Lai Châu - Thiên đường leo núi

|

“Thiên đường leo núi” là danh xưng mà các tín đồ đam mê chinh phục những đỉnh non cao hùng vĩ dành tặng điểm đến Lai Châu. Đây cũng là một định hướng phát triển mà du lịch Lai Châu nên lựa chọn trong tương lai gần, để hướng tới khai thác hiệu quả nhất món quà độc đáo vô giá mà Mẹ thiên nhiên ban tặng.

Viên ngọc thô đang chờ mài giũa

Nói về tiềm năng phát triển loại hình sản phẩm du lịch đặc thù leo núi, Lai Châu may mắn sở hữu những thế mạnh vượt trội. Dải đất biên ải phía Tây Bắc này có tới sáu trong mười đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Vượt qua những hành trình trekking ấn tượng, những tín đồ leo núi sẽ có cơ hội thưởng lãm những kỳ quan thiên nhiên đẹp đến sững sờ. Từ “thiên đường săn mây” Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử-3.046m) tới con “dốc ba giờ” ngược lên Pờ Ma Lung (2.967m).

Từ chiêm ngưỡng “đỉnh núi đẹp nhất” Pu Ta Leng (3.049m) đến chạm tay vào cột mốc 42 trên hành trình khám phá Pu Si Lung (3.083m) cháy rực sắc đỗ quyên. Từ khám phá Cổ Trâu-Tả Liên Sơn (2.996m) đến chinh phục khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp nơi đỉnh Khang Su Văn (3.012m). Kiệt sức sau những giờ vượt suối băng rừng, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên kỳ diệu, tắm mát dưới những thác nước trắng xóa, đắm mình trong thiên đường khoe sắc hoa đỗ quyên.

Theo thang bậc “khó nhằn” của các cung leo núi mà Viettrekking-một đơn vị cung cấp dịch vụ leo núi khá uy tín đánh giá, hành trình chinh phục những đỉnh núi thuộc địa bàn Lai Châu đều được xếp ở hai cấp độ cao nhất. Khó nhất (cấp độ 5) có Pu Si Lung, Nam Kang Ho Tao, Pờ Ma Lung và Khang Su Văn. Thách thức (cấp độ 4) có Ky Quan San, Pu Ta Leng.

Không có gì ngạc nhiên điều này cũng giúp Lai Châu trở thành thỏi nam châm tỏa ra sức hút khó cưỡng với giới trekking chuyên nghiệp với “ba cái nhất”. “Đỉnh núi khó chinh phục nhất” thuộc về Pu Si Lung. Pu Ta Leng lên ngôi “đỉnh núi đẹp nhất” và tỉnh Lai Châu là nơi có “nhiều đỉnh núi để trekking nhất”. Dải đất biên cương phên dậu của Tổ quốc này cũng sở hữu tới hai cột mốc cao nhất nhì Việt Nam, trong tám cột mốc thiêng liêng đánh dấu cương thổ mà mọi con dân đất Việt đều mơ ước được chạm tay vào.

Đó là cột mốc biên giới 79 ở xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) trên sống yên ngựa của đỉnh Phàn Liên San và cột mốc 42 thuộc xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) trên cung đường gian nan khám phá Pu Si Lung. Diện tích rừng nhiệt đới với quần thể động thực vật phong phú, quý hiếm chiếm tới 35% đất tự nhiên cũng là một điểm nhấn quyến rũ khiến giới trekker luôn xếp địa danh này ở vị trí hàng đầu trong danh mục ưu tiên chinh phục.

Không những thế, dãy núi Hoàng Liên mà một phần vắt qua địa phận Lai Châu đã đứng ở vị trí thứ bảy, trong danh sách 28 điểm du lịch đáng tham quan nhất do tạp chí National Geographic bình chọn năm 2019. Và xã Pú Đao (huyện Nậm Nhùn) được hãng du lịch Gecko Travel nổi tiếng của Anh lựa chọn là một trong năm điểm khởi hành cung đường trekking hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch mạo hiểm-thám hiểm, các đỉnh núi ở Lai Châu phần đa giữ được hiện trạng nguyên sơ của những cánh rừng già và cung đường khám phá với độ khó cao, thách thức mọi giới hạn về sự kiên trì và lòng dũng cảm của du khách. Cùng với đó, cư dân sinh sống quanh các ngọn núi vẫn là các bản làng người dân tộc bản địa, lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng vốn có. Đó là những yếu tố cần và đủ giúp loại hình này cất cánh, nếu có được một chiến lược hình thành và định vị thương hiệu bài bản.

 Chinh phục đỉnh Pu Si Lung. Nguồn ảnh: laichau.gov.vn

Để định danh “thiên đường leo núi”

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn-Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), “du lịch mạo hiểm là xu hướng ngày càng được thế giới ưa chuộng, với số lượng tín đồ đam mê ngày càng tăng”. Cơn lốc đại dịch hoành hành suốt hai năm qua cho thấy, tour mạo hiểm trong môi trường thiên nhiên với số khách hạn chế là rất an toàn và đặc biệt phù hợp với các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn “hậu Covid”.

