“THIẾT KẾ” KHÔNG CHUẨN
Theo quy định của Bộ GD và ĐT, việc biên soạn SGK phải bảo đảm tuần tự đúng quy trình gồm chín bước: Thành lập Ban soạn thảo - Tổ chức hội thảo tập huấn - Các nhóm tác giả xây dựng đề cương và biên soạn một số bài mẫu để dạy thử - Biên soạn SGK (bản thảo) - Tổ chức thẩm định (lần 1) rồi trình Bộ duyệt để đưa dạy thử - Tổ chức dạy và học thí điểm - Hoàn thiện bản thảo SGK sau thí điểm - Tổ chức thẩm định ở cấp quốc gia - In thử, trình Bộ duyệt, ban hành SGK mới. Với một quy trình chặt chẽ như trên thì không có ý kiến phản bác.
Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều chỉ ra, nguyên nhân SGK chưa chuẩn là do một quy trình khác, đó là qui trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, là cơ sở để SGK phải được biên soạn dựa theo.
Đi thẳng vào nguyên nhân chương trình là “rường cột”, là tư tưởng cơ bản nhưng chính những người viết sách không hề được tham gia xây dựng, góp ý PGS, TS Văn Như Cương nói:“ Những người viết sách như chúng tôi chỉ là kẻ thi công theo một bản thiết kế có sẵn. Viết đúng chương trình mới được nghiệm thu. Mà chương trình là của nhà nước, chúng tôi không được tham gia xây dựng. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm viết thế nào để với chương trình, nội dung như thế mà thầy trò có thể kết hợp để dạy được, học sinh học và hành được”.
Đồng tình cao với bất cập này, GS Nguyễn Lân Dũng nhận định, người biên soạn SGK và nhà xuất bản không có lỗi, mà lỗi do những người xây dựng chương trình đã làm không kỹ và không có chuẩn chương trình quốc tế hóa. “Khi viết sách, chúng tôi chỉ góp ý bỏ câu này, câu khác. Thảo luận sách giáo khoa mà chúng tôi không được thảo luận, góp ý chương trình thì chúng tôi chỉ nhiệt tình thay hình này, thay chữ kia thôi chứ không có nghĩa lý gì cả. Tôi không đồng tình quy trình này vì đó là sự chia nhỏ phản biện.”, GS Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn.
GS, TSKH Hồ Ngọc Đại cũng bức xúc cho rằng, cần phải chuẩn ở chương trình, còn người ngồi viết có thể thuê. Trách là trách người làm chương trình, chứ không có lỗi của ai khác.
Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra là do việc xây dựng chương trình sách không có tính thống nhất từ cấp này đến cấp khác, kiến thức bị trùng lặp, thiếu thống nhất, khiến người học hoang mang, lúng túng. Với thực tế hơn 10 năm làm công tác xuất bản, tập hợp được nhiều góp ý của người đọc, NGƯT Ngô Trần Ái cho rằng, người dân “kêu” sách nhiều “sạn” thời gian qua là còn ít, chứ lỗi của sách còn nhiều lắm và coi nguyên nhân của việc trùng lặp kiến thức là do biên soạn không có tổng chủ biên để nhìn từ lớp 12 xuống lớp 1 xem có thống nhất không.
Chi tiết hơn về việc “cắt khúc” khi biên soạn sách, GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn nói: “Chương trình phải được quan niệm như một chỉnh thể xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng khi thực hiện ta chia nó thành ba khúc: Tiểu học, THCS và THPT. Khúc tiểu học, ta thiết kế bốn chương trình khác nhau (chương trình 165 tuần, 120 tuần, 100 tuần và Chương trình công nghệ GD). Việc chỉnh sửa và hợp nhất liên miên nên mãi đến năm 2002, ta gộp thành một chương trình tiểu học. Một khúc chương trình THPT năm 1993 được chia tách thành ba ban: Ban A (khoa học tự nhiên), ban B (khoa học tự nhiên - kỹ thuật) và ban C (khoa học xã hội). Năm 1998, chương trình phân ban đã bị xóa khi thông qua Luật Giáo dục. Năm 2002 lại phân thành hai ban - ban Tự nhiên (A), ban Xã hội (C). Khi triển khai gặp sự cố vì xuất hiện ban “không A và cũng không C”, cho nên năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với Tờ trình Chính phủ cho việc tạm thời dừng triển khai phân ban để nghiên cứu lại. Đến năm 2005, quyết định triển khai thành năm ban, gồm Ban Tự nhiên A, ban Xã hội C, ban Cơ bản (CB), Ban Cơ bản hướng khoa học tự nhiên (CBA) và Ban Cơ bản hướng khoa học xã hội (CBC) nhưng rồi không được xã hội hội chấp nhận. Chưa bàn đến vấn đề thi cử, chương trình giáo dục chính thức với nghĩa hẹp từ ngày đổi mới đến nay, rõ ràng chưa thiết kế được”.
