Jujitsu còn được gọi là nhu thuật, có nguồn gốc từ Nhật Bản nhưng lại rất phát triển và được yêu thích ở Brazil. Dù mới du nhập vào Việt Nam được khoảng 10 năm, nhưng jujitsu đã có sự phát triển nhanh chóng cả ở mảng thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Tại SEA Games 30 năm 2019, jujitsu Việt Nam giành 2 HCB, 6 HCĐ, còn ở ASIAD 2018 được 1 HCB. Và trong lần thứ 2, dự Giải vô địch thế giới, kể từ năm 2015 chỉ vỏn vẹn được 1 HCĐ, jujitsu Việt Nam đã cho thấy bước tiến lớn, để khẳng định vị thế của mình.
Dù không được thi đấu một giải quốc tế nào trong hai năm qua, các võ sĩ của đội tuyển jujitsu Việt Nam vẫn để lại ấn tượng khi giành 2 HCV, 3 HCB và 2 HCĐ, xếp hạng chung cuộc 17/40 đoàn tham dự Giải vô địch thế giới. Trong đó, thành tích của Đặng Thị Huyền và Phùng Thị Huệ là dấu ấn rất quan trọng, làm nên kỳ tích cho jujitsu Việt Nam.
Trong lần đầu tiên tham dự giải đấu mang tầm cỡ thế giới, Đặng Thị Huyền đã giành được tấm HCV danh giá cho đoàn Việt Nam ngay trong ngày thi đấu đầu tiên ở nội dung Fighting thuộc hạng cân dưới 48 kg lứa tuổi U21. Việc giành được tấm HCV danh giá đã giúp nữ võ sĩ sinh năm 2001 có tâm lý thi đấu tốt và sau bốn ngày thi đấu, Huyền xuất sắc mang về thêm ba tấm huy chương: 1 HCB ở nội dung Show Mixed (biểu diễn có kịch bản) đôi nam nữ U21 và 1 HCĐ ở nội dung Duo Mixed (biểu diễn đối chiến) đôi nam nữ U21 và 1 HCB ở nội dung Newaza. Như vậy, riêng Đặng Thị Huyền đã sở hữu tới tận bốn huy chương ở các hạng mục khác nhau.
Thừa thắng xông lên, đến ngày thi đấu cuối cùng, Phùng Thị Huệ đã mang về tấm HCV lịch sử ở nội dung Newaza hạng 45 kg. Trước những đối thủ sừng sỏ nhất, có người từng vô địch châu Á, có người vô địch thế giới, Phùng Thị Huệ chịu áp lực rất lớn khi mà cô chỉ mới tiếp xúc với jujitsu từ năm 2020. Thế nhưng, trong một ngày thi đấu thăng hoa, Huệ thắng ba trận liên tiếp đều bằng các đòn khóa siết tuyệt đối, kết thúc giải đấu bằng tấm HCV xuất sắc, kết lại một hành trình thành công cùng các đồng đội.
Giữa tình hình dịch Covid-19 phức tạp, hành trình tham dự giải của đội tuyển jujitsu Việt Nam rất vất vả, nhưng các tuyển thủ đều vững tin thi đấu. Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực vượt khó của các VĐV. Với những bước tiến lớn này, jujitsu Việt Nam đang rất tự tin hướng tới đấu trường SEA Games 31 và ASIAD năm 2022.
Ông Trần Văn Thạch, Trưởng bộ môn jujitsu, Tổng cục Thể dục thể thao cho biết: “Jujitsu Việt Nam đã có sự chuẩn bị và ấp ủ rất lâu và qua Giải vô địch thế giới, chúng tôi sẽ đánh giá lại trình độ chuyên môn của những VĐV nòng cốt cho đội tuyển và kết quả đạt được vừa qua của đội tuyển phần nào cũng phản ánh đúng trình độ của các VĐV Việt Nam”.
Bên cạnh đó, cộng đồng jujitsu trong nước đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - hai địa phương hàng đầu trong phát triển jujitsu tại Việt Nam, phong trào tập luyện môn này đã phát triển ở gần 20 tỉnh, thành trên cả nước với hàng nghìn lượt người tập luyện phong trào, hàng trăm lượt VĐV thi đấu đỉnh cao.
Năm 2019 ghi nhận bước tiến mới của môn jujitsu khi Giải vô địch quốc gia lần đầu tiên ra đời, thuộc hệ thống thi đấu quốc gia. Đấy là điều kiện quan trọng để làm cơ sở phát triển môn thể thao này tại Việt Nam. Sau đó, Giải vô địch Cúp các CLB jujitsu Việt Nam ra đời, tạo thêm sân chơi phong phú và tạo thêm động lực cho các VĐV theo đuổi đam mê. Các thế hệ võ sinh trẻ về sau ngày càng chứng minh được năng lực của mình. Sự cọ xát đến từ những giải đấu là nền tảng vững chắc làm bệ phóng cất cánh cho các võ sĩ nước nhà. Vì thế, chúng ta có thể hy vọng về một “thế hệ vàng” của bộ môn này sẽ có ngày sải cánh vươn ra biển lớn.