Tôi qua Bangkok, chờ chóng vóng nửa ngày mới làm thủ tục lên máy bay của ELAL, hãng Hàng không Quốc gia Israel, bay sang Tel-Aviv. Lọt thỏm trong chiếc áo khoác rộng mầu xanh, quần jean, giày ba-ta, đeo túi quai chéo giống học sinh, mũ len xám che tai vì tự nhiên thấy lạnh, tôi ngơ ngác, loanh quanh tìm cửa ra máy bay. Sân bay Bangkok như một mê cung, càng đi càng hoa mắt, và tôi bắt đầu hoảng. Một giọng đàn ông nói tiếng Anh vang ngay sau lưng tôi: “Này, cậu bé áo xanh, cậu cần tôi giúp gì không?”. Hẳn lúc ấy trông tôi giống cậu thiếu niên mảnh khảnh. Tôi quay lại, thấy anh, cao lớn, kềnh càng như “anh gấu tốt bụng” trong truyện tranh, áo sơ-mi hoa lá kiểu Hawai, tóc húi cua, râu quai nón, mà gương mặt rất hiền. Nhìn tôi, anh hơi sững lại vài giây, đôi mắt xanh hóm hỉnh, nụ cười tươi rói. Anh nói: “Ồ, xin lỗi! Hình như cô lạc đường? Tôi có thể giúp cô không?”. Tôi lập bập: “Vâng, vâng, cảm ơn anh. Lần đầu em đến sân bay này. Em tìm cửa số 32 ạ”. - “Ah! Thế ra cô cũng bay đi Tel-Aviv! Mời cô theo tôi, tôi đang trên đường về nhà đây”. Anh vừa nói vừa sải bước khá nhanh, dù trên vai lỉnh kỉnh ba-lô và máy ảnh. Tôi cảm ơn rồi lẽo đẽo đi như chạy theo anh. Lên máy bay mới biết hóa ra chúng tôi ngồi cạnh nhau. Thật ngẫu nhiên, mà cũng là số phận, chúng tôi trở thành bạn đồng hành. Anh tên là Amit Vilner, người Do Thái, hơn tôi bảy tuổi, hướng dẫn viên du lịch cho đoàn khách Do Thái vừa đi thăm nước Úc trở về. Chúng tôi trò chuyện mỗi lúc một thân thiện hơn. Amit bảo, lần sau nhất định anh sẽ tổ chức tour sang Việt Nam, nơi anh tò mò muốn khám phá từ lâu nhưng chưa có dịp. Anh kể cho tôi nghe về gia đình anh, về chị Lital, người vợ xinh đẹp, đang mang thai đứa con đầu lòng của họ. Anh hứa cuối tuần sẽ tới trường đón tôi về nhà chơi. Lần đầu bay chuyến dài gần chín tiếng đồng hồ, lại gặp thời tiết xấu, nên có lúc tôi say lả. Amit ân cần chăm tôi như chăm em bé. Anh là Thiên sứ, Chúa Trời gửi xuống bảo vệ, che chở tôi suốt cuộc hành trình ấy, và cả sau này, dù anh ở đâu.