Bởi thế, theo số liệu mà ông Lê Minh Đức-Tổng Giám đốc điều hành Công ty Viettrekking cung cấp: “Hai năm trở lại đây, khách nước ngoài không tới được Việt Nam nhưng khách nội địa chọn leo núi thì tăng trưởng đột biến. Bởi khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, họ sẽ ưu tiên vào rừng và lên núi để hưởng thụ bầu không khí trong lành tự nhiên cũng như tránh xa bớt đô thị đông đúc. Nhờ vậy, dù năm 2021 vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nhưng Viettrekking vẫn đạt lượng khách lên tới hơn 10 nghìn người, tăng trưởng 20% so với 2019 và 60% so với năm 2020”.

Sở hữu thế mạnh tiềm năng không thể phủ nhận trong phát triển du lịch mạo hiểm nói chung và trekking leo núi nói riêng, nhưng cái tên Lai Châu đã từng khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt vì địa hình xa xôi cách trở, thông tin quảng bá ít ỏi, hạ tầng giao thông chưa phát triển và cả vì thiếu tour-tuyến kết nối liên tỉnh-liên vùng. Dù thời gian gần đây, du lịch Lai Châu đang chứng kiến bước chuyển mình đáng ghi nhận (với khoảng 1,5 triệu lượt khách thu hút trong giai đoạn 2016-2020, đạt mức tăng trưởng trung bình 14%/năm) nhưng chỉ cần so sánh với người láng giềng Lào Cai ngay bên cạnh, tốc độ phát triển của địa phương này xem ra vẫn vô cùng khiêm tốn.

Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã có nhiều chủ trương, quyết sách thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp không khói khởi sắc. Tập trung thúc đẩy những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của địa phương là hướng đi sẽ giúp cái đích 4 triệu lượt khách thu hút được trong năm 2025 thành hiện thực. Giữa tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã trực tiếp dẫn đầu đoàn khảo sát chinh phục đỉnh Pu Ta Leng với độ cao chỉ đứng sau Fansipan. Sau hành trình, ông chia sẻ với Cổng thông tin điện tử Lai Châu, rằng: “Chúng ta phải tận dụng, phát huy tối đa lợi thế độc đáo này để thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh hiện nay”.

Định hướng đã có nhưng để Lai Châu trở thành “thiên đường leo núi” như kỳ vọng thì còn rất nhiều đầu việc phải triển khai.

Cũng theo ông Lê Minh Đức:“Thực tế cho thấy, khi các ngọn núi chưa được công nhận thành tuyến điểm du lịch để có sự quản lý chặt chẽ hơn thì du khách vẫn có thể tự do đi theo hình thức tự túc-vốn đang chiếm tới 60%, 40% còn lại đặt qua các đơn vị lữ hành. Khó khăn và thách thức mà Lai Châu phải đối mặt khi định vị thương hiệu chủ yếu nằm ở hai yếu tố.

Thứ nhất, tỉnh có nhiều núi nằm ở khu vực giáp ranh với nước bạn, thậm chí là nằm trên đường biên giới đòi hỏi công tác quản lý, kiểm soát an ninh của cán bộ biên phòng phải thực hiện rất nghiêm ngặt. Khách đi tự túc mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ gặp khó khăn, đơn vị cung cấp tour bị hạn chế trong công tác chuẩn bị thủ tục giấy tờ. Thứ hai, Lai Châu còn thiếu thốn khá nhiều dịch vụ cho du khách, đặc biệt khi đặt cạnh Sa Pa sẽ luôn xuất hiện sự so sánh”.

Mối quan tâm của ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lai Châu thì tập trung vào những vấn đề cấp thiết hơn. Như đào tạo đội ngũ porter trở thành những hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Như tăng cường giám sát và kiểm tra nhằm ngăn chặn du khách lợi dụng leo núi để xâm hại cảnh quan, gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sinh thái. Như khảo sát tour tuyến nhằm hỗ trợ xây dựng các trạm dừng nghỉ, điểm cứu hộ cứu nạn nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho những người đam mê leo núi...

Trong khuôn khổ cuộc Tọa đàm Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu diễn ra vào ngày 16/4/2022, ông Vũ Ngọc Ân-Giám đốc Công ty du lịch Cầu vồng đã hiến kế: “Lai Châu nên tổ chức nhiều hoạt động du lịch mạo hiểm thu hút thị trường châu Âu như trượt zipline, đua ca-nô, khám phá hang động... và lập đề án pháp triển những cuộc thi leo núi quốc tế được truyền thông mạnh mẽ để lan tỏa sức hấp dẫn của điểm đến tới đông đảo du khách năm châu”.

Còn với ông Lê Minh Đức: “Cần mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành và có cơ chế quản lý linh hoạt nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia quản lý và vận hành khai thác tuyến điểm an toàn hiệu quả. Và thông qua truyền thông và tiếp thị của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có thương hiệu để có thể đưa loại hình này thành sản phẩm thế mạnh, khẳng định vị thế cho Lai Châu”.