Càng khó khăn càng gắn bó với nghề

|

“Nhiều người bảo tôi may mắn, cũng có phần đúng. Nhưng không mấy ai biết, tôi đã phải trải qua những gì để có được kết quả hôm nay. Như lời ca khúc nổi tiếng của ban nhạc Bức tường, chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Hạnh phúc vỡ òa trong tôi khi được vinh danh, nhưng điều quan trọng hơn cả chính là niềm tin vững chắc rằng ballet Việt sẽ dần khởi sắc”.

Xin được chúc mừng Thu Huệ, vũ công ballet đầu tiên lọt vào danh sách “30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2020” do tạp chí Forbes Vietnam bầu chọn.

Được hóa thân cùng lúc hai vai thiên nga trắng và đen trong tác phẩm kinh điển Hồ Thiên nga, nói bạn may mắn xem ra cũng có cơ sở?

Nhìn vào chặng đường nghệ thuật 15 năm mà tôi đã đi qua, ai cũng nghĩ nó được trải thảm bằng hoa hồng. Làm quen với múa khi đã ở độ tuổi khá muộn, tôi đầu quân về Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) sau sáu năm khổ luyện học hành và ngay lập tức được giao vai chính trong hàng loạt vở ballet (từ Chopiana đến Kẹp hạt dẻ, từ Gisele tới Hồ Thiên nga). Cũng có người nói, tôi là trường hợp vũ công solist trong nước hiếm hoi không xuất thân con nhà nòi, không được đào tạo tại những quốc gia mà nghệ thuật ballet phát triển đến đỉnh cao. Nhưng bù lại, tôi có sự kiên trì, có quyết tâm sắt đá thậm chí tới mức lì lợm để bằng mọi giá bám trụ với nghề, để không cho phép mình nghĩ tới chuyện bỏ cuộc.

“Kiên trì”, “quyết tâm sắt đá” hay “lì lợm” đều là những tính từ nghe có vẻ xa lạ, với một cô bé ở tuổi 12 vừa làm quen với những động tác múa đầu tiên?

Một cô bé quyết định rời xa vòng tay bố mẹ, khóc rưng rức vì nhớ nhà trong suốt ba tháng đầu tiên từ tỉnh lẻ về Thủ đô học lớp tạo nguồn. Một cô bé không nhận được sự ủng hộ của gia đình, vì thương con, vì định kiến xã hội vẫn còn nặng nề ở một vùng quê Thanh Hóa rằng cho con học múa dễ hư người. Một cô bé chọn múa khi chưa hề biết tới có một loại hình nghệ thuật hàn lâm được gọi là ballet. Và một cô bé có cấu tạo bàn chân Trời sinh không thích hợp để đi giày mũi cứng. Tôi đã bắt đầu hành trình đến với sàn diễn ballet từ xuất phát điểm không hề thuận lợi. Nhưng cái tôi cùng sĩ diện quá lớn của một đứa trẻ khi quả quyết đưa ra chọn lựa khó khăn đã khiến tôi trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh đến không ngờ. Âm thầm vượt qua những năm tháng khó khăn đầu tiên mà không hé răng một lời than thở với gia đình, tôi còn quyết tâm phải học giỏi, giành học bổng, rồi tìm cơ hội đi diễn từ khi mới 16 tuổi để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất, không được phép chất thêm lên đôi vai ba mẹ gánh nặng nào. May mắn duy nhất, nếu có, nằm ở chỗ tôi đã tìm thấy tình yêu đích thực với ballet sau những tháng ngày đổ mồ hôi và cả máu trên sàn tập. Tôi nâng niu cảm giác kiêu hãnh, thanh cao khi được đắm chìm trong một bộ môn nghệ thuật quý tộc. Tôi thấy mình nhẹ nhõm và thanh thoát, tôi nghĩ mình tuyệt đẹp khi bay bổng trên sàn diễn cùng nhân vật đang hóa thân. Thậm chí, tôi còn đùa với ba mẹ, rằng có lẽ nào kiếp trước sinh ra ở châu Âu nên kiếp này mới thấy thân thuộc với loại hình này đến thế?

Tôi hơi tò mò về đôi bàn chân không thích hợp với giày mũi cứng của Huệ. Bạn đã khắc phục yếu điểm ấy ra sao, để có thể biểu diễn trọn vẹn bốn màn Hồ Thiên nga với chất lượng nghệ thuật đỉnh cao như thế?

