Dạo qua những làng chài

|

Dọc đường biển miền trung có nhiều làng chài nổi tiếng trên bản đồ. Có những điểm đến được ghi tên trên các cuốn sách du lịch thế giới, được xếp hạng nhất nhì. Nhưng cũng có những địa danh khiêm nhường hơn, không quá ồn ào, nhưng lại là nơi để người ta trải nghiệm cuộc sống ven biển, đơn giản nhất nhưng cũng trọn vẹn nhất.

Bữa sáng Ðông Hòa

Đông Hòa cách trung tâm Tuy Hòa (Phú Yên) chừng 15 cây số, từ đây ra Quốc lộ 29, ngược về phía nam chừng hơn chục cây số là tới Hải đăng Mũi Điện-Đại Lãnh, nơi vẫn được xem là điểm đón bình minh đầu tiên của Việt Nam trên đất liền.

Con đường dọc biển từ Đông Hòa ra Mũi Điện cũng được ghi trên bản đồ là cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Những người có kinh nghiệm xuyên Việt vẫn thường đánh giá đây là đoạn đường “đáng để đi nhất”, theo chiều từ nam ra bắc. Bởi “đi từ bắc vào nam, biển ở bên tay trái, cảm giác chỉ 6 điểm. Theo chiều ngược lại, biển ở bên tay phải, xứng đáng điểm 10”.

Cũng bởi nằm trên quãng đường sở hữu nhiều điểm nổi tiếng như vậy, nên một làng chài phải đi sâu vào, lại nằm góc khuất sẽ dễ bị lướt qua. Đa phần du khách sẽ chọn ghé qua Đông Hoà dăm ba tiếng, sau khi chơi trên cung đường ra Đại Lãnh, rồi về lại Tuy Hòa nghỉ ngơi.

Nếu so với những bãi cát trắng mịn trên cung đường này, bãi Đông Hòa chủ yếu là cát vàng, dốc, không hẳn là một điểm lý tưởng để tắm biển hay chụp ảnh check in. Nhưng cũng vì thế mà nơi đây vẫn gìn giữ được sự đơn giản, mộc mạc của một làng chài địa phương nhiều đặc trưng, không bị du lịch hóa quá mức. Không có nhiều sự diêm dúa của các điểm check in, không xuất hiện các resort, khách sạn lớn mà chỉ có các homestay phong cách bản địa, nhưng những thứ mà một du khách cần, Đông Hòa đều có.

Một vài quán cà-phê với những dãy đường hoa nho nhỏ nhìn ra sát biển, mà như người dân ở đây giới thiệu nói, ngồi đó ngắm bình minh chẳng nơi nào đẹp hơn. Một đường ven biển ngắm cảnh, với những dãy muống biển trên các triền cát mơ mộng. Một vài hàng hải sản nhỏ, đồ ăn phụ thuộc vào mỗi chuyến tàu cá sớm, phong cách chế biến cũng chỉ có vài kiểu, nhưng bảo đảm độ tươi ngon nhất.

Chợ cá nhỏ ngay sát biển, con mực 7 lạng được làm sạch rồi bỏ túi đưa cho tôi. Sở dĩ tôi mua con mực này, chỉ vì lời mời hấp dẫn, về nhà chị nướng mực ngay tại chỗ. Con mực đã sẵn sàng, tôi mang ra bờ biển, nhâm nhi với một ly trà, vậy là xong một bữa sáng tươi ngon chưa từng thấy.

Cái bữa sáng ở Đông Hòa (Phú Yên) làm tôi nhớ bữa sáng ở làng chài nhỏ Cù Lao Xanh (Nhơn Châu, Quy Nhơn, Bình Định), những năm còn chưa có đoàn khách du lịch nào. Phải đi tàu gỗ 6-7 tiếng mới từ thành phố Quy Nhơn ra tới đảo, lâu gấp mấy ca-nô chở khách bây giờ. Có điều, sau nhiều năm, chị bán bánh xèo vẫn ngồi ở chợ Nhơn Châu, cần mẫn với những chiếc bánh chỉ vài nghìn đồng. Muốn phong phú hơn, chỉ cần ới ra mấy thuyền câu gần đó, chị sẽ đổ thêm bánh xèo cá cơm hoặc vài chiếc bánh xèo mực. Ăn no căng bụng cho bữa sáng, đứng lên thanh toán cả tiền bánh lẫn cá, mực đâu như hơn ba chục nghìn đồng cho tận mấy người. Mà cũng chỉ có ở mấy làng chài, bữa sáng mới thịnh soạn với hải sản tươi rói như thế.

