1 Tỷ phú người Nga Roman Abramovich khẳng định, ông bán Chelsea vì đặng chẳng đừng. Và thực tế, ông xóa sạch mọi nợ nần của CLB, không lấy bất cứ xu nào, mà dành hết cho Quỹ từ thiện của đội mà ông mới lập ra để quản lý tiền. Với một tỷ phú, con số vài tỷ euro có thể không quá lớn, thậm chí tạo ra hiệu ứng tích cực cho một người đã gắn bó, hết mình với bóng đá. Nhưng người mua, người sẽ tiếp quản và điều hành Chelsea thì khác. Họ cần nhìn thấy lợi ích ở đây và điều đó tạo ra sự lựa chọn không hề dễ dàng.
Chính Abramovich nhiều năm qua cũng đã trở nên tách biệt với Chelsea. Lệnh cấm nhập cảnh vào Anh với tỷ phú này khiến ông không thể xuất hiện trên sân Stamford Bridge như một thói quen từ xưa. Những gì ông làm là giao quyền điều hành cho trợ tá, bà Marina Granovskaia. Ông chỉ xuất hiện ở những trận đấu quan trọng, nhưng trận chung kết ở ngoài nước Anh. Và gần nhất chính là trận chung kết FIFA Clubs World Cup, danh hiệu duy nhất mà Chelsea còn thiếu trong bộ sưu tập dưới triều đại rực rỡ của Roman. Sự vắng mặt này dần trở thành thói quen, nhưng thói quen ấy nếu kéo dài quá lâu sẽ tạo nên sự tách biệt. Roman hiểu rõ điều này, bởi cách đây nửa năm, ông đã rút hồ sơ xin nhập cảnh vào Anh và chính Chelsea cũng hiểu, nó là bước đi tất yếu cho một triều đại mà mọi thứ chỉ tồn tại trên những đường dây online.
Và cuối cùng, Abramovich cũng phải rút lui khỏi nơi giúp ông trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Hơn 2 tỷ euro đã được ông đổ vào CLB chỉ tính phần xây dựng đội bóng, học viện đào tạo trẻ và đa số là chi phí chuyển nhượng, giúp đội bóng lớn mạnh một cách phi mã. Hành trình của Abramovich bắt đầu cho cảm hứng xây dựng một đội bóng thành công bằng tiền bạc, tràn lan khắp nước Anh và cả ở Tây Ban Nha... Nó biến Chelsea trở thành một trong những CLB đắt giá nhất thế giới và chính điều đó cũng tạo ra những thách thức cho ai đó muốn mua lại đội bóng này.
2 Rất nhiều hãng tài chính, những chuyên gia phân tích kinh tế đã vào cuộc phân tích thương vụ Chelsea. Việc mua lại đội bóng có lẽ dễ dàng về thủ tục, nhưng thách thức về tài chính lại cực lớn. Giá trị của Chelsea được định khoảng 2,5 tỷ euro. Không quá cao, nhưng làm gì với đội bóng đắt giá này đây? Chi phí đầu tư mỗi năm, chuyển nhượng, điều hành, quản lý, đền bù hợp đồng... đó là câu chuyện dài chứ không phải một cái click trên sàn chứng khoán. Và ở đó, danh hiệu là thứ quyết định tất cả. Ở đỉnh cao, đang là nhà vô địch châu Âu, vô địch thế giới, Chelsea có đi xuống như cách Barca, Real Madrid, Arsenal... suy sụp và suýt phá sản?
Và điều quan trọng nhất trong thương vụ này oái oăm thay lại nằm ở... sân vận động Stamford Bridge. Đây là sân vận động duy nhất trong lịch sử tồn tại của Chelsea và nó được khánh thành vào 28/4 năm... 1877, tức là đã cách đây vừa tròn... 145 năm, trước ngày Chelsea ra đời tới... 28 năm. Và lần cải tạo Stamford Bridge gần nhất đã từ năm 1990. Điều đáng nói là từ đó đến nay, sân vận động này chỉ có sức chứa hơn 40.000 người, gây khó khăn về doanh thu.
Điều này Abramovich thấy rõ và ông từng thực hiện kế hoạch xây sân vận động mới cho Chelsea. Đầu năm 2017, một dự án đã được triển khai, được ký bởi công ty kiến trúc lớn Herzog & de Meuron. Một sân vận động với sức chứa 65.000 người sẽ được xây dựng, hiện đại hơn, hoàn toàn phù hợp với cảnh quan khu phố Hammersmith và Fulham quanh đó. Nhưng chỉ 1 năm rưỡi sau, dự án bị gác lại với lý do: môi trường đầu tư không thuận lợi, bất chấp giấy phép xây dựng và quy hoạch tổng thể đã được cấp. Cách đây 10 tháng, giấy phép này đã hết hạn do ảnh hưởng của Covid-19. Mọi thứ bị xóa sổ hoàn toàn.
Trong khi các CLB Tottenham, West Ham, Man City, Arsenal… đều đã có sân mới, khang trang, rộng lớn, hiện đại thì Chelsea vẫn phải sống trong ngôi nhà xây từ 145 năm trước và “mới” cải tạo cách đây 32 năm. Bên cạnh đó, khó khăn nằm ở chỗ, bất kỳ thương vụ đầu tư nào vào Chelsea, theo thỏa thuận giữa Abramovich và Chelsea Pitch Owners (công ty sở hữu sân vận động và quyền đặt tên), các cổ đông mới đều phải xóa pháp danh Chelsea FC khỏi tên công ty. Hơn nữa, chi phí để tái khởi động lại dự án năm 2017 là cực cao, dự kiến khoảng 1,4 tỷ euro và giờ nó sẽ tăng lên khoảng 2,2 tỷ euro bao gồm chi phí phá dỡ, xây dựng lại sân vận động. Ai sẽ đầu tư ngần ấy tiền? Liệu có tỷ phú nào yêu Chelsea, tham vọng với bóng đá hơn Abramovich?
3 Từ bỏ đi tình yêu của đời mình luôn là điều khó khăn nhất với bất cứ ai, kể cả đó là một tỷ phú. Nhưng khi thứ tình yêu đã được đặt lên sàn đấu kinh tế, mọi thứ cảm tính sẽ phải dừng lại. Bài toán kinh tế là thứ duy nhất tồn tại trong cuộc chơi này. Bởi sẽ chẳng ai mua tình yêu của Abramovich để hằng ngày đến ngắm nó. Và khi ấy, đương nhiên tương lai của Chelsea sẽ đơn thuần là một cuộc chơi lợi nhuận. Chelsea sẽ không tồn tại dưới dạng tình yêu được vun đắp, bền vững, dựa trên rất nhiều tiền và không toan tính.
Thậm chí, Chelsea trong tương lai sẽ đối diện với những rắc rối, những tranh chấp, thậm chí những khó khăn mà Man Utd, Arsenal, Tottenham, Barca... đang đối diện. Tức là hoặc làm ăn có lãi, hoặc sẽ chìm vào khủng hoảng. Thành công và thất bại sẽ song hành, bấp bênh và mập mờ giống như mầu xanh, mầu đỏ, mầu tím trên sàn chứng khoán vậy...