Bí quyết “ăn no, ngủ kỹ”
Là một trong những VĐV trẻ nhất giải đấu, nhưng Mai Ngọc đã viết nên câu chuyện cổ tích khi lần lượt thắng các cây vợt đàn chị trong làng bóng bàn Việt Nam, để lần đầu tiên giành ngôi vô địch đơn nữ. Cảm giác chiến thắng đến với Ngọc như thế nào?
Tôi luôn nhắc nhở mình phải chăm chỉ tập luyện, khắc phục những điểm yếu trước khi bước vào Giải vô địch Quốc gia. Mục tiêu của tôi là lọt vào top 8 để có cơ hội dự SEA Games 31 trên sân nhà. Và may mắn kết quả tôi đạt được lại vượt quá mong đợi. Có lẽ các đối thủ không được chuẩn bị tốt nhất, vì thế mà tôi bất ngờ có chiến thắng trước cô Mai Hoàng Mỹ Trang ở tứ kết, cô Tường Giang ở bán kết. Trận chung kết đối với tôi không quá khó khăn, nhưng cũng là trận đấu phải luôn cần sự tập trung cao nhất.
So với giải đấu 2020, Mai Ngọc đã có chiến thuật gì đặc biệt để tạo nên cuộc lật đổ ngoạn mục như vậy?
Thực ra tôi cũng không có chiến thuật gì ghê gớm cả. Trước mỗi trận đấu, tôi đều đặt quyết tâm phải chơi hết sức, không được phép bỏ cuộc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bên cạnh đó, tôi cố gắng “ăn ngon, ngủ kỹ” để có một thể trạng tốt, thi đấu sẽ không bị mệt mỏi.
Trận tứ kết gặp tượng đài Mai Hoàng Mỹ Trang là một thử thách thật sự với VĐV mới 17 tuổi như Mai Ngọc. Làm thế nào để Ngọc có thể chiến thắng được chính mình trước đối thủ đáng gờm ấy?
Đúng là lúc bắt đầu thi đấu tôi bị áp lực tâm lý khiến tay bị “cóng” trong những lần giao bóng. Tôi cố hít sâu để lấy lại bình tĩnh và đã tự tin hơn.
Cô Mỹ Trang là thần tượng của nhiều VĐV trẻ, trong đó có tôi. Tôi rất thích động tác đứng và ôm bàn của cô Trang. Tôi thường xem video của cô để học hỏi thêm các động tác.
Vượt qua “chướng ngại vật” lớn nhất ở tứ kết, Mai Ngọc có nghĩ tới một điều kỳ diệu?
Thú thật, thắng ở trận tứ kết, tôi được giải tỏa áp lực rất nhiều. Bước vào hai trận còn lại, tôi luôn nghĩ rằng thắng hay thua không quan trọng, mà phải chơi được hết khả năng của mình. Tôi thường cố hét thật to để lên tinh thần, để cho thấy gặp ai thì mình cũng đã cố gắng hết sức, thua cũng không có gì hối hận...
Sau khi giành chức vô địch, người mà Mai Ngọc muốn báo tin đầu tiên là ai?
Thật ra cả hai người mà tôi muốn báo tin là thầy Vũ Mạnh Cường và mẹ tôi, thì họ đều là người xem trận đấu. Thầy Cường là người luôn nghiêm khắc, còn mẹ thì tình cảm, thường động viên khích lệ tôi . Thầy nói rằng thành công chỉ là sự khởi đầu. Tôi còn điểm yếu là quả trái và giao bóng, nên còn phải hoàn thiện nhiều hơn nữa. Tôi học được nhiều từ các thầy, các cô đã dạy mình và luôn cố gắng làm thật tốt.
4 tuổi, Trần Mai Ngọc cùng người em gái sinh đôi Trần Ngọc Ngà đã mồ côi cha. Ngọc cho biết mình còn không nhớ được mặt bố, nhưng sự mất mát lớn đã giúp chị em họ có một nghị lực đáng khâm phục. Cả hai chị em, nhất là Mai Ngọc, đã sớm nổi lên như những tài năng trẻ của bóng bàn Việt Nam, qua những chiến thắng thuyết phục tại các giải trẻ. Ðể rồi, chính Mai Ngọc đã làm nên cơn địa chấn tại Giải vô địch quốc gia 2021 với ngôi vô địch ở tuổi 17.
