Mạnh tay với nạn vẽ bậy, quảng cáo “bẩn”

|

Nạn vẽ bậy, quảng cáo sai quy định đã tồn tại từ lâu ở TPHCM. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý, thế nhưng, theo phản ánh của bạn đọc đến Đường dây nóng Báo SGGP, dường như các biện pháp trên vẫn chưa đủ sức răn đe vấn nạn này.

Vẽ bậy vẫn tràn lan

Dạo một vòng khu vực trung tâm quận 1, quận 3 (TPHCM) như Công viên 23-9, các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Du (quận 1), Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), không khó bắt gặp nhiều hình vẽ đầy màu sắc chằng chịt, đủ kích thước, tranh graffiti trên cửa cuốn, trạm xe buýt, tường…

Ở bất kỳ đâu có khoảng trống cũng là nơi cho việc vẽ bậy. Thậm chí, ở các tủ điện có bảng cảnh báo “Cấm lại gần! Có điện nguy hiểm chết người” nhưng hình vẽ bậy vẫn ngổn ngang trên bề mặt. Hành động này không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm liên quan đến tính mạng của chính người thực hiện.

Các hình vẽ đầy màu sắc, chằng chịt, khó hiểu trên đường phố. Ảnh: CẨM TUYẾT

Bà Đặng Minh Loan (sinh năm 1971, ngụ quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Tôi thấy nhiều công trình công cộng ở TPHCM liên tục bị vẽ bậy, điều này ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Vẽ lên tường, lên cửa nhà người dân là thiếu văn hóa, hình vẽ nhếch nhác, không đẹp chút nào. Những tấm kính trong suốt giờ đây bị phủ đầy nét vẽ nguệch ngoạc, thật đáng tiếc!”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Diệu (sinh năm 2003, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cùng bạn đến Công viên 23-9 tham quan nhưng xung quanh công viên có nhiều chỗ bị vẽ bậy. Theo chị, những hình vẽ này nhìn rất kỳ cục chứ không thể hiện tính nghệ thuật.

Theo thông tin từ Công an quận 1, TPHCM, lực lượng công an gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý đối tượng vẽ bậy. Thời gian các đối tượng thực hiện khá ngắn, thường chọn thời điểm lực lượng tuần tra và người dân ít xuất hiện…

Mới đây, tối 2-10, P.M.P.B. (sinh năm 1988) và D.C.K. (sinh năm 1991, cùng mang quốc tịch Pháp) đang phun sơn, vẽ bậy lên vách công trình ở địa chỉ 17-19 đường Nguyễn Trãi (phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) thì lực lượng công an tuần tra phát hiện. Qua kiểm tra, công an thu giữ gần 20 bình phun sơn, cọ và 2 người nước ngoài này không xuất trình được hộ chiếu.

B. và K. khai nhập cảnh vào Việt Nam rồi rủ nhau đi mua các loại bình xịt, cọ để vẽ graffiti ở cửa cuốn nhà dân, hàng rào mái tôn ở các bãi đất trống hay công viên. Lực lượng công an đưa 2 người này ra hiện trường để khắc phục hậu quả; phạt vi phạm hành chính với số tiền 12,9 triệu đồng/người. Đây chỉ là một trong vô số các vụ vẽ bậy bị lực lượng công an bắt quả tang.

Xóa nạn quảng cáo, rao vặt sai quy định

Thời gian qua, lực lượng công an cùng các ban, ngành, người dân nhiều lần ra quân xóa nạn quảng cáo, rao vặt sai quy định. Trong đó, tập trung thực hiện dứt điểm ở các tuyến đường lớn, giữ gìn bảo quản kết quả đã làm được; tuần tra phát hiện, xử lý người dán quảng cáo, yêu cầu khắc phục; phối hợp với các đơn vị truy xét nơi cư trú của đối tượng, tịch thu mẫu quảng cáo. Từ các vụ vẽ bậy, dán tờ rơi bị phát hiện, cơ quan công an đã truy xét, bắt giữ nhiều băng nhóm, đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi.

Thiếu tá Phạm Anh Thư, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an quận 11, TPHCM cho biết, năm qua, tình trạng vẽ bậy, phun sơn lên công trình công cộng, nhà cửa… gần như không xảy ra ở quận 11. Tuy nhiên, tình trạng dán quảng cáo “bẩn” vẫn diễn ra hết sức tinh vi, phức tạp. Các quảng cáo này có kích thước nhỏ hơn trước đây, in màu, dán ở vị trí cao hơn; việc dán quảng cáo diễn ra vào lúc khuya đến sáng, nhất là từ 2 giờ đến 4 giờ 30 sáng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, nêu rõ: thời gian tới, Công an TPHCM tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như tăng cường giáo dục ý thức cộng đồng, lắp đặt camera, cải thiện hệ thống giám sát an ninh; tăng cường việc tuần tra, áp dụng biện pháp xử phạt nghiêm khắc với các hành vi vi phạm.

Công an TPHCM cũng chỉ đạo một số đơn vị tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, vận động người dân phát hiện tố giác để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; làm tốt việc tuần tra về an ninh trật tự để kịp thời phát hiện, xử lý. Đặc biệt, các đơn vị khi tiếp nhận tin báo của đơn vị, cơ quan chủ quản quản lý các công trình công cộng, người dân thì phải điều tra xử lý nghiêm các vi phạm.

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu cũng đề nghị Công an TPHCM và các đơn vị tiếp tục triển khai sâu rộng, bài trừ, đẩy lùi, tiến đến xóa bỏ nạn quảng cáo, rao vặt sai quy định; tích cực theo dõi, phát hiện, tố giác xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Ông mong muốn thành phố sẽ có thêm nhiều công trình nghệ thuật lớn hơn, đẹp hơn để tăng cường “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; vận dụng, sáng tạo về xây và chống tội phạm trong lĩnh vực này với tinh thần “Tất cả vì TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Năm 2024, Công an TPHCM tổ chức 7 đợt cao điểm ra quân bóc gỡ quảng cáo sai quy định trên địa bàn, với 45.000 lượt người tham dự, bóc gỡ hơn 900.000 sản phẩm quảng cáo sai quy định; tham mưu tổ chức thực hiện 6 công trình bích họa “Việt Nam tươi đẹp”, trị giá hơn 2 tỷ đồng, ở các tuyến đường tại quận 1, quận Bình Tân và quận Tân Bình. Ngoài ra, công an các quận, huyện, TP Thủ Đức cùng các ban, ngành cũng tổ chức hàng ngàn đợt ra quân “dẹp” quảng cáo “bẩn” vào ngày thứ bảy và chủ nhật mỗi tuần.