Chỉ với 27 bài thơ/chùm thơ, cõi “lưu ban trong trẻo” ấy gói ghém không khí, tư chất xứ Nghệ thật mặn mà, sâu sắc. Đó là mảnh đất “cho câu thơ quăng quật kiếp người”, mảnh đất của “những đứa trẻ đẻ rơi/ Co ro trên luống cày vừa xới” và cả thân phận “những người đàn bà góa/ Cô đơn thiêu đốt thịt da/ đổ lúa ra xay/ đổ trấu ra xay/ Xay cạn đêm...”. Tôi luôn tin rằng, những điều nhà thơ chắt lọc cũng là giá trị cốt lõi mà người xứ Nghệ cảm thấu một cách mặc nhiên, gần gụi như máu thịt, hơi thở. Thế nên, chắc hẳn họ sẽ có chung niềm gan ruột, rằng: “Nếu có kiếp sau/ Ta lại về Xứ Nghệ đầu thai.” (Xứ Nghệ). Dải đất miền trung nắng gió, thương khó đã ngấm vào cảm quan thi sĩ, tạo nên một điệu thơ da diết. Gặp ở “Mùa tuổi” của chị hương “sữa mẹ thơm phù sa/ thơm vị nhút, tương, cà/ thơm trí huệ câu dân ca ví giặm”, mùa tuổi trẻ “gió Lào cồn cột thổi mẩy căng bầu thanh tân”, mùa “hương bưởi ủ trắng trong tình đầu lớ ngớ”. Và rồi, câu thơ chốt lại, đủ bốn mùa đấy, như là mùa nhớ thương theo khói về trời, mùa khiến ta gai người, mủi lòng đến quặn thắt: “Từ ngày cha mẹ về trời/ Ta ngồi dệt áo mồ côi... bốn mùa”. Ai không cay mắt khi đọc những vần thơ ấy. Dầu biết, trăm năm một cõi, nhưng với cha mẹ, cố hương, đó mãi là cõi thiêng dồn nén, cõi thiêng bất biến. Đọc thơ chị, tôi nhớ tới những câu thơ của một nhà thơ khác cùng thời: “Ruột gan đau thắt, bùi ngùi/ Mẹ cha nuôi đất thơm mùi quê hương”. Niềm riêng của những người con vừa cho thấy nỗi xót đau tột cùng nhất nhưng ấy cũng chính là niềm xoa dịu, an ủi dìu dặt, nguôi ngoai nhất.
Nhà thơ Vân Anh viết nhiều về thân phận đàn bà, không chỉ ở “Tìm trầm” mà cả nhiều tập thơ trước đó. Lối diễn đạt mộc mạc nhưng trực diện về bản năng, lẽ sống đã khiến từng câu thơ của chị neo vào lòng người đọc, đôi khi còn mang tới cảm giác giật mình. Giật mình bởi những điều rất thật mà có lẽ vì thật quá, gần quá nên số đông lại ít nhận ra. “Đàn bà và chiến tranh” là tác phẩm như thế: “Tình yêu của Đàn Bà/ Bom đạn của chiến tranh/ cùng vào trận./ Hãy tặng Đàn Bà/ Bình yên!” (Đàn Bà và chiến tranh). Chỉ có nỗi đồng cảm, trải nghiệm một cách chân thực mà mãnh liệt, thiết tha mới bật ra những câu thơ vừa như muối mặn, vừa bay bổng, thăng hoa: “Những giọt đau.../ trước nghĩa trang không tự sát thương mình/ hóa giọt hồng cầu sự sống/ đỏ nhịp đập hồi sinh/ những cuộc đời/ tuổi mười tám, đôi mươi” (Giọt đau). Nhiều lần đến Thành Vinh, khi đã chia xa, tôi luôn mường tượng về các nữ nhân xứ này, họ đặc biệt trong dáng dấp, phương ngữ, mắt sắc mày cong, đa tình đa cảm. Gặp là có thể thương ngay được. Thương rồi thì suốt kiếp không quên. Ấy là tôi muốn nói đến một niềm thương mến lớn, không đơn thuần là tình cảm nam nữ. Tôi thương những người cô, người chị Thành Vinh của tôi, giờ vẫn không vơi cạn. Đọc thơ của tác giả Vân Anh, gặp lại đúng điều đó, gặp trong mắt một thiếu phụ đã bước qua “Mùa dậy thì phủ tròn bờ vai/ Xanh tình tự rưng rức hàng cây Ngư Hải”, trong “Một đêm mùa đông/ Nàng hái đời thiếu nữ Thái Bình/ Nhen lửa trấu vùi lứa đôi/ Trăng Bến Thủy chếnh choáng đáy li hợp cẩn”. Thân phận những người đàn bà trong thơ chị khiến người đọc liên tưởng tới những câu Kiều: “Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”; “Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”.