Sắc màu Cổ Thạch

Bãi sỏi bảy màu ở Cổ Thạch (Tuy Phong, Bình Thuận)

Một làng chài khác, dù đã có mặt trên các bản đồ du lịch từ lâu, nhưng cũng chưa từng được xếp vào điểm “hot”. Đấy là Cổ Thạch (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận), nằm giữa Ninh Thuận và Nha Trang. Người ta hoặc chọn Vĩnh Hy, hoặc chạy rốn một tí là tới Nha Trang sôi động. Còn Cổ Thạch ngoài mùa rêu tháng 3, thì đa phần là yên ả và ít chỗ đột phá để số đông phải trầm trồ.

Cổ Thạch nổi tiếng với bãi sỏi độc đáo bảy màu, hình dạng được giữ cố định như vậy, không bị sóng dịch chuyển nhiều. Cách bãi sỏi vài cây số là bãi rêu, mỗi mùa tháng 3 sẽ ánh lên mầu xanh đặc trưng với những hòn đá kỳ dị. Nhưng vì chỉ có mùa, nên Cổ Thạch không phải là điểm đến quanh năm. Cũng vì vậy mà không khí du lịch ở đây cũng không quá sôi động, chỉ có một vài homestay sát biển, một khu chợ đêm chỉ mở cuối tuần.

Đôi khi một vài bức ảnh về bãi đá bảy mầu ở đây được viral, nhưng cũng chỉ dăm ba bữa. Ít ai nghĩ ở giữa bãi sỏi có gì thú vị. Có điều, nó thú vị thật. Nhờ bãi sỏi như một bờ kè tự nhiên này mà người ta có thể làm nhà gần như sát bãi biển, không cần những bờ kè chắn sóng bê-tông. Hiếm có làng chài nào mà những căn nhà gần với biển như vậy. Sáng sớm mở cửa là bước chân ra biển, ngắm nhìn mặt trời lên, trẻ con nghịch cát cũng được mà chơi sỏi cũng được. Chạy ra mấy chiếc thuyền mới đi câu về, nhặt vội cũng được vài món đồ tươi, vậy là đủ cho bữa ăn một ngày. Tầm tối, lại thấy mấy nhà hàng xóm kê ghế ra bãi sỏi ngắm sao, nghe sóng đánh, đâu đó tiếng hát karaoke, tiếng í ới rủ nhau đi nhậu. Bà chủ nhà bảo muốn ăn gì phải báo sớm, vì ở đây đồ ăn theo ngày, phụ thuộc tàu lên bán gì nên từ 4-5h sáng, bà đã vén mành kéo, đem theo cái thúng ra chợ cách nhà vài bước chân.

Cổ Thạch có di tích chùa Hàng hơn 100 tuổi, mà ở đó, những điện thờ được xây dựa hẳn vào núi. Cứ mỗi bước chân qua vách núi, lại có thể bắt gặp một điện thờ ẩn giấu, giống như một hành trình vừa tâm linh vừa khám phá. Lên tới mỏm đá cao nhất chùa Hàng, có thể nhìn thấy toàn cảnh bãi biển Cổ Thạch. Vào mùa tháng 3, Cổ Thạch mang cái dáng vẻ đầy ma mị, giữa mầu xanh của rêu, lấp ló ánh nắng từ mặt biển, xa xa là ánh sáng lấp lánh của những hòn sỏi.

