Chung tay gây dựng thị trường mỹ thuật Việt Nam

|

Thuyết phục nghệ sĩ bán tác phẩm nghệ thuật với giá tốt để thu hút công chúng, hai đơn vị tổ chức - Manzi Art Space và Work Room Four đã bán được hơn 2.000 tác phẩm trong 5 năm, kể từ khi sự kiện “Art For You” đầu tiên được diễn ra. Là một trong những người sáng lập “Art For You”, bà Vũ Ngọc Trâm (ảnh bên) chia sẻ: “Tôi mong sự kiện thường niên này sẽ góp một phần nhỏ để từng bước gây dựng thị trường mỹ thuật tại Việt Nam”.

“Art For You” đã thay đổi thế nào, sau chặng hành trình 5 năm, thưa bà?

Năm 2014, chúng tôi tổ chức “Art For You” lần đầu tiên, với hơn một trăm nghệ sĩ tham gia. Sự kiện chỉ diễn ra vài ngày, trong không gian nhỏ của Manzi. Còn bây giờ lượng nghệ sĩ tham gia đã lên tới hơn hai trăm, với khoảng 500 tác phẩm. Và “Art For You” không chỉ diễn ra tại Hà Nội với quy mô lớn hơn mà còn được tổ chức thường xuyên tại TP Hồ Chí Minh. Tác phẩm cũng đa dạng hơn, không chỉ phác thảo, tác phẩm hội họa mà còn xuất hiện nhiều tác phẩm điêu khắc. Số lượng tên tuổi thành danh cũng như gương mặt trẻ tăng dần qua từng kỳ tổ chức. Chỉ có một thứ không hề thay đổi, đó là để bảo đảm nguyên tắc “giá hợp lý”, tác phẩm trong năm ngày diễn ra “Art For You 11” (từ ngày 11 đến 15-4-2019) vẫn giữ nguyên như các năm đầu, dao động từ 25 đến 900 USD. Thí dụ tranh của họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng thường có giá khoảng 1.500 USD một tác phẩm mầu nước khổ nhỏ, nhưng nghệ sĩ đồng ý giữ giá 900 USD để ủng hộ “Art For You” cũng như công chúng yêu nghệ thuật. Tác giả Thế Sơn gửi những bức ảnh chỉ bán với giá 80 USD, mang tính décor cao, thì giờ vẫn có. Công chúng cũng sẽ có cơ hội sở hữu tranh của nhiều tác giả nổi tiếng như Lê Công Thành, Minh Thành, Trần Trọng Vũ, Phạm Khắc Quang... với mức giá “mềm” hơn.

Còn về đối tượng khách hàng thì sao, thưa bà?

Trước đây, có tới 95% là người nước ngoài nhưng bây giờ số lượng người Việt Nam muốn sở hữu tác phẩm nghệ thuật đã tăng lên. Nhưng tín hiệu mừng hơn là không chỉ mua mà lượng người quan tâm, tới thưởng lãm đông hơn rất nhiều sau mỗi lần tổ chức, đặc biệt là giới trẻ. Sinh viên các trường đại học tham dự rất đông và đến xem thực chứ không phải chỉ chụp ảnh check-in. Họ có thể chưa phải khách hàng ngay hôm nay, nhưng sẽ là người mua trong tương lai. Quan trọng hơn thế, chúng tôi xác định đó là một cách để gây dựng lớp công chúng mới đầy tiềm năng cho thị trường mỹ thuật nước nhà.

Với dự án dài hơi này, chúng tôi đặt ra ba mục đích. Thứ nhất, qua “Art For You”, nghệ sĩ có thêm nguồn thu nhập. Thứ hai giúp Manzi và Work Room Four tồn tại và có kinh phí để tổ chức các chương trình nghệ thuật. Thứ ba là đưa nghệ thuật đến nhiều người hơn, vì vậy bao năm nay chúng tôi vẫn miễn phí vào cửa.

Theo bà, điều gì là khó nhất, trong ba mục tiêu kể trên?

Bán được tranh là việc khó nhất. Dù mức giá tốt nhưng vẫn khó khăn vì Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật nội địa đúng nghĩa, người dân chưa có thói quen mua tranh. Người nước ngoài vẫn mua nhiều nhưng chúng tôi mong đợi nhiều hơn ở đối tượng khách hàng trong nước bởi nếu không, phần lớn tác phẩm chất lượng sẽ ra nước ngoài, rất tiếc.

Vậy tỷ lệ người Việt mua tranh hiện ra sao, theo quan sát thực tế của cá nhân bà?