Không phải ngẫu nhiên những người phụ nữ làm thơ thường viết nhiều về tâm tư thầm kín, nỗi buồn nhân gian, rồi đến một ngày nào đó âm thầm gieo vào lòng bạn đọc những áng thơ dịu dàng, thấm thía. Có lẽ, với hầu hết các nữ sĩ, thơ ca trở thành niềm an ủi lớn, như bạn bầu, như tri âm. Dẫu nghệ thuật có muôn ngàn lối thì thơ ca cũng không thể rời xa thực tại. Thơ hay cũng là khi chúng ta thấy được thực tại ở đó, hay chúng ta nhìn vào thực tại để tìm ra vẻ đẹp. Đôi khi, nữ tác giả cũng xa xôi, mơ hồ với chính mình trong thơ, nhưng hầu hết và xuyên suốt, chị đều nhìn vào đời sống tâm hồn mình để nhận thấy những ý nghĩa thực sự. Vẫn là một nghệ thuật ẩn dụ lớn, nhà thơ dùng những hình ảnh tượng trưng cho sự luân chuyển của thời gian, thiên nhiên để nói về cuộc đời, nơi từng ngọn lửa được nhen lên để sưởi ấm vì cái đẹp và cái thiện. Tinh thần lặng lẽ nhưng quyết liệt “tự mình thanh lọc”, mở lòng để đón “cái mới đang nhú mầm” được thể hiện khá sinh động trong tập thơ “Tìm trầm”. Trước biển, người thơ chiêm nghiệm về quá trình “Trầm lắng hóa ngọc trai/ Nông nổi thành bọt bã!” (Độc thoại trước biển), còn ngay cả khi bung biêng, khó đoán định trước “Bóng âm” thì ta vẫn gặp một điệu sống giàu trí tuệ, năng lượng của “Cái mới đang nhú mầm/ Cái mới đang trổ lá vươn cành/ Cái mới đang dâng hương sắc”. Không chỉ dừng lại ở giọng điệu trữ tình “Tâm tư như cốc nước đầy/ Đừng thêm giọt nữa đắng cay sẽ tràn”. “Tìm trầm” cho thấy đam mê, nội lực của người sáng tạo nhưng chị cũng nghiêm cẩn trong ý thức về nghiệp chữ. Bởi vậy mới có những vần thơ đầy khẳng khái: “Đừng giơ bàn tay tự che mắt ta/ Khi cuộc đời tuổi mùa thu mấp mé/ Sự sáng tạo là đứa con khó đẻ”. Đi cho hết tâm tư mê say, thơ lại đưa người đọc lắng ngay vào trạng thái vô thường như cuộc đời vốn dĩ: “Chỏng chơ mình tự đầy vơi/ Chuốc suông cạn đáy phận người sắc không”.
Tình người, tình đời là một bản trường ca/tình ca bất tận trong thơ Vân Anh. Đó là sức sống, nguồn sống để người làm thơ vượt qua nhiều ranh giới mà chạm đến được vẻ đẹp đích thực. Chị viết về những người lính biên phòng mang quân hàm xanh “dệt đời mình bằng sóng biển bao la”, “dệt đời mình bằng những bước tuần tra”, “thức cùng lấp loáng sao trời/ thức cùng đêm với một lời lặng im” gợi cho tôi nhớ đến những câu thơ nổi tiếng của Y.Yevtushenko, thi sĩ nổi tiếng của nước Nga thời Liên bang Xô-Viết: “Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ/ Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình/ Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy/ Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh!”.
Trong cuộc đời, mỗi con người đều mong muốn tạo nên một giá trị, dù bé nhỏ nhưng mang dấu ấn riêng, ý nghĩa riêng. Vì điều giản dị ấy mà con người đã không ngừng nỗ lực, cố gắng chắt chiu, gây dựng nên một chân lý của riêng mình. Tôi đã gặp tinh thần như thế trong tập thơ “Tìm trầm”. Sau rất nhiều những tập thơ lắng sâu, ở tác phẩm này chúng ta thấy rõ tư tưởng, cảm xúc đọng lại phía sau những thăng trầm biến chuyển của cuộc đời, phận người. Khoảng lặng bồi hồi, bâng khuâng, giúp người đọc mở rộng thêm cảm nhận, hình dung và tưởng tượng. Lấp lánh hơn cả, “Tìm trầm” chứa đựng vẻ đẹp của sự lặng lẽ. Lặng lẽ quan sát, lặng lẽ sẻ chia, lặng lẽ hiến dâng và lặng lẽ bao dung. Với người, với thơ, đó luôn là một tinh thần, một phẩm chất đáng trọng.