Bãi đá Tam Hải

Nhờ rapper Đen Vâu quay MV Mang tiền về cho mẹ ở xã đảo Tam Hải, nhiều người mới biết tới vùng đất này. Dù xã thuộc huyện Núi Thành (Quảng Nam), cách trung tâm Tam Kỳ 30 km, cách làng bích họa Tam Thanh 12 km. Ba mặt giáp biển, một mặt giáp sông Trường Giang, gọi xã đảo cũng đúng mà gọi bãi ngang cũng chẳng sai. Chẳng mấy ai ra tận Tam Hải ở lại qua đêm, vì chỉ cần ba phút đi phà là về tới bờ, chạy thêm một đoạn là tới Tam Thanh nổi tiếng với làng bích họa check in nhiều mầu sắc rồi. Nên Tam Hải cứ nằm biệt lập lặng lẽ ở đó, ai biết thì đến thôi.

Từ đất liền muốn qua Tam Hải phải đi phà. Bước lên phà, thứ khiến du khách ngạc nhiên nhất là người ta thu 2 nghìn đồng/người, 5 nghìn đồng/xe máy - số tiền nhỏ mà lâu lắm ở phố thị hiếm ai còn dùng đến.

Tam Hải nhiều dừa, tới mức xếp thành hàng khắp các ngõ ngách trong làng, ra tới tận bãi biển. Ít người biết, cái sự biệt lập cùng những hàng dừa của Tam Hải đã đi vào lịch sử. Giữa rừng dừa thôn An Hòa ở Tam Hải, ngày 2/12/1932, Chi bộ An Hòa được thành lập, lấy tên là Quang Ánh Minh. Chi bộ An Hòa đã đánh dấu sự khôi phục sớm của phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần vào sự ra đời của Phủ ủy Tam Kỳ sau này.

Tam Hải, nổi tiếng nhất có bãi đá Bàn Than. Cũng chẳng biết ai đặt tên, có lấy cảm hứng gì từ bãi đã Bàn Than mà cụ Lê Quý Đôn từng mô tả trong Phủ biên tạp lục không, nhưng đó là nơi ngắm hoàng hôn giá trị nhất của cả xã đảo. Bãi đá nửa chìm, nửa nổi trên biển kéo dài chừng một cây số, đá dựng lên như thành ngay dưới chân mình. Cát ở Tam Hải là cát vàng, không phải cát trắng nên người ta ít tắm biển ở đây. Thế nên ghé Tam Hải là ghé một ngôi làng chài đúng nghĩa, đi thăm làng, tìm lại những di tích lịch sử xa xưa, ngắm cảnh đi lưới kéo thuyền, ngồi ngắm ánh mặt trời lặn ngụp qua đường chân sóng…

Bởi vì không phải những điểm đến hot nên mấy làng chài nhỏ cũng không quá nhộn nhịp. Bà Hải có một quán ăn sát biển, gần bãi đá Bàn Than. Bà bảo ở đây ít khách, không có bãi cát trắng phau nhưng hải sản Tam Hải tươi ngon, chế biến đúng kiểu dân chài lưới, mộc mạc, đậm đà. Hải sản trong ngày, phụ thuộc hôm đó biển vui hay biển lười, ấy là từ của người Tam Hải. Nhưng kể cả biển lười thì vẫn có vài con cá, chỉ cần bắt bếp, thêm một quả thơm, vài quả cà chua, ít mắm mặn, tí bún, bỏ ít cá nhỏ vào, vậy là có một món ăn ngọt lịm vị hải sản tươi ngon. Dân Tam Hải ăn như vậy, và cũng đãi khách như vậy.

***

Cấu trúc các làng chài thường giống nhau. Những vạch xương cá len lỏi, những căn nhà tranh thủ diện tích, mỗi căn nhà có một hướng cửa, nhưng mọi ngả đường đều có thể ra biển. Và làng chài thì buổi sáng nào cũng yên ả, bất chấp sóng gió đang tới đâu, đài báo bão như thế nào.

Nếu đã khám phá đủ những điểm đến nổi tiếng, biết đâu những Tam Hải, hay Cổ Thạch, Đông Hòa lại là một nơi để ta đi chậm lại, dừng lâu hơn cùng biển quê mình!