Những chuyển biến tích cực

|

THTSTN là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả PCTN. Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh “phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có”; Nghị quyết số 96 của Quốc hội yêu cầu nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt hơn 60%. Đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã điều phối, tháo gỡ, giải quyết tốt các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ, tạo sự phối hợp hiệu quả, tạo đòn bẩy trong PCTN và THTSTN.

Những con số ấn tượng

Nếu như trong 10 năm thi hành Luật PCTN, số tiền thu hồi được cho Nhà nước chỉ 4.676,6 tỷ đồng (xấp xỉ 8%) trên tổng số thiệt hại, số vụ thu hồi triệt để ít, thì nay con số kê biên, thu hồi nhiều vụ án lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng làm nức lòng dư luận. Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm đã thu nộp vào ngân sách Nhà nước 1.290 tỷ đồng, phong tỏa, kê biên, tạm giữ 120 tỷ đồng, bảy ô-tô, một căn hộ chung cư và nhiều tài sản có giá trị khác; vụ án xảy ra tại Mobifone-AVG thu 8.846,749 tỷ đồng/6.618,324 tỷ đồng (134%), kê biên ba bất động sản. Theo Đại tá Nguyễn Văn Thành, Cục phó CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, nhiều vụ án ngay cả khi TSTN đã được tẩu tán ra nước ngoài nhưng“ lưới trời lồng lộng”, cơ quan điều tra vẫn có biện pháp thu hồi hiệu quả. Cục đã chủ động rà soát, ngăn chặn việc chuyển nhượng các công ty, dự án, bất động sản, cổ phần, cổ phiếu thuộc sở hữu của các công ty và cá nhân trong vụ án Trần Bắc Hà và đồng phạm với tổng giá trị ước tính gần 1.000 tỷ đồng; ngăn chặn giao dịch tài khoản ngân hàng của vợ, hai con của Trần Bắc Hà và nhiều cá nhân khác có liên quan với số dư tài khoản hơn 40 tỷ đồng và 1.130.504 cổ phiếu (giá trị ước tính 20 tỷ đồng) và thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp, Ngân hàng LaoVietBank đã phong tỏa tài sản của các công ty (liên quan đến Trần Bắc Hà) có giá trị tương đương 14,474 triệu USD.

Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” dần được khắc phục, nhiều vụ tham nhũng lớn đã được công an các địa phương phát hiện, điều tra, tỷ lệ THTSTN đạt 100% như vụ án xảy ra tại Công ty IPC, Sadeco (TP Hồ Chí Minh), vụ tham ô tài sản tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Điện Biên... Làm một phép so sánh,  theo Ngân hàng Thế giới, chỉ cần thu hồi 1% số tiền tham nhũng trên thế giới cũng đủ tiêm chủng cho bốn triệu trẻ em hay cung cấp nước sạch cho nửa triệu người nghèo trong một năm; gần 80 nghìn tỷ đồng tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng giai đoạn 2016-2021 đã bù đắp rất lớn cho xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, trong bối cảnh bố trí vốn từ ngân sách trung ương còn khó khăn.

Phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời

Những cải cách về thể chế cũng tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn. Luật PCTN (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung liên quan kê khai, kiểm soát, xử lý TSTN. Đã không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” và hình phạt đối với hành vi tham nhũng được sửa đổi theo hướng tạo cơ hội cho người phạm tội khắc phục hậu quả, trả lại TSTN. Hội đồng thẩm phán Tòa án NDTC ban hành Nghị quyết số 03 nhấn mạnh “Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử”.

Chú trọng phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thu hồi ngày càng cao. Có được bước chuyển tích cực phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt nhanh chóng, kịp thời của cơ quan chức năng sớm xác minh, chủ động phong tỏa, thu giữ, tạm giữ, kê biên các loại tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, hạn chế hậu quả và bảo đảm thi hành án. Một trong những vụ án THTSTN nhiều nhất là vụ  Hứa Thị Phấn rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng hơn 12 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín. Ngay từ giai đoạn đầu, bên cạnh đấu tranh, làm rõ năm hành vi phạm tội của Hứa Thị Phấn, với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm cao, các điều tra viên và cán bộ điều tra tham gia xác minh của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, xác định bị can Phấn không chỉ đứng tên sở hữu tài sản mà còn thông qua 22 cá nhân có quan hệ họ hàng và nhân viên dưới quyền đứng tên sở hữu giúp tài sản. Do áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, hỏi cung các bị can, ghi lời khai các đối tượng có liên quan; kịp thời có công văn rà soát bất động sản tại Văn phòng đăng ký đất đai các tỉnh, thành phố; rà soát và phong tỏa việc sở hữu tài khoản, cổ phần, cổ phiếu tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đã phát hiện và kê biên, phong tỏa khoảng 200 bất động sản, cổ phần, cổ phiếu... ước tính 20 nghìn tỷ đồng của Hứa Thị Phấn, Công ty Phương Trang và các đối tượng có liên quan, để thu hồi tài sản cho Nhà nước và bảo đảm các nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.