Là người đã từng “thiết kế” chương trình giáo dục, PGS, TS Trần Kiều cũng thừa nhận: “Nhược điểm của ta là không làm chương trình cho tất cả các cấp học cùng một lúc. Khi làm chương trình trung học, chúng tôi có trao đổi, thảo luận với người làm chương trình tiểu học, tuy có tính liên tục và kế thừa nhưng phải thừa nhận việc không đồng thời làm sẽ không thống nhất một hệ quan điểm chung”.
Trước việc “dồn” trách nhiệm cho những người xây dựng chương trình, PGS, TS Trần Kiều cho biết thành phần của Hội đồng xây dựng chương trình. Theo đó, mỗi môn học trước khi viết sách sẽ có một Hội đồng bộ môn các môn học, có trách nhiệm tư vấn về môn học cho lãnh đạo Bộ. Đa số thành viên của hội đồng này tham gia vào hội đồng xây dựng chương trình và thẩm định chương trình, sách. Hội đồng xây dựng chương trình cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. Tuy nhiên, hội đồng bộ môn không đồng nhất với hội đồng làm chương trình. Thành phần làm chương trình là các nhà khoa học sư phạm và một vài giáo viên giỏi. Vì không phải tất cả tác giả viết sách đều là người đã tham gia xây dựng chương trình nên trước khi viết sách phải có tập huấn cho cán bộ viết sách. Khi viết, có thể có góp ý hoặc không đồng thuận với chương trình nhưng theo đa số quyết định rồi viết. Viết sách xong có một hội đồng thẩm định sách, có các nhà khoa học và giáo viên. Chủ tịch hội đồng thẩm định sách thường là chủ tịch hội đồng bộ môn. Ông Kiều cho rằng, thực tế cũng có chuyện thành phần xây dựng chương trình chưa chuẩn, việc thẩm định có sự nể nang, không dám nói thẳng.
CẦN SỬA NGAY
Giải pháp cho những bất cập nói trên, đa số các ý kiến đại biểu đều cho rằng, mấu chốt phải xây dựng một chương trình giáo dục chuẩn, chương trình phải là một công trình nghiên cứu, với tư duy hiện đại, đột phá. Muốn có được điều đó, cần thiết phải tập hợp được tinh hoa của các nhà khoa học trong việc góp ý, xây dựng chương trình. GS Nguyễn Khắc Phi nói: “Mấu chốt của vấn đề tạo nên mọi thứ lùng nhùng lâu nay là vấn đề làm chương trình, phải làm cho được một chương trình tử tế. Cần phải gia công về mặt nhân sự, tài chính, điều kiện làm việc, Việc chọn hội đồng thế nào cần quy định cho rõ ràng”. Ông Phi cũng đề xuất cần học tập kinh nghiệm các nước là đưa tên của Hội đồng thẩm định chương trình và sách in lên bìa sách để ràng buộc và đề cao trách nhiệm của hội đồng thẩm định, tránh việc thẩm định qua loa như dư luận đã phản ánh.
Mặt khác, có ý kiến đề nghị Nhà nước phải có chế tài quy định về vòng đời của sách giáo khoa. “Tôi đề nghị Quốc hội cần có chế tài buộc sách giáo khoa ít nhất phải dùng 10 -12 năm mới được in lại một lần. Sách phải sử dụng ngần ấy năm không được in lại và để được vòng đời lâu như vậy đòi hỏi các nhà viết chương trình, biên soạn sách phải thay đổi cách làm như hiện nay”, GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn góp ý.
Tuy nhiên, nóng lòng hơn với những bất cập đang diễn ra trên từng bộ sách, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cần sửa ngay vào thời điểm niên học 2012 -2013 này hơn là những thay đổi theo lộ trình 2015. “Với đề xuất nên có một chương trình nhưng nhiều bộ SGK, tôi nghĩ bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in. Lựa chọn bộ nào để dạy và học là tuỳ vào giáo viên và học sinh. Chỉ có cạnh tranh lành mạnh như vậy mới mong sớm có được những bộ SGK tốt”. Còn với khâu biên soạn, theo GS Nguyễn Lân Dũng thì không cần tiêu tốn quá nhiều tiền bạc bằng cách Bộ Giáo dục và Đào tạo nên dựa vào các hội khoa học chuyên ngành, hội sẽ lựa chọn ra các chuyên gia giỏi, kết hợp các thầy cô có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm để nhanh chóng cho ra đời một chương trình mới. Tổ chức những cuộc hội thảo bàn định về việc nên phân ban hay không, bỏ hẳn cung cách phân ban chênh nhau quá ít thời gian như hiện nay. Chương trình sau khi biên soạn xong cần đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi thông qua một Hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Sau đó để các NXB và các nhóm tác giả tự cạnh tranh qua chất lượng các bộ SGK khác nhau. Bộ sách nào hay sẽ được tái bản nhiều lần và ngược lại. Điều này có thể thực hiện ngay mà không phải chờ tới mốc năm 2015.
