Cả nước chỉ có một trung tâm cứu hộ đúng nghĩa!

|

NDO - Đề nghị thành lập trung tâm cứu hộ vùng, miền để đáp ứng tối đa việc cứu hộ động vật hoang dã trong cả nước đã có “tuổi thọ” mười năm nhưng vẫn chưa thành hiện thực. Hiện tại, phần lớn các vụ cứu hộ đều dồn về trung tâm cứu hộ của Hà Nội, đó là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng.

ĐỊA PHƯƠNG THÀNH LẬP, HOẠT ĐỘNG MANG TÍNH QUỐC GIA

Sau sự kiện bò tót đi lạc vào sân bay Phú Bài ngày 24-7-2012 đã bị lực lượng chức năng khống chế bắn hạ bằng thuốc gây mê và chết sau đó, dư luận cho rằng trình độ cứu hộ còn yếu kém, cơ sở cứu hộ thiếu cho dù nguyên nhân chết được công bố do con bò tót có bệnh từ trước. Sự yếu kém được ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (cơ quan của Việt Nam thực hiện Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) thừa nhận, Việt Nam vẫn chưa có lực lượng chuyên trách về cứu hộ động vật hoang dã. Hiện nay, các bác sĩ thú y ở Việt Nam chủ yếu được đào tạo từ các trường đại học trong nước nên chỉ có chuyên môn ở vài loài gia cầm (gà, vịt...) hay gia súc (heo, bò, trâu...), hạn chế trong việc cứu hộ động vật hoang dã. Cũng theo ông Tùng, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam mười năm nay lên đề án xây dựng các trung tâm cứu hộ hiện đại ở các vùng, miền để đáp ứng điều kiện sinh thái phù hợp cho các động vật hoang dã được cứu hộ nhưng hiện nay vẫn chưa được duyệt.

Hiện chỉ có một nơi được gọi là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tổng hợp, đó là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng đóng tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Các điểm cứu hộ khác trên cả nước chỉ chuyên sâu cứu hộ một số loài cụ thể như gấu, rùa, cầy vằn... Đây là trung tâm cứu hộ của Hà Nội nhưng lại có chức năng cứu hộ động vật hoang dã trên cả nước. Và đây cũng là đơn vị duy nhất trong cả nước thực hiện chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, tham quan, quan hệ quốc tế “UBND TP Hà Nội thành lập trung tâm nhưng hoạt động mang tính quốc gia. Bất cứ địa phương nào trong cả nước gọi cần cứu hộ là chúng tôi lên đường ngay, bất kể giờ nào, lúc nào chứ không phân biệt tỉnh nào cả”, ông Ngô Bá Oanh, Giám đốc trung tâm cho biết.

Với chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận động vật hoang dã do các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trong quá trình săn bắn, buôn bán, vận chuyển trái phép để cứu hộ và sau cứu hộ thả về môi trường tự nhiên, từ khi thành lập (1996) đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 635 vụ với gần 100 loài, trong đó có nhiều loài thuộc nhóm IB và IIB là loại động vật hoang dã quí hiếm. Trong đó, đáng chú ý là tiếp nhận các vụ buôn bán, vận chuyển hổ trái phép như đàn hổ bốn con do kiểm lâm Đồng Nai bắt tại Trung tâm vườn xoài xã Nam Thành vào tháng 12-2006 và vụ hai cá thể hổ do cảnh sát môi trường Hà Nội bắt vào tháng 1-2008. Gần đây nhất, ngày 5-9-2012, trung tâm tiếp nhận bốn cá thể hổ do Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh bắt khi đối tượng đang vận chuyển trên tuyến đường quốc lộ 8A, thuộc địa bàn xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại, số hổ được cứu hộ và nuôi bảo tồn tại trung tâm đã có tổng cộng 19 cá thể hổ, trong đó đã nuôi sinh sản thành công hai cá thể hổ mẹ, sinh được 12 cá thể hổ con.