Theo tôi, tỷ lệ khách mua tranh trong và ngoài nước hiện lần lượt là 15% và 85%. Đối tượng chủ yếu là trí thức. Người trẻ (chiếm khoảng 35%) giao dịch với tốc độ nhanh hơn vì không băn khoăn quá nhiều về giá, thấy thích là mua. Họ mua tranh vài trăm đô là chuyện bình thường. Đối tượng trên 50 tuổi thì rất ít mua, cho dù tới xem khá đông. Người giàu có xem cũng đông nhưng hầu như không phát sinh giao dịch, điều đó khiến chúng tôi cũng hơi băn khoăn. Có thể họ mong chờ một loại tranh khác, một mức giá khác chăng? Dù khi lựa chọn tác phẩm tham gia, chúng tôi luôn hướng tới tính đa dạng nhưng có lẽ vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Một câu chuyện thú vị về công chúng mua tranh để lại cho bà ấn tượng khó quên?

Trong chuỗi sự kiện “Art For You”, nhiều phụ huynh đã mang con đến để các bé tự chọn tranh cho căn phòng của mình. Và sự lựa chọn của con được bố mẹ tôn trọng tuyệt đối. Tôi nhớ, có một đôi vợ chồng nước ngoài đưa cậu con trai năm tuổi tới chọn tranh và tự trả bằng tiền tiết kiệm từ khoản tiêu vặt trong suốt một năm trời của mình. Nếu cách thức đó trở thành phổ biến, các em nhỏ sẽ quan tâm tới nghệ thuật nhiều hơn.

Dưới góc nhìn của bà, chính quyền cùng các nhà quản lý có thể tác động ra sao đến mong muốn xây dựng lớp công chúng trẻ, tạo thị trường mỹ thuật nội địa đúng nghĩa?

Chúng tôi đang nghĩ tới việc đề xuất với lãnh đạo thành phố Hà Nội tạo ra một hình thức hội chợ nghệ thuật. Với lượng nghệ sĩ tài năng hiện có, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Và đây cũng có khả năng trở thành một sự kiện thường niên để thu hút khách du lịch một cách bền vững. Nếu Hà Nội muốn, chúng tôi sẵn sàng chung tay với điều kiện thành phố cung cấp không gian, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về khung pháp lý và nguồn tài chính ban đầu.

Còn để tạo thị trường hay khán giả cho nghệ thuật, điều cần nhất là thay đổi giáo dục phổ cập về nghệ thuật. Hiện tại, nghệ thuật đang dần có nhiều công chúng/khán giả hơn, nhưng có vẻ vẫn mang tính tự phát. Còn để công chúng tiếp cận được nghệ thuật một cách dễ dàng, chắc chắn phải có nhiều không gian nghệ thuật hơn, nhiều bảo tàng nghệ thuật, nhà hát, phòng tranh đồng thời phải có nhiều các dự án nghệ thuật công cộng hơn nữa. Và cũng cần cơ chế hỗ trợ về pháp lý và tài chính để giúp các trung tâm nghệ thuật có thể tồn tại bền vững. Cuối cùng, phải có một môi trường khuyến khích việc phê bình nghệ thuật thực sự. Điều đó có ích cho cả nghệ sĩ lẫn công chúng.

Trân trọng cảm ơn bà!

Sinh năm 1973 tại Hà Nội, bà Vũ Ngọc Trâm từng làm việc cho nhiều tổ chức quốc tế về phát triển văn hóa và cộng đồng trong hơn 20 năm.

Năm 2012, cùng Giang Đặng và Nguyễn Hoàng Long, bà sáng lập Manzi - một không gian nghệ thuật độc lập phi lợi nhuận tại Hà Nội. Hoạt động như một không gian nghệ thuật đa chức năng, Manzi hỗ trợ, quảng bá cho nghệ sĩ sở tại và thúc đẩy hợp tác văn hóa qua việc tổ chức các triển lãm nghệ thuật thị giác, hòa nhạc, chiếu phim và các thảo luận về lịch sử, xã hội Việt Nam.

Từ năm 2014 đến nay, “Art For You” (do hai không gian Manzi Art Space và Work Room Four tổ chức) đã bán hơn 2.000 tác phẩm, tổng thu hơn 2,4 tỷ đồng cho nghệ sĩ. Đã có khoảng hơn 13.000 khách tham quan chuỗi sự kiện này. Bà Camilla Bjelkas - Cán bộ Văn hóa Đại sứ quán Thụy Điển cho rằng: “Đối với tôi, “Art For You” luôn là cánh cửa dẫn tới cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật Việt Nam. Sự kiện là một trưng bày vô cùng đa dạng, do vậy là một cách tuyệt vời để xác định những gương mặt triển vọng đáng để dõi theo trong thời gian sắp tới. Và nếu bạn có phải lòng một tác phẩm nào ở đây thì cũng không lấy làm khó khăn lắm, bởi mức giá đều rất phải chăng”.