Đồng quan điểm làm ngay những gì có thể, NGƯT Ngô Trần Ái nói những gì có thể làm được thì nên làm ngay từ bây giờ. Ngồi bàn bạc xem chương trình, SGK thời điểm đến năm 2015 cần thay đổi ra sao là hơi vội vì hiện tại trong tay chúng ta chưa hề có một bản thiết kế tổng thể dự kiến cho ngôi nhà tương lai. Nó cao bao nhiêu tẩng tức là hệ 10, 11 hay 12 năm học? Mỗi tầng có bao nhiêu phòng tức là số môn học cụ thể cho từng lớp? Nội thất của nó ra sao tức là phân ban hay không, phân ban thế nào? Vật liệu xây dựng gồm những gì tức là có có tích hợp các môn học hay không? … “Vì vậy, điều khả thi nhất nên làm là xem xét những hạn chế hiện tại của chương trình, SGK để nhanh chóng sửa, điều chỉnh dần lại để dần thích ứng với những tiêu chuẩn chúng ta đặt ra cho sản phẩm giáo dục trong tương lai. Nhận ra sai thì phải sửa, sửa ngay, để những bất cập, lạc hậu kéo dài, chờ tới đúng lộ trình thực hiện đổi mới thì e rằng đã muộn”- NGƯT Ngô Trần Ái góp ý.
Với tư cách là nhà quản lý, ông Vũ Đình Chuẩn và ông Lê Tiến Thành đều cho rằng, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghe ý kiến các nhà khoa học, tiếp thu phản hồi của phụ huynh và học sinh để có sửa đổi kịp thời, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học. “Tôi hoàn toàn nhất trí phải đi bằng hai chân, cùng lúc vẫn phải tiếp tục chương trình này vận hành tốt hơn chứ không phải chờ đến sau năm 2015 mới sửa đổi”, ông Chuẩn khẳng định.
Dù hơi tiếc vì thời gian dành cho cuộc tọa đàm có hạn, nhưng những người tổ chức chương trình cũng như các đại biểu đều hi vọng các ý kiến thẳng thắn và tâm huyết trong buổi cuộc tọa đàm sẽ giúp các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn đa chiều hơn để chương trình, SGK sớm đi đến sự chuẩn mực.
* THẾ NÀO LÀ “CHUẨN MỰC” TRONG BIÊN SOẠN SGK?
Ông Vũ Đình Chuẩn: Chương trình giáo dục phổ thông là văn bản mang tính nguyên tắc, bắt buộc. Còn SGK giáo dục phổ thông là tài liệu chính được sử dụng trong dạy học. Chỉ có chương trình mang tính pháp lý. Còn SGK thì có tính hướng dẫn.
PGS, TS Nguyễn Thúy Hồng: Chuẩn mực của SGK nên hiểu là những yêu cầu tối thiểu cần đạt của chương trình, SGK hay nói cách khác là bàn đến các tiêu chí đánh giá một cuốn SGK đạt chất lượng.
GS, TSKH Hồ Ngọc Đại: Theo tôi, cấu tạo chương trình là điều cốt lõi làm nên giá trị chuẩn mực hay không của SGK. Chỉ cần xác định được chương trình đi theo nguyên tắc ra sao, những tiêu chuẩn cụ thể gì thì người biên soạn nào cũng có thể viết được.
GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Với tôi, chương trình là cốt lõi của nền học, SGK là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học. Qua nghiên cứu, xin khẳng định suốt hơn ba chục năm qua, ta chưa hề có chương trình giáo dục chính thức của Nhà nước. Mỗi chương trình đều nhiều sách tương ứng, nhưng chưa hề chọn được bất cứ một bộ SGK chuẩn với đúng nghĩa khoa học.
* DỰ THẢO ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG SAU NĂM 2015” CỦA BỘ GD-ĐT
- Lộ trình thực hiện đề án dự kiến trải qua bốn giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2011-2013): Thành lập Ban chỉ đạo đề án, xây dựng các văn bản pháp quy, tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình để thử nghiệm...
Giai đoạn 2 (2013-2015): Tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành sách giáo khoa, sách giáo viên để thử nghiệm, khảo sát nhu cầu, hoàn thiện, thẩm định và ban hành danh mục, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu về thiết bị dạy học.
Giai đoạn 3 (2015-2019): Thử nghiệm và đánh giá chương trình thử nghiệm, trưng cầu ý kiến về chương trình, sách giáo khoa và đánh giá quá trình xây dựng để hoàn thiện, thẩm định và ban hành chính thức chương trình, triển khai tài liệu hướng dẫn dạy họck èm theo.
Giai đoạn 4 (2019-2022): Tổ chức hoàn thiện, thẩm định và ban hành chính thức sách giáo khoa, tổ chức hướng dẫn thực hiện chương trình, đánh giá kết quả thực hiện đề án và tổng kết đề án.
- Dự án được triển khai chính thức bắt đầu từ năm học 2017 - 2018 và theo phương thức tiến hành đồng thời cả ba cấp học, mỗi năm một lớp trong từng cấp. Những địa phương và cơ sở giáo dục có đủ điều kiện tối thiểu thực hiện trước, những nơi khác lập kế hoạch và có lộ trình phấn đấu đủ mới thực hiện.
Ảnh trang tiêu điểm:AN THÀNH ĐẠT