- Thưa bà, theo bà đánh giá, thể thao Việt Nam đang gặp những vướng mắc lớn nào trên con đường xã hội hóa?
- Trên thế giới, các nước có nền thể thao phát triển phần lớn đều lựa chọn đi theo con đường xã hội hóa toàn diện. Đây là hướng đi tận dụng được các nguồn lực xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào thể thao. Điều này không những cải thiện toàn diện nguồn lực đầu tư cho tập luyện, thi đấu, mà còn giúp chính các vận động viên xây dựng được hình ảnh, thương hiệu.
Ở các nước phát triển, thể thao được coi trọng không kém các môn văn hóa và nhiều môn được phổ cập trong các trường phổ thông, như bơi hay điền kinh. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, các vận động viên được đầu tư và phát triển năng khiếu từ khi còn nhỏ. Còn ở nước ta, các vận động viên phần lớn được đào tạo theo kiểu "gà nòi", chủ yếu được nuôi ăn, tập ở các trung tâm huấn luyện.
Xã hội hóa thể thao tại Việt Nam diễn ra chưa triệt để. Chúng ta chưa có giải đấu chuyên nghiệp cho nhiều bộ môn, nên trình độ và thành tích của vận động viên nói chung chưa ổn định. Và chính thành tích của vận động viên tại các sân chơi ASIAD hay Olympic cũng quay trở lại ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề đầu tư.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thể thao ở Việt Nam cũng khó đáp ứng đủ tiêu chuẩn để đăng cai những sân chơi lớn như ASIAD hay Olympic.
Hiện tại, trong hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ thể dục-thể thao, doanh nghiệp nào có nhà tập luyện, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, sân vận động, bể bơi đáp ứng được các tiêu chí về quy mô và tiêu chuẩn chất lượng, sẽ được áp dụng thuế suất 10% (đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao). Tuy nhiên, khái niệm câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và đội tuyển thể thao lại có sự khác biệt lớn, nên nhiều doanh nghiệp đầu tư và tài trợ cho các bộ môn vẫn phải đóng thuế như bình thường. Chúng ta chưa có ưu đãi về thuế cho trường hợp này.
- Vậy còn về vấn đề mở cửa để doanh nghiệp đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, thưa bà?
- Nếu doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trung tâm huấn luyện cho thể thao thì quá tốt. Khi thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước có quỹ đất, doanh nghiệp xây trung tâm tập luyện cho vận động viên. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vướng mắc về cơ chế khiến doanh nghiệp chưa thể góp sức đầu tư cho các trung tâm huấn luyện.
Trong đề án Chiến lược phát triển thể dục-thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Thể dục-Thể thao đã nêu quan điểm cần xây dựng, đề xuất các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể dục-thể thao. Cần cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực thể dục-thể thao, hoàn thiện chính sách đặt hàng, ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình thể thao trọng điểm.
- Hiện nay, nhiều liên đoàn rất tích cực trong việc xã hội hóa, nhưng cũng có những bộ môn phải "chật vật" để tìm kiếm nhà tài trợ. Cục Thể dục-Thể thao có chiến lược gì trong việc định hướng và hỗ trợ các liên đoàn?
- Thực tế, nhiều liên đoàn trong nước đang làm tốt công tác xã hội hóa, nhờ hội tụ được những người giỏi, có tầm nhìn, nên làm việc bài bản và tạo ra hiệu quả cao hơn. Dù vậy, cần nhìn nhận nguyên nhân khác đến từ lợi thế của chính bộ môn thể thao mà họ phụ trách. Trái ngược với một vài bộ môn được công chúng yêu thích, nhiều bộ môn chưa thu hút được sự quan tâm và chú ý của phần đông người hâm mộ.
Các liên đoàn cần hoạch định chiến lược phù hợp, kiến tạo nền tảng hợp tác lâu dài với doanh nghiệp, thay vì cơ chế xin-cho như hiện nay. Đội ngũ nhân sự của họ cũng cần được đào tạo bài bản về marketing, truyền thông hay tìm kiếm hợp đồng quảng cáo…
Hằng năm, Cục Thể dục-Thể thao đều có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với các liên đoàn nhằm tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đưa ra định hướng kịp thời để vượt qua khó khăn. Ngoài ra, các hội thảo, khóa học tập huấn về làm truyền thông, xây dựng hình ảnh cho vận động viên hay buổi tọa đàm hướng nghiệp cho vận động viên cũng được tổ chức thường xuyên.
Tất nhiên, Cục Thể dục-Thể thao chỉ đưa ra những định hướng chung, còn mỗi liên đoàn sẽ có cách làm sáng tạo riêng, tùy theo định hướng của liên đoàn dựa trên đặc thù từng môn thể thao. Bên cạnh đó, Cục cũng trở thành cầu nối trong việc hợp tác với các liên đoàn quốc tế, không chỉ nhằm mục đích đưa vận động viên Việt Nam sang nước ngoài tập huấn và thi đấu, mà còn bao gồm cả sự thúc đẩy, đổi mới, học hỏi tư duy và kinh nghiệm quốc tế.
Cuối cùng, thể thao đã chứng minh khả năng tạo nguồn thu thông qua bán bản quyền truyền hình, bán vé xem thi đấu… Các sự kiện thể thao luôn có dịch vụ kèm theo. Thí dụ như, các giải chạy marathon sẽ "kích cầu" du lịch, từ việc thúc đẩy nhu cầu di chuyển, mua vé máy bay, tới các loại hình dịch vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn và vui chơi giải trí… Nhiều giải chạy thu hút hàng chục nghìn người tham dự khiến các khách sạn "cháy" phòng lưu trú.
Với những lợi ích to lớn mà thể thao mang lại, cần tận dụng triệt để điều này để thu hút và thúc đẩy công tác xã hội hóa. Và chặng đường phía trước vẫn còn rất dài.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!