Mùa giải mới khó lường

|

Guồng quay V.League đã trở lại với nhiều thay đổi đáng kể. Đây là lần đầu tiên các Giải Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam áp dụng khung thời gian thi đấu theo hệ thống từ AFC đối với cấp CLB. Điều này tạo sự mới mẻ cho giải đấu nhưng cũng còn đó nhiều nỗi lo.

Mùa giải 2023/2024 khởi tranh từ ngày 20/10/2023, trong đó V.League 1 kết thúc ngày 30/6/2024, còn V.League 2 là ngày 29/6/2024. Cúp Quốc gia diễn ra từ 24/11/2023 đến 7/7/2024. Các giải đấu sẽ áp dụng thể thức vòng tròn 2 lượt, thay vì chia nhóm tranh ngôi vô địch và đua trụ hạng như mùa trước.

Việc thay đổi khung thời gian thi đấu đồng bộ với các quốc gia châu Á và châu Âu góp phần chấm dứt những quãng nghỉ kéo dài hàng tháng từng khiến nhiều HLV tại V.League phải than phiền khi lịch thi đấu gây khó khăn trong việc duy trì phong độ cầu thủ. Ngoài ra, việc này giúp bóng đá Việt Nam thích nghi với các đợt tập trung FIFA Days dễ dàng hơn. Chưa hết, với lịch thi đấu theo chuẩn chung này, thời gian chuyển nhượng của V.League sẽ đồng hành với nhiều giải đấu trên thế giới. “Việc điều chỉnh, đồng bộ thị trường chuyển nhượng cầu thủ giữa châu Á và châu Âu giúp các CLB thành viên của AFC có thêm cơ hội tuyển dụng những cầu thủ và HLV chất lượng đồng thời mở đường cho cầu thủ châu Á ra thế giới”, ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng Giám đốc VPF cho biết.

Bên cạnh đó là nhiều thay đổi để giải đấu hấp dẫn hơn như giải thưởng của V.League 1 tăng so với mùa giải trước lên tới 9,5 tỷ đồng. Các CLB được đăng ký tối đa 3 cầu thủ nước ngoài và 1 cầu thủ nhập tịch, đồng thời vẫn được đăng ký 1 cầu thủ Việt kiều. Riêng CLB tham dự các giải đấu của AFC được đăng ký 4 cầu thủ nước ngoài. Ngoài ra, các phương án về sử dụng cầu thủ từ 16-20 tuổi cũng được đưa ra để tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn. Công nghệ VAR sẽ tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào áp dụng cho các trận đấu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác trọng tài, đem tới sự chính xác hơn cho các trận đấu.

Dự báo của giới chuyên môn về cuộc đua đến ngôi vô địch là vô cùng hấp dẫn với sự tranh đua của 14 đội bóng và 1,5 suất xuống hạng. Mùa giải trước chứng kiến chức vô địch lịch sử của CLB Công an Hà Nội khi lên ngôi trong ngay mùa đầu thăng hạng. Tuy nhiên, ngay sau đó rất nhiều tiền đã được rót vào thị trường chuyển nhượng, báo hiệu một mùa giải mới đầy gay cấn. Công an Hà Nội, Viettel hay CLB Hà Nội vẫn là các ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch. Song, TX Nam Định và B.Bình Dương đã có những đầu tư lực lượng mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu cao ở mùa giải mới. Trái lại những chuyển nhượng “bom tấn”, sự âm thầm của Hải Phòng, Bình Định, Hà Tĩnh, SLNA, HAGL, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Quảng Nam cho thấy họ cũng không có nhiều tham vọng ở mùa giải mới.

Ảnh: Khả Hòa

Mùa đầu tiên V.League chuyển dịch lịch trình thi đấu, với các quãng nghỉ khoa học hơn, 26 vòng đấu sẽ tạo ra cuộc đua đường trường đúng nghĩa. Tuy nhiên, không phải đội bóng nào cũng có thể thích ứng ngay được với sự thay đổi này. Nhiều đội vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định, không chỉ thiếu kinh phí bổ sung lực lượng, nâng cấp sân bãi... có CLB còn gặp phải những vấn đề như nợ lương, thưởng, hội CĐV bị giải thể như Khánh Hòa.

Vấn đề cốt lõi vẫn là chuyện “đầu tiên-tiền đâu?”. Mùa giải nào cũng thấy cảnh nhiều CLB vật lộn bởi kinh tế. Khó ai có thể tin rằng, những SHB Đà Nẵng, B.Bình Dương, TP Hồ Chí Minh hay HAGL lại gặp nhiều khó khăn tại V.League trước như vậy. Có nhiều đội đã thay đổi chiến lược đầu tư, đào tạo lứa kế cận, ưu tiên sử dụng các cầu thủ trẻ để giảm bớt chi phí và để dần dần sẽ sống bằng cầu thủ do chính họ tạo ra.

Để có thể đi được lâu và xa hơn ở V.League cần phải có tiềm lực lớn và ổn định. Trung bình, mỗi CLB tại V.League cần tối thiểu 50 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động. Với các khoản thu khác chưa đến 10% (từ vé, tài trợ, thương mại) trong tổng chi phí hoạt động như hiện tại, các CLB sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi vô địch V.League được thưởng 5 tỷ đồng, giải nhì được 3 tỷ đồng và giải ba là 1,5 tỷ đồng. Khoản thu từ bản quyền truyền hình chưa rõ ràng và chưa nhận được sự hỗ trợ đúng mức từ Liên đoàn cũng như VPF. Và việc sống dựa vào “bầu sữa” của “ông bầu” khiến cho nhiều CLB thường bị đặt trong tình trạng bấp bênh. Bởi vậy, người ta vẫn nói V.League luôn khó lường, từ cuộc đua vô địch, suất trụ hạng cho đến việc một đội bóng nào đó có nguy cơ bỏ giải.