Học viện Quốc tế nằm trên một quả đồi, nhìn xa xa thấy những tòa nhà như những đợt sóng trắng cuộn lên phía trung tâm thành phố. Tuần đầu tiên, tôi đã chén hết một phần ba đồ ăn mang theo. Ruột gan cồn cào vì không quen thức ăn căng-tin, ba bữa một ngày, theo kiểu tự chọn, miễn phí cho các học viên của khóa học. Món chính thường là thịt bò hoặc thịt cừu hầm rất ngấy; đôi khi có gà tây rán khô lăn lóc; một món súp gì đó mùi vị hăng hăng, ăn với bánh mì, salad thập cẩm trộn sữa chua... Cũng có cơm, nhưng hạt gạo cứng, nấu nửa sống nửa chín, tôi không sao nuốt nổi. Cuối tuần của người Do Thái bắt đầu vào thứ sáu, ngày Shabbat, được tính từ lúc mặt trời lặn đến lúc tắt nắng hôm sau. Chiều thứ năm, đi học về, tôi nhận được tin Amit. Anh gọi điện tới ký túc xá, nhắn sáng mai sẽ đón tôi. Tôi mừng rối rít như sắp được về nhà. Đêm khó ngủ, tôi dậy pha một tách trà đường thật nóng, ngồi bên cửa sổ, dõi về thành phố. Nửa đêm mà những ánh đèn nơi ấy vẫn nhấp nhánh như ngàn vạn ngôi sao vừa sa xuống từ bầu trời Trung Đông bí ẩn. Không biết Amit và gia đình anh ở đâu giữa những ánh đèn kia? Tel-Aviv, thành phố lớn thứ hai của Israel, nằm dọc bờ Địa Trung Hải, có lịch sử 4.000 năm, xưa vốn là một hải cảng. Nó được mệnh danh “Thành phố Trắng”-di sản văn hóa thế giới bởi 4.000 tòa nhà mầu trắng theo lối kiến trúc Bauhaus, trường phái kiến trúc hiện đại do các kiến trúc sư người Do Thái di cư từ Đức thiết kế, bắt đầu xây dựng năm 1930. Tel-Aviv còn được gọi là “thành phố không ngủ” với những quán bar, quán cà-phê, nhà hàng, bãi biển, những trung tâm vui chơi, mua sắm náo nhiệt thâu đêm... Nhưng cho đến phút ấy, tôi vẫn chưa thực sự “chạm vào” Tel-Aviv. Tôi ấp tay lên tách trà ấm sực. Nó ủ tay tôi hay tôi đang đốt nóng nó bằng trái tim trẻ trung, háo hức của mình. Tel-Aviv ngoài kia, lấp lánh, lấp lánh...
Amit lái xe lên trường đón tôi rất sớm. Xe chạy xuống dọc con đường ven biển. Anh hé cửa kính ra cho gió luồn vào, mang theo mùi cát, mùi muối, mùi đất, mùi trời. Tôi hít đầy ngực gió. Trời Địa Trung Hải xanh kỳ lạ, nắng vàng rười rượi, không khí khô, lạnh se sắt. Amit hỏi: “Em không lạnh chứ, cậu bé áo xanh?”. Anh gọi đùa, như lần đầu ở sân bay anh nhầm tôi là cậu bé. Tôi quả quyết: “Không ạ!”. Đưa hẳn tay ra ngoài, chạm vào gió, tôi khẽ reo lên: “Thế là cuối cùng em đã ở Tel-Aviv rồi! Cảm ơn anh!”. Amit bảo: “Anh đưa em đi ngó nghiêng một vòng thành phố nhé!”. Vẻ tin cậy, ấm áp từ anh bao bọc lấy tôi một cách tự nhiên. Tôi kể cho anh nghe về công việc, về bố mẹ và em gái, về cả mối tình đeo đẳng tôi ngày ấy. Anh trầm ngâm lắng nghe. Có lúc, anh buông tay phải khỏi vô-lăng, vỗ khẽ lên tay tôi, thay lời chia sẻ. Gần trưa, Amit đưa tôi về khu trung tâm, chậm chậm qua những phố hẹp, hai bên là cửa hiệu, quán cà-phê, quán ăn... Xe dừng lại giữa một khoảng sân yên tĩnh, có mấy tòa nhà cao tầng. Nhà anh ở tầng năm ngay trước mặt. Amit chỉ cho tôi ô cửa sổ he hé, bậu cửa đặt mấy chậu xương rồng đang ra hoa li ti: “Phòng em đấy!”. Nói rồi, anh đưa hai ngón tay lên miệng, hướng về phía ô cửa, huýt sáo lanh lảnh. Có mái tóc nâu sáng bồng bềnh ôm lấy một gương mặt phụ nữ xinh đẹp tươi cười ló ra. Lital! Chị đưa tay vẫy vẫy.
