích thước bánh để điều chỉnh sao cho bánh lúc chín vàng sẫm ngoài rìa, nhạt dần vào trong. Khâu cuối cùng, rắc đường bột trộn đường vani lên bánh đang nóng, phủ màn khói sương ủ kín một bí mật nho nhỏ. Chờ bánh nguội, lại phủ thêm một “màn sương khói” nữa trước khi cất trong hộp kín, bảo quản nơi thoáng mát. Vanillekipferl sẽ tươi ngon khoảng ba tuần. Khi mảnh trăng nhỏ vỡ ra trên môi ta, tan trong miệng ta, ta sẽ dần giải mã bí mật của vị ngọt dịu dàng, của hương thơm phưng phức. Ta đắm trong ánh sáng thanh khiết từ những mảnh trăng thơm ngọt, dọn mình chờ đón vầng hào quang hân hoan mừng lễ Giáng Sinh. Bốn tuần Mùa Vọng cũng gần tròn một tháng-một mùa trăng như người Việt thường nói.
Xưa, mỗi lần qua Hà Nội, Monster Twin thường mua cho tôi nguyên hộp đường vani Vanillinzucker để làm cả những loại bánh khác nữa. Đã nhiều năm, nhiều năm nay, muốn làm bánh Vanillekipferl, tôi tự trộn đường vani, mất công một chút, nhưng cho hương thơm tươi rói. Tôi trộn đường bột với tinh chất vani, sấy khô rồi lại nghiền thành bột. Nếu mua được thanh vani khô, tôi xay nhỏ bằng máy xay cà-phê. Thành phẩm đường bột trộn vani sẽ ngả mầu theo những hạt nâu non lấm tấm. “Cô Quỷ Nhỏ” giờ đã có góc bếp tiện nghi hơn, với một cái lò nướng to, tha hồ phô diễn các “phép thuật”. Mai, Andreas và con gái Noa chuyển về Berlin gần chục năm nay. Một mùa hè, tôi từ Paris sang Berlin thăm Mai. Chúng tôi trò chuyện, nấu nướng trong căn bếp rộng rãi, cửa sổ lớn nhìn ra những vòm cây xanh mát. Andreas và Noa ăn món Đức: bánh mì, súp hành, xúc xích áp chảo. Tôi và Mai chén cơm Việt: rau muống luộc, thịt kho tàu, dưa chua. Nếu món Việt thì ông chồng cao lớn cồng kềnh của Mai chỉ thích nem. Hồi ở Hà Nội, có lần tôi tới chơi, làm nem cua bể, ba chúng tôi đánh bay bốn chục chiếc, kèm cả rau cả bún, nhớ đời! Tôi và Mai cười rũ khi nhắc lại bữa nem này. Câu chuyện chợt ngưng, lắng lại, như nốt lặng giữa bản nhạc. Mai thốt lên: “Tao nhớ Hà Nội quá, mày ạ!”. Tôi bảo: “Ừ, biết rồi! Nhưng Hà Nội ở trong mày. Nghĩ thế, là đỡ nhớ”. Tự nhiên, Mai hỏi: “Noel năm vừa rồi mày có làm Vanillekipferl không?”. Tôi lắc đầu: “Ở nhà có được nghỉ Noel đâu. Công việc cuối năm dồn lại, bận ngập cổ. Tao chỉ mua một hộp bánh nhỏ ở siêu thị đồ Âu trên Lý Thường Kiệt, hương hoa tí thôi”. “Hay bọn mình làm bánh đi! Đang mùa hè, nhưng kệ!”-Mai bỗng hào hứng rủ tôi. Sớm hôm sau, chúng tôi cùng chuẩn bị bột. Mỗi đứa một tay, loáng cái đã sẵn sàng. Bé Noa muốn phụ giúp các mẹ. Con bé còn lóng ngóng, nhưng mãi cũng nặn ra được hình mặt trăng. Nó phấn khích dặn: “Mẹ nhớ đánh dấu bánh của con, để con khoe bố!”. Mai lấy que tăm, khắc chữ “N” lên vài cái bánh. Noa sung sướng mê tơi. Mẻ bánh của chúng tôi không đều lắm, cái to cái nhỏ, cái méo cái xinh, nhưng chắc chắn đó là một trong những mẻ Vanillekipferl ngon nhất.
Buổi tối mùa hè ở Berlin se lạnh. Mặt trời vừa rời đi để lại những vệt mây ngũ sắc hình rẻ quạt tuyệt đẹp trên nền trời tím biếc. Mảnh trăng sớm cong cong mơ màng hiện ra từ lúc nào. Chúng tôi quây quần bên bàn trà sau bữa tối. Noa rối rít khoe bố những chiếc bánh nó tự tay làm, bắt bố ăn bằng hết. Rồi Mai đưa con gái về phòng. Andreas còn làm việc trên máy tính một lúc nữa. Mình tôi ngồi lại, nhâm nhi ngụm trà cúc, nhón một mảnh trăng. Nó tan ra, hòa vào tôi, chạm tận lòng tôi, rưng rưng, mơ hồ. Mơ hồ như mảnh trăng trên trời, ngọt suốt mùa trăng.