25 năm, một phần tư thế kỷ như một thoáng trôi qua. Mới ngày nào, tháng 5/1997, những người làm báo dưới gốc đa cổ thụ trong khuôn viên Tòa soạn 71 Hàng Trống chuyền tay nhau ấn phẩm mới ra hằng tháng. Khổ báo mới, thời gian xuất bản thong thả hơn, cách trình bày thoáng, nhẹ, bay, tên tác giả toàn là các vị “tiên chỉ” trong làng báo, làng văn, làng khoa học. Tất cả những cái đó hội tụ một nội dung mới. Sự cất cánh khi đó là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là giữ được sức bền trong suốt chuyến bay.
Không chỉ có một cuộc cách mạng, nói nhỏ hơn là một cuộc chuyển dịch nào đó mà không cần tới ba tiêu chí, cũng là ba yêu cầu thiết thân này: Kế thừa, đổi mới và sáng tạo. Công cuộc đổi mới đất nước chúng ta 36 năm qua đạt được thành tựu như hôm nay bởi vì có sự đổi mới trong đổi mới và đương nhiên nó đã kế thừa những truyền thống, những bài học quý giá trong lịch sử dân tộc. Một ấn phẩm báo chí ra đời, tính mục đích cần nói tới đầu tiên là mang đến một nguồn thông tin mới, giàu có, khác biệt. Nguồn thông tin ấy cần cập nhật nhanh thì đã có báo hằng ngày, báo điện tử. Báo hằng tháng “nhanh” trong cách tiếp cận, trong đánh giá và nhận định, trong việc giới thiệu các tác giả - nhất là tác giả thuộc lĩnh vực văn học-nghệ thuật.
Theo hướng ấy, Nhân Dân hằng tháng đã bền bỉ kế thừa và không ngừng đổi mới. Đặc biệt, sáng tạo, theo chúng tôi là nét nổi bật, là cái làm nên thương hiệu, bởi chỉ có sáng tạo mới làm nên cái mới, loại trừ cái bảo thủ, nhàm chán. Sáng tạo coi trọng cái cốt lõi, cái thực chất, chứ không cần cái nhãn dán. Sáng tạo ấy có ngay từ số đầu, nhưng nó trở nên một nhu cầu tự thân, một dòng chảy cuộn siết, một sự lôi cuốn cộng tác viên và độc giả kể từ giai đoạn 2012 đến nay, cũng vừa đẹp 10 năm. Tết Canh Tý, 2020, tờ báo này có hẳn một chuyên đề “Xuân sáng tạo”. Một nhà văn lớn từng nói đại thể: sáng tạo của người viết là gì, là khi lúc nào anh cũng thấy có một đàn sói đuổi sau lưng. Phải chạy nhanh, chạy nhanh hơn nữa nhưng không cho phép sai lầm, vấp ngã, để thoát khỏi nanh vuốt của chúng.
Như vậy không có sự “sáng tạo” nửa vời. Không có chỗ cho sự dềnh dang vô lối. Không có chốn cho kẻ đi không rõ chủ đích. Sáng tạo của Nhân Dân hằng tháng có một chủ đích rõ ràng: trò chuyện ân cần với độc giả. Một không gian mở, không áp đặt, không răn dạy, không lòe loẹt, mà bằng những món quà thông tin chân thực, hiếm hoi, bình dị trong cuộc sống, như chuyện “Đi và thấy”, “Mùi vị ký ức”, “Chuyện đời, chuyện nghề”, “Sống trong đời sống”, v.v. Đó là một số trong nhiều chuyên mục của tờ báo này. Không phải ai cũng thích đọc tất cả các chuyên mục, nhưng chí ít họ cũng yêu, cũng mến một chuyên mục, hoặc một tác giả nào đấy. Đó là những cái “một” góp thành “nhiều”, thành “chuỗi giá trị” tạc nên góc cạnh của một khuôn mặt thông thái và lịch duyệt.
Những nhà quản lý, các “sếp” thường tìm đến nguyệt san vào những ngày cuối tháng để đọc các bài trong chùm bài “Tiêu điểm”, rồi các chuyên mục chính trị-xã hội. Đây là những bài thông tin, phân tích và gợi mở, cho ta cách nhìn đa chiều, cách nghĩ thuận và nghịch, gợi ý cả những phản biện về những cơ chế, chính sách, cái gì cần tiếp tục bổ sung, thay đổi. Lấy thí dụ về một chuyên đề trong số tháng 3/2022: Phát triển cao tốc & khát vọng “Đại lộ sinh đại phú”. Con đường lớn sẽ dẫn ta đến thịnh vượng. Vâng, còn cao hơn cả con đường cụ thể, đó là đường đi của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, là sức vươn của dân tộc trong thời hội nhập quốc tế, là sự giàu có về văn hóa, về lòng nhân nghĩa cao hơn hết thảy.
Còn có thể kể đến nhiều chuyên mục, tiểu mục hấp dẫn, trong đó có những chuyên mục mới ra lò trong một, hai năm trở lại đây. Chuyên mục mới, vấn đề mới, cách thể hiện mới, ngôn ngữ mới. Bạn đọc nhiều khi à lên rất thú vị với “giọng kể” của các nhà báo, nhà văn tài hoa qua “Nhân vật-Đối thoại”, qua các bài bình luận quốc tế, bình luận văn hóa, thể thao. “Kể” như thế là tài. Phải tay mình, có khi... hỏng việc. Thì ra bạn đọc có khi cũng nhắc mình, thôi từ nay anh đừng viết nữa, nếu có thì chớ viết cũ, viết đại ngôn, mòn sáo như thế! Nên nhớ rằng anh đang viết bài báo này vào tháng 5/2022, chứ không phải năm 1960 hay 1970.