Nếu trước đây, trong các vụ án tham nhũng chưa xử lý được hành vi “rửa tiền”, thì nay đã có bốn vụ án khởi tố về tội rửa tiền, TSTN được chuyển hóa như thế nào, cho ai, bằng cách nào đã được điều tra xác định, phong tỏa và thu hồi triệt để. Vụ án “tham ô tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Vinashinlines là “phát súng” đột phá. Từ thông tin trinh sát và qua thu thập tài liệu, cơ quan An ninh điều tra xác định ông Giang Văn Hiển, bố Giang Kim Đạt dù đã về hưu, không kinh doanh nhưng đứng tên nhiều bất động sản và tài khoản ngân hàng thường xuyên có một lượng tiền lớn được chuyển khoản từ nước ngoài, thông qua các công ty môi giới, dòng tiền ghi rõ tên tàu, nội dung tiền hoa hồng, số hợp đồng mà Đạt phụ trách. Sau khi bị bắt, ông Hiển chỉ khai nhỏ giọt những tài sản mà Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ và khẳng định đó là tiền của ông. Ngoài chứng cứ, cán bộ điều tra đã cảm hóa, đánh vào tình cảm cha con để ông Hiển khai báo thêm. Đạt lĩnh án tử hình, còn ông Hiển phải “bóc lịch” 12 năm tù, trả giá cho 92 lần nhận gần 16 triệu USD trợ giúp con trai mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 ô-tô.

Không ít vụ án tưởng công tác thu hồi đã bế tắc nhưng nhờ sự kiên trì, nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo, sắc bén về nghiệp vụ của cán bộ đã tháo gỡ thành công nhiều “điểm nghẽn”. Từng là chủ tọa nhiều phiên tòa xét xử án tham nhũng lớn, thẩm phán Trương Việt Toàn, TAND thành phố Hà Nội trải lòng về áp lực căng thẳng bởi đông bị cáo, hồ sơ rất dày với hàng chục nghìn bút lục, lời khai liên quan hữu cơ lẫn nhau nên phải biết cách tổng hợp lời khai, đào sâu suy nghĩ, đánh giá thấu đáo chứng cứ, xét xử  bảo đảm “đúng người, đúng tội” vừa xác định đúng và đủ các tài sản cần phải thu hồi, tịch thu; rõ trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của các bên liên quan và đưa ra các quyết định rõ ràng, khả thi; áp dụng các biện pháp bảo đảm cho việc thi hành án ở mức cao nhất có thể, tránh phát sinh tranh chấp và khiếu nại của đương sự có liên quan đến tài sản.

Vụ án Mobifone-AVG, bị cáo Lê Nam Trà nhận hối lộ 2,5 triệu USD, Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ ba triệu USD, cao gấp rất nhiều lần mức khởi điểm một tỷ đồng quy định trong khung hình phạt 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Các bị cáo còn gây thiệt hại cho Mobifone 6.475 tỷ đồng, đối mặt với mức án cao nhất. Ban đầu, ông Son không thừa nhận hành vi phạm tội. Bằng việc công bố các lời khai, thư mà bị cáo viết gửi vợ trong quá trình điều tra, Hội đồng xét xử đã khéo léo phân tích, thuyết phục nên chiều ngày 17-12-2019, bị cáo thay đổi lời khai, mong được gặp gia đình để bàn cách khắc phục hậu quả. Ban đầu gia đình không hợp tác, Hội đồng xét xử kiên trì động viên và chỉ trong bốn ngày, có 10 người thay bị cáo giao nộp 66 tỷ đồng (vượt 97 triệu đồng so với nghĩa vụ bị cáo cần phải thi hành). Một số vụ án khác, Hội đồng xét xử cũng đã lường trước tình huống giá nhà đất do phạm tội mà có tăng rất cao so với thời điểm kê biên, tuyên án phần chênh phát sinh sung quỹ Nhà nước, nên giá trị TSTN thu hồi càng gia tăng.

THTSTN thời gian qua được thực hiện hiệu quả, tạo bức tranh nhiều điểm sáng, tuy nhiên để công tác này duy trì bền vững và thường xuyên hay không vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, giải quyết tận gốc rễ. “Phát hiện sớm góp phần ngăn chặn, giảm thiệt hại và thu hồi thuận lợi nhưng quan trọng hơn cả là phải có cơ chế chính sách để không dám, không thể và không cần tham nhũng. Bởi nếu để xảy ra tham nhũng chẳng khác nào “thả gà ra đuổi” và phải tốn kém chi phí và nguồn lực rất lớn để truy tìm, thu hồi”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.