Chiếc rìu đá mở vạn năm văn minh người Việt

|

Kết thúc hành trình về mảnh đất cổ xưa ấy, tôi nhặt về mấy viên đá. Không biết có phải là thứ “công cụ” nào đó của loài Người đứng thẳng ngót triệu năm trước còn bỏ quên lại trước khi tuyệt chủng không?

Tôi lặng người ngắm những chiếc rìu tay bằng đá nằm im lìm trong khuôn kính nơi Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo ở thị xã An Khê cực đông tỉnh Gia Lai. Thứ công cụ “hiện đại” nhất của loài người nguyên thủy thời đầu kỷ nguyên đồ đá đây sao? Là những cục đá dài hơn gang tay người lớn, nửa phía trên được đẽo vạt thuôn nhọn, phần đốc cầm phía dưới khá tròn trịa. Rìu tay (handaxes) hàng triệu năm trước là công cụ đa chức năng, có thể dùng để săn bắt động vật, xẻ thịt, nạo da, đào đất tìm củ, tìm động vật hoặc nguồn nước, chặt cây, róc vỏ cây, ném con mồi,... Nom chúng hao hao như những cây rơm nhô lên cô đơn giữa tiểu thảo nguyên Rộc Tưng vắng bóng người mà tôi vừa lang thang suốt ngày qua giữa đời sống hiện hữu...

Phan Thanh Toàn kể tôi nghe về cái rìu tay đầu tiên anh bất ngờ tìm thấy ở An Khê. Mùa hè năm 2014, Toàn cùng Trần Đình Luân (phụ trách Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo) - đồng môn ngành Khảo cổ học thời ở Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh từ 20 năm trước, cùng thầy là PGS, TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đi lang thang dọc thềm sông Ba cổ từ mạn K’Bang xuống. Ở K’Bang, mấy thầy trò chỉ phát hiện được một số dấu tích thời hậu kỳ Đá cũ. Thế rồi, buổi trưa dừng chân ở Gò Đá, đôi bạn khảo cổ nhiệt huyết ấy đã bất ngờ làm “bật tung” lên cả một kho báu thời tiền sử. Là những công cụ đá của Người đứng thẳng (Homo erectus) - mà tại Việt Nam chưa một lần phát hiện! Còn cái rìu tay đầu tiên lại được phát hiện nơi một cái ao vừa tát cá! Vùng đất trắng trong bản đồ khảo cổ học tiền sử Tây Nguyên, nơi cư trú lâu đời của đồng bào Bahnar chợt “bừng sáng” như vậy đấy.

Vùng thung lũng sông Ba có tuổi đời 23 triệu năm, đoạn lưu vực từ huyện K’Bang đến thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) tạo thành một bồn địa khá rộng và bằng phẳng. Nơi đây rồi sẽ được ghi dấu như là một trong những cái nôi đầu tiên của loài người nói chung và người Việt cổ nói riêng. Khi liên tục từ năm 2014 đến 2019, các nhà khảo cổ trong và ngoài nước phát hiện tại đây có tới 23 di tích rải đều từ Gò Đá đến Rộc Tưng, Rộc Gáo, Rộc Lớn,... với khoảng 4.000 công cụ bằng đá được xác định ở thời đại sơ kỳ Đá cũ 800 nghìn năm về trước. Một phát hiện chấn động tầm quốc tế, thông qua những hội thảo khoa học trong và ngoài nước, với đông đảo giới khảo cổ thế giới. Đem đến một minh chứng rõ ràng thuyết phục hơn về trình độ văn minh của người Á Đông thời tiền sử.

Theo GS, TSKH, Viện sĩ Anatoly Derevianko - Đồng Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Liên bang Nga - Chủ nhiệm chương trình Hợp tác nghiên cứu Việt - Nga (2014-2019) tại An Khê: “Những phát hiện kỹ nghệ Đá cũ An Khê đã làm thay đổi nhận thức về lịch sử vùng đất và đời sống của tổ tiên chúng ta. Con người xuất hiện lúc nào, thì lịch sử được bắt đầu từ đó. Lâu nay, chúng ta lấy thời điểm xuất hiện Người đứng thẳng ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn) cách đây 0,5 triệu năm làm mốc mở đầu cho lịch sử Việt Nam. Với phát hiện di tích Đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về phía trước. Trên thế giới, chủ nhân các nền văn hóa trong khung niên đại từ 1,8 đến 0,2 triệu năm cách ngày nay là những Người đứng thẳng, tổ tiên trực tiếp của Người hiện đại (Homo sapiens). Và như vậy, vùng thượng lưu sông Ba (Gia Lai) được ghi dấu vào bản đồ thế giới, là một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người - Người đứng thẳng, chủ nhân của kỹ nghệ An Khê và là tổ tiên trực tiếp của người hiện đại”. Những mảnh thiên thạch (tektite) rơi xuống từ vũ trụ và nằm yên bên những chiếc rìu cổ xưa được đưa vào phòng thí nghiệm phân tích bằng kỹ thuật hiện đại đã chứng minh cho khung niên đại đến 0,8 triệu năm của các di vật An Khê vừa được tìm thấy.

Trong thế kỷ 20, tại Việt Nam một số rìu tay cũng đã được phát hiện tại núi Đọ (Thanh Hóa) và tại Nhân Gia, Dầu Giây (Xuân Lộc, Đồng Nai), nhưng niên đại chỉ tương đương 400 nghìn năm.

