Vạn sự khởi đầu nan
Thay vì đầu tư những khoản kinh phí khổng lồ để tổ chức những đêm liveshow hoành tráng trên những sân khấu lớn, gần đây nhiều giọng ca từ mới nổi đến thành danh đã lựa chọn một phương thức gọn nhẹ hơn, ít tốn kém hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, thậm chí còn tạo hiệu quả tương tác rất tích cực với số đông khán giả. Xu hướng làm liveshow trực tuyến đang dần khiến công chúng thay đổi cả sở thích lẫn thói quen thưởng thức âm nhạc của chính mình. Giờ đây, khán giả khỏi cần mất tiền bạc và thời gian mua vé, khỏi cần diện đồ đẹp, vượt đường sá xa xôi để đến với từng đêm diễn. Những sản phẩm âm nhạc giá trị sẽ tìm đến với từng “thượng đế”, chỉ với một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, đơn giản đến không ngờ!
Thật ra, tổ chức một liveshow theo hình thức livestream (truyền hình trực tuyến thông qua mạng internet) là hình thức đã được ngành công nghiệp giải trí thế giới áp dụng từ ít năm về trước. Ngay tại Việt Nam, người hâm mộ đã từng có cơ hội thưởng thức đĩa đơn Âm thầm bên em của ca sĩ Sơn Tùng M-TP (năm 2015) hay liveshow Trần Lập - Đôi bàn tay thắp lửa được livestream trên kênh Youtube từ năm 2016. Đầu năm 2016, diva Mỹ Linh đã từng gửi tặng khán giả liveshow Hợp âm gió, với bốn ca khúc nổi tiếng Biển khát - Lời biển hát - Trưa vắng- Lắng nghe mùa xuân về được hòa âm phối khí lại nhằm phù hợp với cách hát acoustic và tuần tự phát hành trên mạng vào mỗi thứ năm hằng tuần.
Nhưng phải đến tháng 7-2016, Đinh Mạnh Ninh mới trở thành cái tên thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận, khi là ca sĩ đầu tiên được nhà sản xuất âm nhạc tên tuổi Mỹ Thanh chọn tổ chức liveshow mang tên Đinh Mạnh Ninh live, được livestream thông qua Truyền hình cáp FPT và kênh truyền hình FPT Play. Không chỉ hướng tới phục vụ đông đảo thuê bao của FPT, Mỹ Thanh còn thu được lợi nhuận từ việc nghe - xem - tải nhạc có bản quyền, thông qua kênh FPT. Nhưng có vẻ bước thử nghiệm này không mấy thành công, nên dự định kết hợp với nhiều ca sĩ, sau Đinh Mạnh Ninh của NSX Mỹ Thanh vẫn tạm dừng, chưa khởi động lại từ đấy.
Bẵng đi một thời gian ngắn, giọng ca Hà Anh Tuấn đã hâm nóng cụm từ “liveshow trực tuyến” bằng một dự án dài hơi, giờ đã bước sang mùa thứ ba mang tên See.Sing.Share. Chọn cover những bản hit của nhiều tên tuổi V - Pop, Hà Anh Tuấn khoác tấm áo mới cho ca khúc bằng những bản phối mang mầu sắc acoustic giản dị, mộc mạc nhưng giàu cảm xúc. Không chỉ ghi hình trong phòng thu, bối cảnh được mở rộng tại nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước giúp sản phẩm đạt chất lượng cao ở cả phần nghe lẫn phần nhìn.
Cuối năm 2018, ca sĩ Đông Nhi đã kỷ niệm 10 năm ca hát bằng một liveshow hoành tráng mang tên Ten On Ten. Đầu tư tới bốn tháng cho phần hậu kỳ, liveshow kéo dài tới ba giờ này đã được Đông Nhi phát hành miễn phí trên kênh Youtube cá nhân và Fanpage, như một món quà tri ân người hâm mộ. Sự kiện này đã thu được hiệu ứng tích cực, khi cộng đồng fanclub trên toàn quốc đã tổ chức gặp mặt offline tại nhiều tỉnh thành để thưởng thức trực tiếp và ủng hộ thần tượng.
Ca sĩ Lam Trường vừa khởi động mùa hai dự án “Lam Trường 9PM Live”.
Thước đo hiệu ứng khán giả chính xác
Trong bối cảnh thị trường nhạc Việt đang bão hòa, làm liveshow online được đánh giá là lựa chọn thông minh, là xu thế tất yếu mang lại độ an toàn và hiệu quả quảng bá tên tuổi khá cao. Đầu tư cho một sản phẩm trực tuyến không quá tốn kém như phát hành album truyền thống, hiệu ứng lan tỏa rộng khắp, sự tương tác liên tục với khán giả sẽ giúp nghệ sĩ đo được sức nóng của sản phẩm bằng con số cụ thể lượt xem - lượt thích - lượt bình luận. Nhờ đó, họ có đủ tự tin “thừa thắng xông lên” tổ chức những liveshow trên sân khấu thực.
