Thế giới mới, World Cup mới!

|

Thế giới bắt đầu bước vào năm 2022 với những sự thay đổi ngỡ ngàng. Một không gian khác biệt, ở đó mọi thứ phải tự điều chỉnh với bầu không khí nhuốm màu virus. Thế giới không thể vì bất cứ điều gì mà ngừng lại. Tất cả phải chiến đấu và để thích nghi. Bóng đá cũng vậy. World Cup 2022 kỳ lạ sẽ diễn ra vào thời điểm cũng rất kỳ lạ. Nó khẳng định rằng, Thế giới mới, thì World Cup cũng vậy.

1. Đúng 11 năm trước, Qatar nhận quyền đăng cai World Cup 2022. Quá nhiều thay đổi đã diễn ra trong thời gian đó. Bóng đá khác biệt và cách tổ chức cũng khác biệt. Hàng loạt những giải pháp được đưa ra như để chữa cháy cho quyết định đưa lễ hội bóng đá toàn cầu đến Qatar, bởi cái nóng trên 40 độ không thể phù hợp với các trận đấu đỉnh cao giữa mùa hè. Phương án “hô mưa gọi gió” cực kỳ tốn kém như tạo bom khí lạnh, bom mưa được đưa ra chẳng thể khả thi để phục vụ cho chặng đường đua sẽ kéo   tới cả tháng. Và thế là, lần đầu tiên trong lịch sử World Cup được tổ chức vào cuối năm, mùa đông, với điều kiện giải phải kết thúc trước Giáng sinh.

Vậy là World Cup 2022 lại phải thay đổi, nó chỉ diễn ra trong vòng 28 ngày thay vì 34 hoặc 31 ngày như thường thấy. Không chỉ có thế, hàng loạt những chuyện chưa từng thấy sẽ xảy ra. Và có lẽ ngay từ bây giờ chúng ta phải quen với những điều khác thường.

Qatar là đất nước nằm trong bán đảo Ả Rập, nhìn ra vịnh Ba Tư, với dân số chưa đầy 3 triệu người và 90% tập trung sinh sống ở thủ đô Doha. Vậy nên, World Cup 2022 sẽ là Qatar 2022 hay chỉ là Doha 2022? Nghe qua có vẻ ngây ngô, nhưng thực tế thì bản chất của kỳ World Cup này chỉ xoay quanh thủ đô Doha. Ban đầu, việc tổ chức các trận đấu sẽ tiến hành trên 10 đến 12 sân vận động, nhưng do chi phí quá lớn và gấp rút nên Qatar chỉ có 8 sân. Nó dẫn đến việc FIFA đã phải tính đến việc một số nước láng giềng có thể sẽ tổ chức một vài trận đấu theo dạng... hỗ trợ. Nhưng cuối cùng biện pháp này không thể thực hiện. Trên lý thuyết có 5 thành phố đăng cai, nhưng thực tế thì phạm vi của giải đấu lại... cực hẹp.

Nếu tại World Cup 2018 cách đây gần 4 năm, các trận đấu tổ chức trải dài ở 3 múi giờ, các đội tuyển phải di chuyển cả chục nghìn cây số để đá vòng bảng. Nhưng ở giải năm nay, thậm chí máy bay không phải là phương tiện di chuyển nữa. Sân vận động xa trung tâm thủ đô Doha nhất chưa tới 50 km. Hai sân vận động nằm xa nhau nhất cũng chưa tới 70 km. Các đội tuyển di chuyển sẽ không quá 1 giờ đồng hồ. Có lẽ chưa có kỳ World Cup giai đoạn hiện đại nào lại diễn ra trong không gian nhỏ hẹp đến vậy. Nhưng nó lại là ưu điểm với tính tập trung, rút ngắn thời gian di chuyển, và đương nhiên không tốn nhiều chi phí đi lại. Và điều chưa từng có xảy ra, các CĐV có thể dự khán nhiều trận đấu trong cùng 1 ngày.

2. Tuy nhiên, câu chuyện về không gian không hẳn là tích cực như vậy. Việc giảm thời gian xuống còn 28 ngày, cộng thêm chỉ có 8 sân vận động được sử dụng khiến mật độ các trận đấu tăng lên đáng kể. Ngoài việc các sân phải chịu nhiều áp lực tổ chức trận đấu, chất lượng mặt cỏ liệu có được bảo đảm với tần suất thi đấu cao hay không, mà còn là vấn đề cường độ thi đấu của các đội tuyển. Chỉ trong 12 ngày, vòng bảng phải kết thúc. Có nghĩa là mỗi ngày sẽ có 4 trận diễn ra. Cầu thủ sẽ mệt. Cổ động viên xem cũng mệt. Và đó là một tốc độ thi đấu chưa từng có ở các kỳ World Cup.

