Trên nóc của ngôi nhà ấy luôn có bầu trời tròn như cái mái vòm, phủ kín cả thung lũng. Phía đầu hồi ngôi nhà có một cây sồi to, to lắm. Cái thời mới có chiếc ti-vi đầu tiên, anh tôi phải leo lên đấy để buộc chiếc ăng-ten vào. Chật vật mấy ngày liền cuối cùng chiếc ti-vi cũng có tiếng nhưng không thấy hình. Và đôi khi ngược lại, có hình lờ mờ nhưng tiếng thì tịt ngóm. Cái cây ấy rồi có một đêm gục xuống vì bị sét đánh. Gẫy đôi, cháy đen. Cái ăng-ten cũng hết đường cứu chữa.
Ở rừng chuyện gì khó tưởng tượng nhất cũng có thể xảy ra.
Như là anh em tôi từ lúc sinh ra, lớn lên, chưa từng nghĩ mình sẽ rời xa vĩnh viễn ngôi nhà. Chúng tôi đều luôn tâm niệm, mình tất nhiên sẽ phải đi xa, nhưng rồi nhất định mình sẽ quay về. Tất cả lũ chúng tôi ấy, đều nghĩ mình sẽ quay về, và quây quần bên bố mẹ cho đến tận lúc già, lúc... sang thế giới bên kia. Nhưng, cuối cùng thì bọn tôi lại lần lượt bỏ lại ngôi nhà với mái ngói ghi xám lốm đốm những bụi rêu bám, đi xa. Xa hơn mọi ngọn núi mà cha mẹ tôi có thể nhìn thấy.
Người đầu tiên là anh cả tôi. Anh ấy phải lên bến xe của thị xã cách nhà 10 km từ lúc 3 giờ sáng, cái xe sẽ chạy qua nhà để về Hà Nội. Từ lúc anh đi là mẹ đã thức dậy và ra đứng ở lề đường, chờ cái xe khách chạy qua với hy vọng sẽ nhìn thấy cậu con trai mười bảy tuổi của bà vẫy tay sau ô cửa. Nhưng hôm đó xe đông quá, anh tôi bị chèn chặt vào giữa như một con cá trong thùng ướp lạnh, không cách nào nhoài ra để chào mẹ. Mẹ tôi, có lẽ, đứng đó trong ánh sáng mờ mờ của ngày mới đang đến và nước mắt chảy đẫm trên mặt. Rồi anh thứ rời đi, rồi tôi rời đi. Chúng tôi đều để mẹ ở lại sau lưng với gương mặt gầy guộc ướt đẫm nước mắt.
Chúng tôi đi và lâu lâu quay về.
Tôi hay về bất thình lình. Tôi thích hình dung thấy gương mặt kinh ngạc sững sờ vỡ oà của mẹ khi nhìn thấy tôi lù lù bước đi trên con ngõ nhỏ dài hun hút. Nhưng chưa một lần nào mẹ có điệu bộ ấy. Mẹ luôn biết là tôi sắp về. Mẹ luôn cảm thấy là tôi sắp về từ đêm hôm trước. Thật là kỳ lạ cho linh cảm của một bà mẹ. Thế nên dù tôi có thình lình xuất hiện và rón rén gọi “Mẹ!”, thì mẹ tôi cũng chỉ ngẩng đầu lên trong khi đang chăm chú gì đó và mỉm cười: “Th. về đấy à con?”. Cũng có lần tôi vừa nhảy xuống xe khách, đang xốc lại ba-lô thì đã thấy mẹ đứng ở ngay đầu ngõ, đang buôn chuyện với bà hàng xóm. Bà hàng xóm to béo phốp pháp nhìn thấy tôi thì bảo: “Mẹ mày đứng chờ cả tiếng đồng hồ rồi đấy”. Lần nào tôi cũng hỏi mẹ, tại sao mẹ biết tôi sắp về. Mẹ chỉ bảo mẹ cảm thấy thế.
Nếu tôi về vào cuối năm như thế này, chúng tôi sẽ cùng mẹ sửa soạn một cái tết. Tết khi nào cũng rất to, rất thịnh soạn, rất tươm tất so với cuộc sống nghèo khó mà chúng tôi có.
Tôi nhớ khu vườn của tôi, nó hơi thoai thoải chạy từ trong khe núi ra. Cứ một đoạn bố tôi lại giật cấp một lần nên khu vườn không bằng phẳng mà chỗ cao chỗ thấp giống như bậc thang, chỉ có điều chúng tôi không cấy lúa mà trồng cây ăn quả. Ở quê tôi hồi ấy, lũ bạn hay xin bố mẹ một khoảnh vườn hay mảnh ruộng để làm “vốn riêng”. Tức là chúng tự gieo trồng, cuối năm tự thu hoạch, tự bán lấy tiền sắm sửa quần áo giày dép sách vở. Muốn mua gì thì mua, tự xoay sở trong khoản tiền ấy. Tôi cũng thích có vốn riêng kiểu ấy, nhưng hễ tôi ngỏ lời thì bố tôi luôn nói: “Cả khu vườn này bố cho con tất. Con muốn làm gì thì làm. Bố mẹ cũng là của các con thì vườn cây có là gì”. Bố nói và cười với nụ cười trắng xóa.