Ngày thi sơ tuyển, thầy cô đã cảnh báo tôi về đôi bàn chân với cấu tạo ngón hơi dài, phần da gót chân khá mỏng. Nếu đi giày mũi cứng, ngón chân bị gập lại dễ gây thương tích như trầy xước, chảy máu, thâm tím và tệ nhất là bong cả móng chân. Vì thế, tôi phải bỏ khá nhiều tiền, vứt bỏ khá nhiều giày mới có thể tìm ra một thông số phù hợp cho đôi chân nhiều điểm yếu của riêng mình. Dù vậy, nếu bè bạn chỉ xỏ chân vào giày là xong thì tôi phải mất rất nhiều thời gian băng bó đôi chân, trước mỗi buổi tập hay đêm diễn. Hình ảnh quen thuộc luôn gắn chặt bao năm qua là đống rác băng urgo mà tôi xả ra, trước khi nhồi chân vào giày (cười). Quấn bao nhiêu lớp mà móng chân lúc nào cũng thâm đen, lúc nào cũng dọa thay móng. Nỗi đau luôn thường trực, đau mãi đâm rồi cũng thành quen. May mà nửa năm trời tập luyện Hồ Thiên nga, tôi không dính chấn thương nào quá nặng. Đầu ngón chân là nơi tập trung nhiều dây thần kinh nên rất nhạy cảm, đau đớn mà múa thì khổ lắm.

So với đồng nghiệp nước ngoài, vũ công ballet Việt khá thiệt thòi. Nếu họ được tạo điều kiện tối đa để chỉ toàn tâm toàn ý cho sàn diễn thì chúng tôi vẫn phải bươn chải với gánh nặng mưu sinh sau những giờ tập luyện vất vả, vẫn phải đi diễn hoặc đi dạy để có thêm thu nhập. Sau tám năm trời gắn bó với Nhà hát, lương của tôi chỉ khiêm tốn 3,5 triệu đồng/tháng, bằng đúng giá tiền một đôi giày mũi cứng. Thù lao tập vở là 160 nghìn đồng/ngày và một đêm diễn Hồ Thiên nga, với bốn màn múa liên tục trong cả hai vai thiên nga trắng và đen cũng chỉ mang lại cho tôi 400 nghìn đồng, đúng theo quy định. Thế nhưng, càng đối mặt với những khắc nghiệt của nghề, tôi càng thấy mình gắn bó với nó. Bước thêm được một bước trên lộ trình nghề nghiệp là vô cùng hân hoan, là ngập tràn hạnh phúc. Múa giúp tôi nuôi dưỡng cảm xúc. Nó tạo động lực giúp tôi không ngừng khám phá bản thân.

Theo đuổi nghệ thuật, đặc biệt là loại hình đòi hỏi khổ luyện như ballet là hành trình nhọc nhằn. Đó còn chưa kể tới những áp lực như tuổi nghề ngắn, quá trình đào thải khắc nghiệt, lại kén khán giả. Vì thế, sự ghi nhận lần đầu của Forbes Vietnam với nghệ sĩ ballet có thể coi là một tín hiệu tích cực cho tương lai của ballet Việt. Bạn nghĩ về điều này như thế nào?

Được ghi nhận sau những nỗ lực hết mình là niềm vui của bất cứ nghệ sĩ nào. Nhưng hạnh phúc nhất là thành công ban đầu của Hồ Thiên nga đã đưa ballet tới gần hơn với người yêu nghệ thuật. Hồ Thiên nga, sau bảy đêm cháy vé ở Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ở Ecopark, đã lên kế hoạch lưu diễn tại các tỉnh thành lớn của Việt Nam. Gisele, Kẹp hạt dẻ... cũng sẽ luân phiên đến với khán giả. Rồi công chúng sẽ biết Việt Nam có ballet, nghệ sĩ Việt diễn được ballet đỉnh cao.

Hơn thế nữa, năng lượng và tình yêu với múa của tôi có thể truyền cho lớp đàn em, để các bạn vững tâm theo nghề và xác tín niềm tin, rằng dám đi thì sẽ đến. Sau Hồ Thiên nga, nhà hát sẽ còn tiếp tục dàn dựng những tác phẩm kinh điển khác. Sau Thu Huệ - Đàm Hàn Giang, nhà hát phải có được những thế hệ vũ công kế cận tài năng. Việc lọt vào danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật của năm khi vừa tròn 27 tuổi đã giúp tôi hướng về tương lai của ballet Việt bằng một góc nhìn đầy lạc quan và tích cực.

Cảm ơn Thu Huệ và chờ đợi thành công của bạn trong những vở diễn kế tiếp!

Thu Huệ, vai Thiên nga trắng trong vở ballet Hồ Thiên nga.