Chuyện lộ trình của bơi lội Việt Nam

|

Sau khi Olympic Paris 2024 kết thúc, việc ra về trắng tay của đoàn Việt Nam, trong đó có môn bơi lội vẫn là chủ đề nóng trong làng thể thao nước nhà. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về lộ trình đầy thách thức của bơi lội Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là khi thể thao quốc tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Trước thềm Olympic 2024, VĐV Nguyễn Huy Hoàng được đặt kỳ vọng sẽ tạo nên bất ngờ, nhưng vì xác định khó cạnh tranh huy chương, mục tiêu của anh tại Paris chỉ là vào chung kết. Nhưng ở cả hai nội dung tham dự, kình ngư người Quảng Bình đều có thành tích đáng thất vọng. Ở nội dung 800m tự do nam vòng loại, Huy Hoàng về đích với thông số 8 phút 08 giây 39 kém xa so với thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của anh (7 phút 49 giây 67 giây), kém gần 20 giây so với người về đích đầu tiên. Cũng kém hơn thành tích khi kình ngư sinh năm 2000 này giành HCĐ ASIAD 19 (7 phút 51 giây 44) và ở Olympic Tokyo 2020 (7 phút 54 giây 16).

Bước vào nội dung 1.500m tự do nam với quyết tâm “phục thù”, nhưng Huy Hoàng chỉ đạt thành tích 15 phút 18 giây 63, kém rất xa thông số tốt nhất của anh là 14 phút 58 giây 14. Ngay cả khi so với thành tích 15 phút 00 giây 24 ở Olympic Tokyo, kình ngư người Quảng Bình cũng kém tới gần 18 giây.

Còn ở nội dung 200m hỗn hợp nữ, Võ Thị Mỹ Tiên sớm chia tay Thế vận hội 2024. Kình ngư quê Long An đến Paris bằng suất đặc cách nên với sân chơi quá lớn như Olympic chỉ là cơ hội để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm.

Võ Thị Mỹ Tiên tham dự Olympic 2024 với mục tiêu cọ xát tích lũy kinh nghiệm.

Bơi lội là môn trọng điểm của Olympic, chính vì vậy để giành được huy chương môn này là rất khó. Thế nhưng, thất bại của Huy Hoàng sẽ không có gì đáng nói nếu như anh không thua chính mình một cách khó hiểu như vậy. Có thể thấy đến nay, các chỉ số thành tích của Huy Hoàng đang “tụt dốc không phanh”. Sau thất bại tại Olympic 2024, bơi lội Việt Nam cần có một định hướng rõ ràng để tái cấu trúc và phát triển mạnh mẽ hơn. Đầu tiên, là việc phân tích nguyên nhân thất bại của các VĐV, để hiểu rõ hơn về những vấn đề trong huấn luyện và thi đấu.

Nhìn lại hành trình phát triển của bơi lội Việt Nam, chúng ta đã từng có tham vọng rất lớn khi đầu tư cho Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn dài hạn ở Mỹ. Tuy nhiên, Ánh Viên sau đó không vượt lên được thành tích châu Á và xa hơn nữa. Đã có nhiều phân tích lý giải, đó là việc “tập chay” nơi xứ người, cô không thường xuyên tham gia các giải thi đấu đỉnh cao, không có đối tượng cọ xát hằng ngày để đua tranh nâng cao thành tích... “Phương pháp nuôi gà nòi như từng sử dụng với Ánh Viên không còn phù hợp, vì việc làm này phụ thuộc quá lớn vào phong độ của gà nòi ở các kỳ đại hội thể thao, không tạo ra môi trường cạnh tranh để cải thiện thông số thành tích”, chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích.

Hiện nay chúng ta đang sở hữu lứa VĐV tài năng như Quang Thuấn, Võ Thị Mỹ Tiên, Nguyễn Thúy Hiền, Phạm Thị Vân, Mai Trần Tuấn Anh, Lê Huỳnh Tú Uyên, Nguyễn Ngọc Tuyết Hân... Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, tiềm năng của lứa VĐV này là rất lớn song sẽ chỉ đủ hướng tới đấu trường SEA Games. Còn với đấu trường như ASIAD hay Olympic thì vẫn còn một khoảng cách khá xa, cần sự đột phá trong cách đầu tư. Phát hiện tài năng là chuyện không khó, nhưng để phát triển và khơi dậy đỉnh điểm của tài năng là cả một sự kỳ công.

Những năm gần đây, mặc dù có nỗ lực đầu tư trọng điểm cho một số môn thể thao như bơi lội, điền kinh, nhưng tổng ngân sách dành cho thể thao Việt Nam chỉ đạt khoảng 750 tỷ đồng/năm, thấp hơn nhiều so với Thái Lan, quốc gia có mức đầu tư lên tới 2.500 tỷ đồng.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là xây dựng một lộ trình đào tạo dài hạn cho các VĐV trẻ. Việc phát hiện sớm các tài năng và đưa họ vào những chương trình huấn luyện chuyên nghiệp từ nhỏ sẽ giúp Việt Nam có thêm lực lượng kế cận cho các đấu trường lớn. Để cạnh tranh với các cường quốc bơi lội trong khu vực và thế giới, Việt Nam cần sự kết hợp giữa ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để có thể đưa ra những đường hướng đầu tư đúng đắn, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ VĐV trẻ cho tương lai.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các quốc gia có nền bơi lội phát triển để đưa VĐV đi tập huấn, thi đấu và học hỏi kinh nghiệm là hướng đi cần thiết. Việc tạo ra môi trường luyện tập, trang bị cơ sở vật chất hiện đại và tuyển chọn huấn luyện viên dày dạn kinh nghiệm hay chuyên gia ngoại cũng đóng vai trò không nhỏ vào sự phát triển của các VĐV. Và quan trọng nữa là chú trọng cải thiện tâm lý thi đấu, đối phó với áp lực và tăng cường tinh thần thi đấu để VĐV sẵn sàng cho các cuộc cạnh tranh khốc liệt trên trường quốc tế.