Tôi nhớ cây ổi ở góc vườn, trên sườn núi. Một cây ổi mỡ, quả to và vàng óng, thơm lựng. Trên cây ổi ấy có một tổ chim chào mào. Chim bố chim mẹ tha cành về làm tổ và một ngày trong đó có đến bốn quả trứng. Tôi đợi chúng nở rồi bắt trộm một con mang về. Tôi cậy mồm con chim và nhét cơm với miếng cá rán nhỏ xíu vào, cho thêm nó giọt nước. Tất nhiên con chim không ăn, và đôi chim bố mẹ thì đập cánh điên loạn tìm con. Anh tôi cáu, mang con chim leo lên cây ổi trả nó về nhà. Rồi cũng có ngày cả nhà chim bay đi. Tôi leo lên cây ổi ngó vào cái tổ còn dính đầy phân chim non, và ngồi lặng đi. Sau này thì tôi nhận ra mình là một đứa bé biết buồn từ rất sớm. Thỉnh thoảng tôi nghĩ, giờ mình đang sống thế này với bố mẹ, mà rồi có một ngày mình sẽ ngủ mãi mãi không tỉnh dậy nữa, từ bỏ hết mọi thứ. Thế thì buồn quá đi mất. Nước mắt tự dưng chảy ra và tôi bỏ bữa cơm tối. Cả nhà luôn không hiểu nổi rất nhiều hành vi của tôi. Tôi lẩn thẩn và hay nghĩ ngợi, tôi có một thế giới riêng bí mật và đầy những âu lo, tôi cũng mơ mộng hết sức viển vông và xa rời thực tế. Tôi, đứa bé ấy, đã cô đơn biết bao nhiêu.
Và tôi nhớ những đêm trời trong. Mang chiếu ra giữa sân trải, nằm ngửa nhìn lên bầu trời đầy sao. Thỉnh thoảng tôi thấy một ngôi sao di chuyển. Nó bé tí, sáng lấp lánh và dịch chuyển trên nền trời tối thẫm. Bố tôi luôn nói “Vệ tinh nhân tạo đấy”. Tôi thậm chí không biết vệ tinh nhân tạo là cái thứ gì, nhưng chúng, những ngôi sao gọi là “vệ tinh nhân tạo” ấy đã chở đi của tôi bao nhiêu ước mơ. Trong lúc tôi đang mê mải với những ước mơ xa vời - chúng dài dằng dặc đến nỗi suốt những năm tháng sau này tôi mê mải đắm đuối trong vô số những cuốn sách về vật lý thiên văn, khoa học vũ trụ, về hệ mặt trời và hố đen, về các dải thiên hà... - thì mẹ tôi đang ngồi trong bếp và vừa tẽ ngô vừa đun một nồi cám lợn rất to. Đàn lợn đang khụt khịt vừa ngủ vừa đập muỗi trong chuồng. Chẳng mấy ngày nữa chúng sẽ bị treo ngược dưới cái cân tạ và mang đến khoản tiền to nhất để mẹ tôi dành cho dịp Tết. Số tiền bán được sẽ chia thành mấy khoản: Để dành mua lợn giống, để tiêu Tết, để lũ con giắt lưng ra đi sau khi hết kỳ nghỉ. Không may có năm đàn lợn lăn đùng ra ốm, chết, vừa bán vừa cho cũng không thu hồi đủ vốn thì cả nhà mất Tết.
Giờ thì tôi đã đi xa quá rồi. Thời gian mới chính là quãng đường dài nhất mà người ta mỗi lúc ngoái lại càng thấy điểm xuất phát của mình xa vời vợi. Nó xa đến mức không một ai có thể quay về. Nó xa vô tận và thỉnh thoảng có những chỗ đứt quãng mà cho dù có dùng cách nào cũng không thể nối lại được.
Và, càng xa càng muốn quay về.
Khi tôi mỏi mệt nhất, tôi muốn quay về. Tôi muốn nhìn thấy bếp lửa bập bùng ấm áp của mẹ trong những đêm tối trời. Mùi thơm thơm của nồi cám bị cháy khiến tôi từng nghĩ rằng lũ lợn thật là sung sướng vì được ăn ngon đến thế. Thậm chí tôi từng hỏi mẹ là tôi có thể ăn thử một miếng cháy vàng vàng dưới đáy nồi cám không. Anh tôi không nhịn được cười ré lên và bảo, nếu em ăn một miếng thì ngày mai em sẽ không nói được tiếng người nữa đâu. Nỗi sợ hãi không thể nói được tiếng người nữa đã khiến tôi ngồi nghệt ra.
Tôi đã có một ngôi nhà thật ấm áp và kín gió để lớn lên và luôn nhung nhớ.
Tôi cũng có cả một bầu trời đầy sao để có thể mộng mơ đến tận lúc đã bạc đầu...