Tối 31-5-2019, giọng ca Lam Trường tái ngộ người hâm mộ bằng Nụ hồng hờ hững, ca khúc đã từng làm nên tên tuổi của chính anh với bản phối mới trẻ trung và lôi cuốn, với phần hình ảnh và âm thanh được đầu tư kỹ lưỡng. Nụ hồng hờ hững cũng đánh dấu sự trở lại của dự án Lam Trường 9PM Live mùa thứ hai, sau mùa một từng gặt hái thành công vào đúng thời điểm này năm ngoái. Vào chín giờ tối thứ sáu mỗi tuần, 9PM đều đặn là cuộc hẹn hò với khán giả của giọng ca đình đám từng sở hữu nhiều sản phẩm lọt top Làn sóng xanh hơn hai thập kỷ trước. Không chỉ đưa công chúng lứa tuổi 7X, 8X về với khung trời kỷ niệm ngày xưa, anh còn dành nhiều thời gian trước và sau phần trình diễn để tâm sự, sẻ chia những thăng trầm, buồn vui đã đi qua của người ca sĩ và từ đó mở rộng cơ hội chinh phục lớp khán giả trẻ hôm nay, vốn xa lạ với cái tên Lam Trường nhưng đều là những tín đồ của công nghệ số.
Là giọng ca nổi lên từ thời hoàng kim của V- Pop, Lam Trường giờ đây không còn là cái tên được giới trẻ săn lùng. Vì thế, nỗ lực mở rộng biên độ khán giả, bằng 9PM của anh là hướng đi đặc biệt khôn ngoan, khi Tình yêu tôi hát đạt tới 1,21 triệu lượt xem; Mưa phi trường - Chợt thấy em khóc thu hút tới 2,51 triệu views... Tuy còn khá khiêm tốn so với See. Sing. Share mùa 3 của “đàn em” Hà Anh Tuấn (khi Chỉ còn những mùa nhớ của chàng trai này đạt tới 13,3 triệu views; Qua cơn mê vừa phát hành đã đạt xấp xỉ 7 triệu lượt xem) nhưng với Lam Trường, 9PM đã giúp anh đong đếm được tình cảm khán giả, để mạnh dạn làm liveshow, sau khi triển khai dự án vài ba mùa liền. Anh chia sẻ, “tôi tin khán giả từ tình yêu với các clip trên mạng sẽ bỏ tiền mua vé, để sống lại cùng giọng ca của Trường trong đời thực”. Còn Hà Anh Tuấn đã kịp có liveshow Romance - Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái vào tháng 4-2018, sau hai mùa đo nhiệt độ thị trường bằng See.Sing.Share. Dư luận cho rằng, cơn sốt săn lùng tấm vé của chương trình có nguyên do chính từ sức nóng của dự án online mà anh kiên trì theo đuổi.
Đó cũng là câu trả lời cho thắc mắc của khá nhiều khán giả, “nghệ sĩ được gì, khi bỏ công sức bạc tiền làm liveshow rồi phát hành miễn phí?”. Người yêu nhạc được lợi, khi được tiếp cận với sản phẩm âm nhạc mới với chất lượng trau chuốt, được nghe ca sĩ mình yêu thích giao lưu trò chuyện, được tiếp cận ca khúc theo một phương thức mới mẻ, trong không gian riêng tư. Còn nghệ sĩ, ngoài sử dụng cầu nối mật thiết giúp tương tác trực tiếp đến từng đối tượng khán giả cụ thể và định vị tên tuổi trong trí nhớ đám đông, việc thu hút nhiều lượt xem - lượt yêu thích cùng lượng người theo dõi giúp họ có thêm nhiều hợp đồng quảng cáo (chèn vào cửa sổ pop - up giữa khoảng thời gian phát video) và nhận thu nhập giá trị gia tăng từ Youtube. Nói tóm lại là đôi bên cùng có lợi!
Đã từng có ý kiến lo lắng từ cách đây vài năm, rằng liveshow trực tuyến là một hướng đi mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng “không đi thì đâu thể thành đường”, dù còn nhiều khó khăn, nỗ lực hội nhập để bắt kịp bước đi vũ bão của ngành công nghiệp giải trí thế giới từ mỗi cá nhân nghệ sĩ vẫn cần được khuyến khích, động viên. Thời đại công nghệ số mà, không ai có thể đứng ngoài cuộc!