Sau cứu hộ, trung tâm lại tổ chức thả về môi trường tự nhiên tại nhiều khu vực rừng trong cả nước có điều kiện tự nhiên phù hợp với các loài như các Vườn quốc gia Cát Tiên, Ba Bể, Cát Bà và Vườn quốc gia Bù Gia Mập, khu rừng đặc dụng Hương Sơn... Ngoài ra, trung tâm còn chuyển giao cho các cơ quan nghiên cứu khoa học phục vụ nghiên cứu, các khu du lịch, liên đoàn xiếc.

MƠ ƯỚC MỘT TRUNG TÂM CỨU HỘ HIỆN ĐẠI

Kể về chuyện nghề, Giám đốc Ngô Bá Oanh đầy phấn khởi khi nói về những chú hổ con ngày đầu về trung tâm. “Các cá thể hổ con những ngày đầu vào trung tâm được cứu hộ bằng những bình sữa bột, đúng như của em bé, và chỉ ăn được thức ăn khác khi đã được tám tháng tuổi. Thức ăn, dụng cụ cũng phải tiệt trùng, để tránh bị đau bụng. Chúng quấn quýt người nuôi như mẹ con, bế thì nó cọ vào nách, đi đâu nó theo từng bước”. Khi hổ mẹ sinh con, đích thân ông Oanh là người túc trực đỡ đẻ, không ai được phép vào giờ ấy vì con hổ lúc sinh cần một người gần gũi. Dường như ông giám đốc trung tâm rất có uy với đàn hổ. Khi chúng tôi xuất hiện, một con hổ đực, mà theo ông Oanh nói là ba tạ, gầm lên động cả một vùng khiến ai cũng giật bắn người suýt bỏ chạy. Ông Oanh chỉ cần mắng nhẹ vài câu, con hổ đang hung tợn là thế, lập tức ngoan ngoãn đi vào ô nằm.

Tuy đã khá hài lòng với công tác cứu hộ những năm qua, nhưng ông Oanh vẫn băn khoăn với thực tế chưa có đủ điều kiện để nuôi nhốt bán hoang dã trước khi thả động vật về thiên nhiên. Đây là khâu hết sức quan trọng để động vật quen dần với môi trường tự nhiên sau một thời gian dài bị nuôi nhốt. Đã từng có những vụ trung tâm “giữ hộ” động vật hoang dã trong những vụ án hình sự. Nhưng vụ án qua nhiều cấp, cũng phải mất hai, ba năm trời, thế là khi án tuyên thì động vật đã bị chết do bị chậm thả về môi trường tự nhiên. Băn khoăn ấy của những người làm công tác cứu hộ tại trung tâm đã được “cởi nút” khi tháng 11 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết mở rộng Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Theo đó, trên diện tích khoảng 12 ha, sẽ có hơn 87 nghìn m2 đất đồi núi rừng kết hợp nuôi nhốt động vật hoang dã. Quy hoạch gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (cứu hộ tại chỗ, nuôi thả bán hoang dã các động vật hoang dã); phát triển khu bảo tồn động vật hoang dã (nuôi giữ, phát triển các loài động vật hoang dã trong nước và ngoài nước phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, tham gia học tập) gắn kết hài hòa với khu cây xanh công viên mặt nước; bảo vệ môi trường sinh thái rừng hiện có, tạo lập môi trường thích hợp cho các động vật, thực vật tự nhiên phát triển.

Bên cạnh đó, trung tâm sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có điều kiện nghiên cứu, đầu tư gìn giữ, phát triển môi trường tự nhiên, rừng và các loài động thực vật hoang dã theo quy định; xây dựng công trình, ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ cứu hộ, hỗ trợ nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật bảo đảm ổn định.

Như vậy, trong khi mơ ước mô hình cứu hộ vùng chưa thành hiện thực thì việc mở rộng trung tâm cứu hộ Sóc Sơn chắc chắn sẽ đáp ứng tốt hơn việc cứu hộ động vật hoang dã cho cả nước. “Chúng tôi luôn coi công tác cứu hộ là góp phần bảo vệ cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường bền vững nên không quản ngại bất cứ khó khăn nào”, ông Oanh chia sẻ.