Vì sao rìu tay lại “hot” với giới khảo cổ trên thế giới? Bởi từ suốt 70 năm qua họ còn đang “cãi nhau”, xuất phát từ cái gọi là “đường kẻ Movius” (Movius Line). Năm 1949, nhà khảo cổ học người Mỹ Hallam L. Movius đã thẳng thừng vẽ một đường trên bản đồ Ấn Độ phân chia sự “văn minh” của hai khu vực, một bên là châu Phi và châu Âu, bên còn lại thuộc về châu Á, dựa vào những chiếc rìu tay bằng đá thời tiền sử. Theo Movius, “ở phương Tây phổ biến rìu tay kỹ nghệ Acheulean sơ kỳ Đá cũ (mang tên địa điểm Acheule thuộc thềm sông Sommer, Pháp) được làm từ đá trầm tích, có hình dáng cân đối, ghè đẽo quy chuẩn, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người. Còn phương Đông tồn tại lâu dài kỹ nghệ cuội ghè đẽo chopper-chopping, thô sơ và phụ thuộc vào hình dáng tự nhiên của hòn cuội, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho sự tiến bộ của nhân loại!”. Nhưng rồi một loạt handaxes từ thời loài Người đứng thẳng hàng triệu năm trước được phát hiện tại nhiều quốc gia Đông và Đông-Nam Á, giờ là tại An Khê - Việt Nam, đã đến lúc lật đổ được thuyết của Movius.

Đến thời đại của mình, Người đứng thẳng khi vừa thoát khỏi dáng hình của Người-vượn đã không còn sợ lửa và dần tiến đến biết sử dụng lửa. Lửa ban đầu từ than đỏ của các gốc cây vừa bị sét đánh cháy, sau đó họ biết tạo lửa theo ý muốn, dùng lửa xua đuổi thú dữ. Những Homo erectus ấy lần lượt rời châu Phi đi khắp thế gian, trong đó có vùng Đông-Nam Á. Hành trang mang theo là ngọn lửa đầu tiên của loài người.

Yuval Noah Harari, tác giả cuốn “Sapiens - Lược sử loài người” được cả thế giới tìm đọc, đã giúp chúng ta mường tượng về đời sống của Người đứng thẳng: “Nếu lặn lội ngược về Đông Phi hai triệu năm trước, có lẽ bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng quen thuộc của những loài giống như con người: những bà mẹ lo lắng ôm ấp đứa con nhỏ của mình bên đám trẻ em vô tư chơi đùa trong bùn đất; đám thanh niên hiếu thắng chống lại những định kiến của xã hội; còn những cụ già mệt mỏi chỉ muốn sống trong yên bình; những đấng mày râu ưỡn ngực cố gây ấn tượng với những bóng hồng chung quanh...”. Và tất nhiên việc đứng thẳng trên hai chân giúp họ rà soát tốt hơn các đồng cỏ để săn bắt, phát hiện kẻ thù. Còn đôi tay khi được giải phóng đã có thể làm được nhiều việc hơn, chế tác và sử dụng các công cụ. Mà đỉnh cao “văn minh” thời ấy, là những chiếc rìu đá...

Lang thang trong ngôi làng Pơ Nang (xã Tú An, An Khê) gần bên những di chỉ tiền sử thời đồ đá vừa phát hiện, thấy thanh niên, trẻ con Bahnar dùng điện thoại nhoay nhoáy. Trưởng thôn Đinh Văn Thuyết mới tròn 30 tuổi, nói với tôi: “Anh có cần hình ảnh tư liệu gì về làng để em gửi vào Zalo cho. Ở đây 3G, 4G đều có hết!”.

Sực nghĩ, loài người hiện đại hóa nhanh thật! Loài Người đứng thẳng phải mất tới 1,4 triệu năm trước khi trở thành con Người tinh khôn (Homo sapiens sapiens) chúng ta bây giờ. Chưa kể tới ba, bốn triệu năm trước nữa, thời gian để thủy tổ chung của chúng ta tách ra từ loài vượn. Nhưng thời gian tồn tại của người hiện đại cho đến nay cũng chỉ vào khoảng 50 nghìn năm. Khoảng thời gian so với những triệu năm trước đó, con người chúng ta hiện nay kỳ thực vẫn đang ở thời kỳ “sơ khai” của chu trình tiến hóa. Với tốc độ khoa học kỹ thuật như vũ bão, loài người bây giờ liệu đủ sức tồn tại lâu dài như Người đứng thẳng?

Nhà khảo cổ học Phan Thanh Toàn (bìa phải) cùng các nhà khảo cổ Việt Nam và Nga bên hố khai quật Rộc Tưng. Ảnh: TRẦN HIẾU

Bí thư thị xã An Khê, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, cho biết: “Chúng tôi đã khoanh vùng bảo vệ khu di tích, với vùng lõi 40 ha trên tổng số 105 ha. Và chỉ cho phép các hoạt động nông nghiệp với lưỡi cày không quá 45 cm nhằm bảo vệ nghiêm ngặt và nguyên vẹn tầng văn hóa dưới lòng đất. Từng bước xây dựng Công viên văn hóa khảo cổ; Xây dựng và triển khai chương trình khảo cổ cộng đồng - để người dân cùng tham gia bảo vệ di tích và được hưởng lợi trên vùng có di tích. Đề xuất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có những công trình nghiên cứu tiếp, tổng thể và tổng hợp giữa các ngành lịch sử, khảo cổ và địa chất; Lập hồ sơ Bảo vật Quốc gia đối với bộ rìu tay An Khê. Gắn với các di tích Tây Sơn Thượng Đạo xúc tiến làm hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt, hướng đến Di sản thế giới... Tất nhiên để làm được như trên, ngoài cố gắng của địa phương, chúng tôi rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành Trung ương”.