Những bức ảnh kể chuyện

|

Một buổi chiều cuối năm, chúng tôi ngồi trên căn gác nhỏ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo ở phố Hàng Đào, trò chuyện về những ngày xưa yêu dấu của thủ đô Hà Nội trong ký ức một người phố cổ. Ông bảo, ký ức thì nhiều, nhưng ngày đó ông còn nhỏ quá, chưa biết cầm máy ảnh. Năm hết Tết đến, ông lang thang trên mạng tải về những bức ảnh mang dấu ấn một thời, tính ra cũng ngót nghét 60 năm. Chúng tôi ngỏ ý muốn nghe ông kể những trò chơi con trẻ ngày xưa, ông nói: Hãy để những bức ảnh này tự kể chuyện…

Xem xi-nê thùng

Những năm sau ngày giải phóng Thủ đô, ở Bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện với đền Bà Kiệu có hai, ba rạp xi-nê (chiếu phim) thùng. “Rạp” là một cái thùng dài độ gần hai mét, hai bên thùng có khoảng mười ống nhòm, nhìn vào bên trong, có màn hình kích thước lớn hơn tờ giấy A4, nhỏ hơn tờ giấy A3 một chút. Đầu thùng đặt máy chiếu phim 8 li. Chủ rạp vừa là người bán vé, chiếu phim và thuyết minh phim. Vé cho một lần xem 10 phút khoảng một hào (một bát phở ngày ấy giá hai hào rưỡi), ai mua vé sớm được ngồi đầu thùng, gần màn hình, còn mua vé vét thì phải ngồi cuối thùng, khó xem hơn. Ngày ấy chỉ có phim câm, tuy ông chủ chỉ thỉnh thoảng ghé mắt nhìn vào màn hình, nhưng thuyết minh khớp với hình như thật. Xem phim thùng ngày ấy thu hút rất nhiều trẻ con (bây giờ có lẽ đã là những ông lão bà lão bảy, tám mươi tuổi), là ký ức tuổi ấu thơ không thể mờ của nhiều người Hà Nội.

Nhảy ngựa

 

Bức ảnh này do nhiếp ảnh gia lão thành Quang Phùng chụp. Người chơi chia làm hai đội, một bên làm ngựa, bên kia nhảy ngựa. Mỗi lần nhảy xong thì “con ngựa” do các bé khom lưng xếp hàng lại dài thêm ra một người. Đến lúc bên kia không nhảy được nữa thì lại phải làm ngựa cho bên thắng nhảy. Nếu “ngựa” không chịu được sức nặng từ cú nhảy của các kỵ sĩ bên kia thì cũng coi như là thua và chơi lại từ đầu. Đây là trò chơi rèn luyện sức bật và sức khỏe rất được trẻ em thời xưa yêu thích.

Chơi ô ăn quan

 

Trò chơi này thường của con gái, bây giờ có lẽ chỉ còn trong hình dung của nhiều người qua bức tranh nổi tiếng cùng tên của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Trong ảnh, hai bé gái ngồi hai bên hình vẽ các ô trên nền xi-măng. Một bé khác đang say mê quan sát, chiếc xe đạp cũ không kịp dựng vứt chỏng chơ bên cạnh, chứng tỏ lũ trẻ đã vội vã muốn chơi ngay như thế nào. Đây là trò chơi của con nhà nghèo, không biết do ai nghĩ ra, nhưng nó đã trở thành di sản ký ức tuổi thơ của rất nhiều người.

Trồng nụ trồng hoa

 

Đây là trò chơi của cả bé trai và bé gái. Hai bé ngồi bệt trên mặt đất trồng chân cho bé khác nhảy. Đầu tiên là trồng từng chân lên nhau, ai nhảy qua thì trồng tiếp chân mới. Hết chân thì trồng đến tay, sao cho người kia không nhảy qua được là thắng. Trong bức ảnh, có vẻ hai bé ngồi dưới chơi ăn gian, giơ tay lên cao để chặn cú nhảy của bé còn lại. Dù ai thắng hay thua thì niềm vui của lũ trẻ qua khoảnh khắc bấm máy tuyệt vời của nhiếp ảnh gia đã đánh thức kỷ niệm của rất nhiều người trong chúng ta.

Rồng rắn lên mây

 

Trái với trò chơi nhảy ngựa đòi hỏi nhiều sức mạnh, rồng rắn lên mây mang tinh thần vui vẻ và hòa đồng hơn rất nhiều. Các bé túm áo nhau thành hàng, vừa hát bài đồng dao vừa đi đến nhà thầy thuốc. Sau màn đối đáp, thầy thuốc phải “tha hồ mà đuổi” để mọi cách tóm được đuôi rắn, nếu không thầy sẽ thua. Trong bức ảnh này, “đầu rắn” đang nỗ lực ngăn cản thầy thuốc túm đuôi, còn đuôi rắn và các bộ phận thân rắn vẫn phải túm chặt lấy nhau để trốn. Trò chơi này thường chơi vào những đêm trăng sáng, đặc biệt là dịp rằm Trung thu, nhưng cũng có thể chơi vào tất cả các dịp trong năm.

Đánh quay

 

Là trò chơi phổ biến của các bé trai ở cả miền bắc, miền nam, miền xuôi, miền ngược. Quay thường có hai loại: quay đẽo và quay tiện. Chơi cũng thường có hai trò: đánh quay (còn gọi là bổ quay) và thi quay nào quay được lâu hơn. Trong ảnh là các bé đang chơi trò bổ quay. Quay của bên nào bị bổ trúng, ngã lăn trên mặt đất thì coi như thua. Có người bổ giỏi đánh gẫy “tu” quay của đối phương thì con quay ấy coi như bỏ đi vì không còn chỗ để buộc dây quay chơi tiếp.

Tú lơ khơ bôi nhọ nồi

 

Đây là trò chơi mang lại rất nhiều nụ cười, hay diễn ra vào dịp Tết, lúc lũ trẻ được nghỉ học dài ngày. Người thua bài sẽ phải để cho người thắng cuộc vạch lên mặt một vệt nhọ nồi đen nhánh. Dụng cụ chơi ngoài bộ bài tú lơ khơ, dứt khoát phải có một cái niêu, hay nồi. Ngày xưa việc nấu nướng chủ yếu bằng rơm rạ nên đáy nồi có rất nhiều muội (nhọ). Đôi khi nhọ nồi còn được người chơi trộn với mỡ nước, để người thua cuộc khó xóa được vết nhọ trên mặt, như một cách bêu sự kém cỏi của đối phương. Trong bức ảnh, cuộc đấu có vẻ khá cân tài cân sức khi mặt ai cũng đầy vết nhọ nồi!

Ảnh: NGUYỄN HỮU BẢO (sưu tầm)