Cái khác biệt so với các ấn phẩm khác trong “nhà mình” còn là cái dáng điệu, cử chỉ. Cũng là truyện ngắn, cũng là thơ, nhưng tôi đưa đến cho bạn theo cách khác. Ngoài tiêu chí hay bao trùm hết thảy, tôi ủng hộ cái lạ. Nhân Dân hằng tháng đăng truyện ngắn kèm theo lời bình cực ngắn của các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa. Đây là những cặp mắt rất tinh trong vô số cặp mắt xanh. Nên chi có khi đọc truyện xong lại nhớ nhất câu trong lời bình (câu này tôi ghi lại lời của một nhà văn có truyện ngắn đăng trong ấn phẩm).
Thơ cũng vậy. Thơ chùm in hai trang. Thơ hai bài kèm chân dung tác giả. Thơ lẻ chọn lọc, cấu tứ bất ngờ, “tiếng trẻ reo vồ được mảnh trăng vườn” (Về miền Trung mùa lũ-Hữu Thỉnh)... Thơ không bỏ sót tác giả hay, bài hay. Thơ không đăng bài nhạt nhẽo, không có tứ, không có tình và từ thì héo, mỏng dẹt như cái thìa bị đập bẹp. Kể nốt chuyện văn chương, loạt bài “Trò chuyện văn chương” trên Nhân Dân hằng tháng đã ghi dấu ấn khá đậm nét trong đời sống văn học nước nhà.
Nó được ghi nhận bằng Giải nhất Báo chí quốc gia, đã đành, nhưng sức bền, độ ngân của nó là đã ghi được những bức chân dung văn học thật “nét”. Hơn nữa, trò chuyện của nhà văn gợi lên nhiều điều thiết thực, từ lý luận, khuynh hướng sáng tác, tư tưởng, phong cách nhà văn, đến hiện thực đời sống, cho tới những chuyện bếp núc “bây giờ mới kể”. Mà không phải không có chuyện gai góc. Hóa ra, Báo Nhân Dân cũng rất chịu chơi và dám chơi (cũng lời của một nhà văn).
Cuối cùng là nói về đội ngũ, những người viết và những người thực hiện. Người làm báo tháng Nhân Dân có thể chịu thiệt thòi ở một số điểm. Họ được phân công theo dõi ngành, lĩnh vực một cách tương đối. Họ ít có những “bồ ruột” là sếp lớn, là chủ tịch, tổng giám đốc ở các ngành kinh tế. Khi cần thông tin nhanh, thông tin nổi bật, cần “khen”, người ta tìm đến báo ngày, báo điện tử, truyền hình.
Và vì thế người đứng sau cánh gà cần mẫn trong các vở diễn đành giấu mình đi. Tiếng cả nhà thanh của các bác thì chúng em cùng chia vui, không có chút gì gợn lên về lợi lộc. Dẫu vẫn biết thời nào thì “cơm áo” cũng không đùa! Có thực mới vực được đạo. “Thực” ở đây xin hiểu rộng hơn chuyện lương, chuyện thưởng, chuyện quà cáp. Có những giá trị tinh thần không dễ thấy, một lúc nào đấy nó đem lại cho ta sức mạnh vật chất.
Lao động quá khứ, tri thức và lòng yêu nghề cho chúng ta những cơ hội đi xa và đi đến đích, chứ không phải chỉ một chặng ngắn ngủi, may đấy mà cũng là rủi đấy. Chúng ta viết về cái hay, cái đẹp trong đời sống bằng đôi mắt tinh tường, nhưng cũng là đôi mắt trong trẻo, xanh non, luôn bắt gặp chất thơ trong đời sống. Suy nghĩ như thế nên các phóng viên, biên tập viên Nhân Dân hằng tháng, Nhân Dân cuối tuần, Thời nay và một số ban chuyên đề khác đã chuyên tâm làm việc và điều quý nhất là đã thu hút được nhiều cộng tác viên giỏi giang.
Thời kỳ nào những tác giả hàng đầu đất nước cũng được Nhân Dân hằng tháng trân trọng, mời gọi. Người đọc có khi gặp cái tên tác giả đó mà mua báo. Còn anh chị em phóng viên, biên tập thì trở thành những cây bút tốt, không ít người được bạn đọc, được các chuyên gia trân trọng, nể phục về tài năng làm báo, làm văn, về khả năng quản lý, góp phần tạo nên thương hiệu một ấn phẩm. Là “ai”cụ thể thì bạn đọc rõ hơn người viết bài này.
25 năm Nhân Dân hằng tháng. Một mùa hoa phượng đầy ắp kỷ niệm lại về. Điều ta nhớ lâu là điều ta từng trải. Điều thôi thúc ta đi, dứt khoát, mạnh mẽ, là điều ta hướng tới. Trong ngày sinh của một cái tên thân thiết, trong tôi cứ vang vọng câu nói ấy.