Một vấn đề nữa phát sinh. Các trận đấu diễn ra liên tục trong ngày dẫn đến việc giải tỏa đám đông phải được bảo đảm, từ đó dẫn đến bài toán giao thông. Bởi nếu chỉ tắc đường hoặc có sự cố nào đó kéo dài hơn 30 phút thôi, có khả năng trận đấu tiếp theo sẽ phải hủy. Vì vậy, Doha đã phải làm lại gần như toàn bộ hệ thống giao thông tích hợp trên diện rộng, với 3 tuyến mở từ trung tâm Doha ra 3 hướng bắc, tây và nam. Đặc biệt, tất cả đều phải hướng tới việc giải phóng giao thông từ các sân vận động, kéo dài tới các phương tiện hệ thống giao thông công cộng.

Sau khi “giải thoát” được các sân vận động rồi thì chuyện bảo trì mặt cỏ sẽ là mối lo tiếp theo. Tính ra, mỗi sân sẽ được sử dụng 2 ngày một lần, mật độ thi đấu chưa thấy ở bất kỳ giải đấu lớn nào ở tầm thế giới. Để giải quyết, Ban tổ chức tiếp tục phải chi tiền. FIFA đã tìm đến chuyên gia bảo dưỡng cỏ, Alan Ferguson, người từng làm việc cho CLB Ipswich Town ở Anh, và cũng là người chịu trách nhiệm giám sát, chăm sóc mặt cỏ cho World Cup 2018 tại Nga. Với sự tư vấn của Ferguson, FIFA đã phải áp dụng một loại cỏ đặc chủng, kết hợp cỏ tự nhiên và nhân tạo. Các sợi cỏ tự nhiên sẽ được gia cố thêm bằng sợi tổng hợp Polypropylene, gắn trực tiếp vào lớp cát dưới mặt sân. Đây là công nghệ không mới, nhưng nó ít được sử dụng, và tác động của mặt cỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các trận đấu, độ nảy của bóng, khả năng thích ứng của cầu thủ.

Và một thay đổi nữa, các đội tuyển sẽ không nhất thiết phải có buổi tập làm quen sân, điều bắt buộc ở mỗi trận đấu đỉnh cao. Các đội sẽ đá vòng bảng ở cùng 1 sân sẽ có lợi, ngược lại đội tuyển thi đấu 3 trận ở 3 sân khác nhau sẽ gặp phải những khó khăn.

3. Và cuối cùng, một điều kỳ lạ nữa sẽ xảy ra mà bạn sẽ chưa bao giờ thấy ở bất kỳ giải World Cup hay EURO nào. Không gian diễn ra giải chật hẹp, khoảng cách các sân vận động khá gần, dẫn đến mật độ giao thông, cổ động viên sẽ tắc nghẽn. Và dự kiến, nếu có khoảng 2 triệu người hâm mộ khắp thế giới đến đây, không hiểu Doha sẽ ra sao, bởi cả nước Qatar cũng chưa đến 3 triệu dân và riêng Doha đã tập trung cỡ hơn 2 triệu người. Cả năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Qatar đón 2,1 triệu khách du lịch theo thống kê của hiệp hội du lịch Qatar. Sẽ ra sao đây? Một biển người chen chúc? Các dịch vụ sẽ đắt hơn nữa ở đất nước đã quá đắt đỏ.

Các khách sạn liệu có đủ? Chắc chắn là không. Và giải pháp là Qatar đã thuê 2 tàu du lịch cộng thêm các tàu du lịch khác cũng đang được hoàn thành, chúng sẽ cung cấp hơn 4.000 cabin và neo ở cảng Doha. Các tòa nhà cũng được gấp rút xây bên ngoài sa mạc Sahara, thí dụ khu phức hợp Madinatna có sức chứa 27.000 người, và đương nhiên, chúng ta sẽ ở... sa mạc xem đá bóng.

Đúng là Thế giới thay đổi. Và World Cup cũng thay đổi như vậy!

Pháp trước sứ mệnh bảo vệ chức vô địch World Cup.
Messi hướng đến chức vô địch World Cup đầu tiên cùng Argentina.