Thang máy vừa mở, đã thấy Lital đón ở hành lang. Chị cao, thanh mảnh, bụng bầu sáu tháng, nhưng trông thật nhẹ nhõm trong chiếc váy len mầu khói bó sát, phần dưới hơi xòe bung biêng duyên dáng. Chị ôm tôi, như ôm đứa em gái nhỏ. Tôi cảm thấy hơi ấm mềm mại đang chuyển động từ chị lan sang tôi, rất đỗi dịu dàng. Chị ân cần: “Em đây rồi, cậu bé áo xanh! Amit kể chuyện gặp em, làm chị cứ buồn cười mãi vì sự nhầm lẫn của anh ấy. Rất vui vì em đã đến!”. - “Vâng, em đây, chị! Em thấy mình quá may mắn! Cảm ơn anh chị đã đón em!”. Căn hộ hai phòng ngủ của anh chị được trang trí bằng rất nhiều vật kỷ niệm Amit mang về từ những chuyến đi. Lital đưa tôi qua xem căn phòng dành cho tôi, rèm cửa, đồ đạc mầu xanh, nơi mấy tháng nữa sẽ là phòng của Adi, bé trai sắp ra đời. Chị làm việc ở Bảo tàng Jaffa. Chị bảo: “Ta ăn trưa ở nhà, nghỉ ngơi, rồi anh chị đưa em đi thăm bảo tàng, và ăn tối ngoài bờ biển nhé!”. Ba chúng tôi trò chuyện vui vẻ suốt bữa trưa. Lital làm món Schwarma, thịt bò cả tảng xiên que nướng, thái mỏng ăn cùng với bánh mì tươi Pita; salad dưa chuột, cà chua xắt nhỏ trộn với muối, nước cốt chanh và dầu olive, vị thanh nhẹ, ăn kèm Falafel. Falafel là món khai vị làm từ đậu gà, ngâm mềm, nghiền nhuyễn, trộn với rau mùi, thì là, tỏi, hành, bột ớt cayenne, viên tròn, rắc vừng trắng, rán vàng ruộm. Thêm một chút bột nở, viên đậu chín sẽ giòn ngoài, mịn xốp bên trong. Món Falafel nên ăn nóng, vị đậu ngọt như thịt, quện mùi thơm gia vị, chấm với nước sốt sữa chua, rất ngon.
Hơn hai mươi lăm năm, tôi chưa có dịp trở lại Israel. Hồi đó, tôi nghe nói, dù theo tôn giáo nào, nhưng nếu một lần đứng trước Bức tường Than khóc (Wailing Wall) của người Do Thái, viết điều mình ước lên mẩu giấy nhỏ, gài vào giữa những phiến đá, nó sẽ thành hiện thực. Tôi đã viết: “Return” (“Trở lại”). Trong mười năm, anh chị Amit - Lital sang Hà Nội thăm tôi ba lần. Lần đầu tiên khi Adi tròn 2 tuổi. Lần thứ hai, anh chị đi theo một đoàn du lịch, ghé qua vài ngày. Lần thứ ba, khi Adi 9 tuổi, chúng tôi cùng nhau du xuân, vào Huế, Hội An. Tôi thấy anh chị thật hạnh phúc, lạc quan, tràn đầy năng lượng sống. Nhưng đó cũng là lúc Amit cho tôi biết anh mắc bệnh ung thư phổi. Tôi như đứa trẻ bước hụt, chới với, khóc òa lên. Amit nắm chặt tay tôi, an ủi: “Đừng khóc, cậu bé áo xanh! Mỗi sớm, nhìn vào gương, em hãy nói với mình: Tôi yêu tôi, tôi yêu đời, và tôi hạnh phúc. Em nhớ nhé!”. Tám tháng sau, Amit ra đi, mãi mãi.
Mỗi ngày, dường như ta đều phải tiễn biệt một cái gì đó, hay thậm chí một ai đó; một chiếc lá, một ánh mặt trời, một người bạn tốt, một người tình..., và có thể là một đoạn đời. Ta phải chia tay với chính mình của hôm qua... Liệu ta có gặp lại những người ta yêu thương trong một chiều kích khác, một thế giới khác hay không? Mỗi sớm soi gương, dù buồn hay vui, hy vọng hay thất vọng, tôi đều nhớ đến lời Amit dặn. Những lần nhìn lên trời đêm đầy sao, tôi vẫn tin ở đâu đó lấp lánh trên kia, anh đang mỉm cười.