Trui rèn bản lĩnh từ gian khó

|

Sau World Cup 2023, thủ môn Trần Thị Kim Thanh của tuyển bóng đá nữ Việt Nam nổi lên như một hiện tượng. Phải thừa nhận, tài nghệ của Kim Thanh đã rất nhiều lần cứu nguy cho khung thành của tuyển nữ Việt Nam, đặc biệt là pha cản phá cứu thua quả phạt đền của nữ tuyển thủ Mogan (Mỹ) có giá trị như là một bàn thắng...

Lần đầu góp mặt tại đấu trường danh giá nhất hành tinh, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã có 3 trận đấu của bảng E và thua cả 3, nên sớm dừng bước tại vòng bảng. Tuy nhiên, những gì các tuyển thủ nữ Việt Nam thể hiện đã khiến giới chuyên môn, những người yêu bóng đá Việt Nam hài lòng, đặc biệt là tinh thần thi đấu các học trò của HLV họ Mai đã thể hiện.

Cú phá bóng khó quên trong đời

Lá thăm may rủi đưa đội tuyển nữ Việt Nam vào “bảng đấu tử thần” khi đối đầu cùng đương kim vô địch Mỹ, á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha ngay khi lần đầu góp mặt tại World Cup. Vì vậy, ngay trước giải đấu, giới chuyên môn đã dự đoán thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ gặp khó khăn rất lớn, thậm chí có thể thua đậm như Thái Lan từng thua Mỹ với tỷ số 0-13 ở kỳ World Cup trước đó.

Ngay trận mở màn gặp tuyển Mỹ, các học trò của HLV Mai Đức Chung đã thể hiện một tinh thần thi đấu thật tuyệt vời, nên đã hạn chế số bàn thua đến mức thấp khi đối đầu với một đội bóng quá mạnh cả về thể hình và chuyên môn. Kết quả thua 0-3 trước đương kim vô địch Mỹ là tỷ số khiến mọi người rất hài lòng. Trong đó, pha cản phá cú phạt đền ở phút 43 của thủ môn Kim Thanh đã để lại nhiều ấn tượng nhất.

Hôm ngồi cùng nhau khi trở về nước, tôi hỏi: “Trước khi bắt quả phạt đền ấy, cảm giác của Thanh thế nào?”. Nữ tuyển thủ này thật thà thổ lộ: “Em run lắm, vì đá phạt đền là hên xui rồi, mà xác suất thủ môn lại... xui nhiều hơn. Trước trận đá với Mỹ, em đã rất nhiều lần xem băng trận đấu và biết tiền đạo Alex Mogan được xem là chuyên gia đá phạt đền của Mỹ và cô ấy thường hay đá về phía tay phải, nên dự tính sẽ ngã về bên phải để bắt bài cô ấy. Lúc Mogan chuẩn bị thực hiện cú sút, các đồng đội, đặc biệt là Bích Thùy đã hét lớn ngã về bên phải, nó đá về hướng đó đấy. Kết quả em ngã về bên ấy và đỡ được quả phạt đền...”.

Kim Thanh chia sẻ thêm: “Thật sự khi phá được quả đá phạt ấy, em vui lắm, nhưng chỉ biết ôm các đồng đội như một lời cảm ơn rồi lại tiếp tục tập trung cho trận đấu, vì đối thủ mạnh quá. Phải đến sau trận, cái cảm giác sung sướng mới vỡ òa khi nhận được sự tán thưởng của đồng đội trong phòng thay đồ và đọc được những tin nhắn chia sẻ của mọi người, lúc ấy em hạnh phúc lắm. Có lẽ cú phá bóng ấy sẽ rất khó quên trong cuộc đời cầu thủ của em”.

Ảnh: Đức Đồng

Luôn nỗ lực để hạn chế những sai lầm

Để có được niềm hạnh phúc tại World Cup nữ 2023, là những tháng ngày cô thủ môn này trải qua một thời gian dài mài quần trên ghế dự bị. Người viết vẫn nhớ Kim Thanh từ Long An lên tập bóng đá nữ năm 2007, lúc cô 14 tuổi và chưa từng biết gì đến bóng đá. Mãi đến năm 2010 cô mới được chuyển lên đội 1 của CLB nữ TP Hồ Chí Minh. Kim Thanh hồi tưởng: “Năm 2010, em bắt đầu được tập luyện và dự bị cho chị Đặng Thị Kiều Chinh ở đội 1 CLB TP Hồ Chí Minh. Hồi ấy, chị Chinh đang rất nổi tiếng nên em rất ngưỡng mộ. Mãi đến năm 2015, cô Kim Chi (HLV Đoàn Thị Kim Chi - PV) bắt đầu tung em vào sân thi đấu để được cọ xát và cho có kinh nghiệm thi đấu nhiều hơn”.

