Giáo dục cầu thủ (Bài 2): Đạo đức phải song hành với chuyên môn

|

Những sự việc nghiêm trọng vừa qua là bài học gióng lên hồi chuông báo động về tư tưởng, lối sống không lành mạnh tồn tại trong bóng đá Việt Nam. Đã đến lúc các CLB phải siết chặt quản lý, cũng như các trung tâm đào tạo trẻ cần chú trọng hơn về giáo dục đạo đức giúp các cầu thủ có đủ hành trang nhận thức để tránh rơi vào vòng xoáy cám dỗ.

Khi bóng đá Việt Nam chuyển đổi từ mô hình bao cấp qua bán chuyên nghiệp năm 2000 rồi sau đó là chuyên nghiệp, cũng là lúc cầu thủ Việt một thời đá bóng chủ yếu vì đam mê đã nhanh chóng đổi đời, sống xa hoa, khiến không ít người choáng ngợp và dễ rơi vào cảnh ăn chơi, thác loạn nếu không biết giữ mình. Những cám dỗ trong môi trường bóng đá không chừa bất cứ cầu thủ nào và ngay cả những ngôi sao tên tuổi cũng có thể sa ngã. Trong khi đó, rất khó cho các cầu thủ ở cùng CLB, bởi cho dù có biết, song họ không dám dũng cảm đứng ra tố cáo đồng đội sử dụng chất cấm, cá cược, dàn xếp tỷ số, vì phía sau tiêu cực là không ít sự ràng buộc liên quan như bao che, chế áp, hăm dọa...

Đã đến lúc, VFF, VPF và các CLB phải cứng rắn siết chặt quản lý, chủ động, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về pháp luật. Ngoài ra, cần bắt buộc triển khai thường xuyên xét nghiệm chất cấm, kiểm tra doping ở các giải bóng đá chuyên nghiệp với các biện pháp, chế tài nghiêm khắc. Các cầu thủ buộc phải tuân thủ việc kiểm tra ở bất kỳ thời điểm và địa điểm được yêu cầu mà không cần báo trước.

Những vi phạm cho dù có nhận kỷ luật, án phạt và cả truy tố hình sự nhưng dường như cũng không đủ răn đe. Để ngăn chặn và giảm thiểu tối đa tiêu cực, chúng ta phải chấn chỉnh từ gốc, cầu thủ cần được giáo dục, thấm nhuần những chuẩn mực và giá trị đạo đức ngay từ khi còn ở học viện hay các lò bóng đá trẻ. Ở đây không chỉ là fair-play trên sân cỏ mà còn là giáo dục về lối sống, kỹ năng, tư duy, nhận thức để tránh những thói hư tật xấu. Giáo dục tư tưởng đạo đức luôn phải song hành cùng chuyên môn.

Các cầu thủ tham gia chương trình giáo dục pháp luật của Công ty Thể thao Viettel. (Ảnh: TCVT)

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, khâu giáo dục cầu thủ ở nhiều đội vẫn chưa tới nơi tới chốn. Hầu hết các đội bóng mới chỉ tập trung vào phát triển chuyên môn, còn việc dạy các “kỹ năng mềm” trong cuộc sống thì lại chưa được quan tâm đúng mức. “Các CLB phải giáo dục cầu thủ kỹ lưỡng ngay khi còn trẻ. Giáo dục cả chuyên môn và lối sống. Bóng đá chuyên nghiệp cần cái tâm, cái tầm, chứ không phải chỉ đào tạo thành một cầu thủ chơi bóng hay là đủ. Ngoài ra, sau mỗi vụ việc, các cầu thủ chỉ bị phạt treo giò hay nặng hơn là cấm thi đấu thì chẳng thể giải quyết vấn đề tận gốc. Sự uốn nắn, cần có những giải pháp căn cơ, tổng thể và tốt nhất là phải được áp dụng ngay từ khi cầu thủ còn trẻ”, ông Đoàn Minh Xương nhận định.

Hiện nay, trên cả nước không có nhiều các trung tâm đào tạo trẻ bài bản như PVF, Hà Nội, Viettel, HAGL... Những trung tâm này không chỉ có cơ sở vật chất hiện đại, giáo trình chuyên môn tốt mà các cầu thủ nhí còn được học văn hóa đầy đủ.

Anh Thanh Tùng (Hải Phòng) có con đang theo học tại Trung tâm đào tạo bóng đá PVF chia sẻ: “Khi con trúng tuyển vào PVF gia đình cũng đắn đo về việc học văn hóa, nhưng sau khi được giới thiệu về hệ thống đào tạo ở đây chúng tôi yên tâm hơn. Buổi sáng các con được xe đưa đến trường Vinschool để học văn hóa, buổi chiều thì tập luyện, còn tối được học thêm ngoại ngữ. Các thầy cô rất nhiệt tình nhưng cũng nghiêm khắc về giờ giấc sinh hoạt, như việc sử dụng điện thoại di động cũng sẽ được quản lý để bớt cho các con khỏi những cám dỗ không lành mạnh trên mạng”.

Lễ tốt nghiệp năm học 2023-2024 của các học viên lớp 12 PVF. (Ảnh: PVF)

Thế nhưng, việc tuyển đầu vào của các trung tâm tên tuổi này không khác gì tỷ lệ thi đại học. Anh Tùng cho biết thêm, trong đợt tuyển sinh của PVF thì con anh là 1 trong 3 học viên được chọn ở cả Hải Phòng. Chưa kể, quá trình tập luyện và trưởng thành luôn có sự cạnh tranh khốc liệt, chỉ cần xao nhãng không đạt yêu cầu trong các đợt kiểm tra là sẽ bị đào thải trả về.

Trong khi đó, nội lực bóng đá ở nhiều tỉnh, thành chưa được khai thác hiệu quả, đồng bộ do kinh phí hạn hẹp, dẫn đến sự chênh lệch lớn. Một điều khác biệt nữa giữa các lò đào tạo ở Việt Nam là việc chú trọng đến dạy văn hóa, ngoại ngữ và thậm chí là Luật Bóng đá. Việc này hết sức quan trọng và cấp thiết cho quá trình trưởng thành của các cầu thủ nhí. Song, với tình trạng “ăn chưa đủ no” của nhiều lò đào tạo, thì việc giáo dục văn hóa, đạo đức và kỹ năng sống cho các cầu thủ là điều khó có thể chú tâm thực hiện.

Và khi bàn đến yếu tố giáo dục thì không chỉ có ý nghĩa riêng trong bóng đá, bởi cuộc đời cầu thủ hay mỗi con người thì giáo dục là một câu chuyện rất quan trọng để làm hành trang cho tương lai.