Chức vô địch được xem là “không tưởng” này sẽ giúp Mai Ngọc có nhiều sự tự tin để làm được “điều gì đó” ở SEA Games 31?
Được dự SEA Games là một vinh dự rồi. Tôi vẫn mang tinh thần chiến đấu như ở Giải vô địch quốc gia tới SEA Games, còn thắng hay thua thì không thể nói trước vì các đối thủ trong khu vực đều rất mạnh.
Mang quà về cho mẹ
Cơ duyên nào đưa Mai Ngọc đến với bóng bàn?
Thật ra hồi bé tôi không thích bóng bàn. Thấy gia đình nghèo, nên các bác đưa hai chị em ra Hà Nội. Ban đầu tôi nghĩ chỉ là một chuyến đi chơi, nhưng không ngờ là theo bóng bàn chuyên nghiệp đến tận bây giờ. Khi đó tôi 11 tuổi, hai chị em rất hay khóc vì nhớ nhà.
Mai Ngọc có bao giờ khóc sau mỗi thất bại trong thi đấu?
Không, với tôi khóc là thừa nhận mình yếu kém.
Như vậy là từ khi theo bóng bàn chuyên nghiệp Mai Ngọc không được thường xuyên về thăm mẹ?
Đúng vậy. Tôi chỉ có thể về nhà thăm mẹ vào dịp Tết. Cứ đến gần Tết là chỉ muốn về nhà ngay để ôm mẹ. Trước Tết năm nay tôi có chuyến tập huấn ở nước ngoài, vì thế tâm lý càng muốn được về nhà với mẹ.
Năm nay thì Mai Ngọc và mẹ sẽ đón một cái Tết ý nghĩa nhất khi có món quà rất to là chiếc cúp vô địch giải quốc gia?
Vô địch rồi nên khi về nhà cũng vui hơn mọi năm. Bên cạnh đó, bất cứ khi nào có tiền thưởng, dù ít dù nhiều, tôi đều gửi về cho mẹ. Cảm giác “mang tiền về cho mẹ” là thấy mình đã trưởng thành hơn. Nhưng, Tết năm nay dịch bệnh thế này nên chắc tôi chỉ ở nhà thôi. Cả năm mới có một lần về nhà mà không được đi đâu cũng buồn lắm.
Ngoài bóng bàn, Mai Ngọc còn có sở thích nào khác?
Sau này thì tôi không biết nhưng đến giờ tôi chỉ có niềm đam mê với bóng bàn thôi.
Mai Ngọc đánh giá thế nào về phong trào bóng bàn ở Việt Nam, đặc biệt là công tác đào tạo VĐV trẻ?
Để phong trào bóng bàn phát triển thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Tôi thấy Hải Dương làm bóng bàn trẻ rất tốt, các địa phương cần học hỏi. Tôi mong các VĐV đều luôn nỗ lực, phấn đấu rồi một ngày thành công sẽ tới. Tôi không quá quan tâm tới chuyện tiền thưởng, bởi mình đánh không tốt thì không có thưởng và ngược lại.
Xin cảm ơn Mai Ngọc về cuộc trao đổi!
Ðầu tư đặc biệt cho Trần Mai Ngọc
Ông Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Bóng bàn Tổng cục TDTT cho biết: “Mai Ngọc đã mạnh dạn với lối đánh thiên về tấn công để giành chiến thắng. Ở Việt Nam, nếu rụt rè thì không thể vượt qua những tay vợt kỳ cựu như Tường Giang hay Mỹ Trang. Ưu điểm lớn nhất của Mai Ngọc chính là “mỏng” người, bộ chân rất thanh thoát giúp em di chuyển nhanh nhẹn như các tay vợt Trung Quốc. Ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản đã thống nhất sẽ đầu tư trọng điểm cho Mai Ngọc, với những giải pháp đặc biệt về thầy ngoại, tập huấn thi đấu cọ xát quốc tế, chuẩn bị cho SEA Games 31 trên sân nhà”.