Được tung vào sân thi đấu vài trận ở mùa giải 2015, nhưng phải đến năm 2018 lúc thủ môn Kiều Chinh chính thức giã từ sân cỏ, Kim Thanh mới chính thức trở thành thủ môn số 1 của CLB TP Hồ Chí Minh và tuyển nữ Việt Nam. Trong một lần trò chuyện, HLV Đoàn Thị Kim Chi đã nhắc đến cô học trò của mình với giọng trìu mến: “Suốt 8 năm trời bé Thanh dự bị cho Kiều Chinh, nhưng nó chẳng phàn nàn gì và luôn nỗ lực trong tập luyện. Từ năm 2015, tôi bắt đầu sử dụng Thanh vào sân thi đấu để hỗ trợ cho Chinh và trui rèn kinh nghiệm thi đấu, nhưng do Chinh quá xuất sắc nên Thanh dẫu chơi rất tốt vẫn phải đóng vai dự bị. Đôi lúc nhìn cô bé tội nghiệp lắm!”.

Còn nhớ lần đầu bắt chính ở tuyển nữ Việt Nam góp mặt ở bán kết AFF Cup 2018 gặp U20 Australia, Kim Thanh đã mắc sai lầm ngớ ngẩn khiến đội nhà thua 2-4. Đấy có lẽ là trận đấu mà Thanh cũng không bao giờ quên trong sự nghiệp của mình như chính cô bày tỏ: “Đó là lần đầu tiên em được bắt chính ở đội tuyển nên còn lơ ngơ lắm. Do kinh nghiệm thi đấu quốc tế chưa nhiều, nên khi gặp đối thủ mạnh như U20 Australia khiến em phạm sai lầm dẫn đến đội nhà bị thua. Sau trận đấu ấy, em cứ áy náy và mất tự tin suốt một thời gian dài. Vì vậy, em tự nhủ phải luôn nỗ lực để tránh những sai lầm như trận đấu ấy”.

Hạnh phúc khi trở về nhà

Kim Thanh tự nhận mình là người hướng nội, nên rất hiếm hoi chia sẻ những chuyện riêng của bản thân, đặc biệt là với các phóng viên. Tuy nhiên, do anh em chúng tôi biết nhau đã khá lâu và thường cà-phê tám chuyện trên trời dưới đất, nên có nhiều chuyện cô thủ môn này cũng chẳng dấu diếm. Có lần tôi hỏi Thanh về quãng thời gian quá lâu mài quần trên ghế dự bị, cảm giác của cô thế nào?

Khi ấy Kim Thanh đã chia sẻ: “Ngồi dự bị ai mà không buồn hả anh, nhất là ở vị trí thủ môn bọn em thì điều này còn nghiệt ngã hơn. Dẫu vậy, bản thân em chưa bao giờ nản lòng và có ý nghĩ chia tay với bóng đá. Sở dĩ thế, vì ngồi dự bị cũng giúp em học được nhiều về kinh nghiệm và kỹ năng qua những trải nghiệm của bản thân. Kế đến, em vẫn nhớ lý do tại sao mình đến với bóng đá, bởi thời điểm ấy nhà em ở Long An nghèo lắm. Em đến với bóng đá nhằm giúp cho gia đình đỡ một miệng ăn và đấy là lý do khiến em phải luôn nỗ lực cho đến tận bây giờ”.

Nhắc đến gia đình, tôi nhớ có lần cô thủ môn này kể: “Ngày xưa, ba thì đi phụ hồ còn mẹ làm ruộng. Vì thế, em đến với bóng đá cũng với suy nghĩ để ba mẹ đỡ vất vả. Sau này mẹ em được Công ty Hoa Sen nhận vào làm công nhân và giờ cũng đã nghỉ hưu. Do đó bao nhiêu khoản tiền thưởng có được từ bóng đá, em đều tích cóp xây cái nhà để ba mẹ và gia đình có chỗ ở đàng hoàng. Giờ thì mọi thứ đã ổn, nên em cũng an tâm hơn mỗi khi đi thi đấu xa”.

Ngày tuyển nữ Việt Nam từ New Zealand về nước, sau một ngày lưu lại TP Hồ Chí Minh, Kim Thanh và các tuyển thủ đã được về nghỉ ngơi bên gia đình. Gọi điện cho tôi, cô thủ môn này kể: “Về nhà luôn là nơi bình yên nhất anh ạ. Các cháu của em nó cứ ngóng cô về để có quà, mấy đứa nhỏ nó nịnh em dữ lắm. Còn ba mẹ em thì khỏi nói rồi, ông bà rất vui mỗi khi em về nhà và mẹ luôn nấu những món em thích. Về nhà ăn với ba mẹ và mọi người bữa cơm, cảm giác thật hạnh phúc và nhẹ nhàng”.