Ấp ủ lửa nghề đượm mãi

|

NDO - Trong buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Huỳnh cùng các cựu sinh viên Ngữ văn khóa 1964-1967, nhóm mà họ vẫn tự định danh là Bạn văn 64-67, đã trao tặng cho khoa bức ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường ngày 21/10/1964. Trong ảnh, bên cạnh các bạn, ông Huỳnh nổi bật bởi gương mặt dù đang chăm chú lắng nghe, vẫn ngời lên hạnh phúc khi được đứng bên cạnh Người.

Từ thuở ban đầu lưu luyến…

Khoa Ngữ văn vốn được gầy dựng, vun đắp bởi những bậc hiền nhân tài đức, những nhà giáo dục hàng đầu của đất nước thời kỳ đó như GS, NGND Đặng Thai Mai, GS, Viện sĩ Phạm Huy Thông, GS Đào Duy Anh, Triết gia Trần Đức Thảo, GS Nguyễn Lương Ngọc, GS, NGND Lê Trí Viễn, GS, NGND Nguyễn Đình Chú, GS, TSKH Bùi Văn Ba (Phương Lựu)… Nhiều thế hệ nhà giáo, nhà quản lý, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ đã học tập và trưởng thành từ giảng đường này.

Bà Thu An, nhóm Bạn văn 64-67 vẫn nhớ rành mạch về những ngày đầu vào ngành sư phạm của 60 năm trước: Chúng tôi vào trường trong thời kỳ đất nước còn chia cắt, bà con miền bắc đang tập trung lao động sản xuất để chi viện lương thực cho miền nam, nhưng chủ trương của Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư cho giáo dục. Năm 1964 chúng tôi nhập học, cơ sở vật chất, trường lớp, khu nhà ở cho sinh viên đã rất khang trang rồi. Nhưng rồi Mỹ ném bom phá hoại miền bắc, chủ trương sơ tán trường ra khỏi Hà Nội được ban hành. Từ Thủ đô, thầy và trò chúng tôi di chuyển về Đại Từ (Thái Nguyên), một thời gian không lâu sau thì chúng tôi được lệnh chuyển về Hưng Yên. Chúng tôi học trong những ngôi nhà dựng tạm bằng tre nứa, mái lợp tranh, sinh hoạt thiếu thốn đủ đường. Tuy vậy, với sức trẻ luôn lạc quan, không khí học tập, hoạt động khoa học không vì thế mà chùng xuống.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, xác định công cuộc giải phóng dân tộc thống nhất đất nước còn trường kỳ, Đảng, Nhà nước đã chủ trương đưa thiếu nhi, học sinh là con em cán bộ, chiến sĩ miền nam ra bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền nam, tái thiết đất nước. Những gương mặt Nguyễn Tấn Phát, Lê Ngọc Trà, Hồ Sĩ Hiệp, Bùi Công Minh của Ngữ văn 64-67… đều là con em miền nam được nuôi dưỡng, học tập trên đất bắc ngày đó.

-11 tuổi tôi đã rời gia đình, quê hương ra bắc học tập. Nhớ nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình, tôi gửi gắm vào những trang nhật ký. Thuở nhỏ, tôi luôn nuôi ước mơ trở thành nhà văn, nhà báo đi đây đi đó. Những ngày đầu vào trường còn bay bổng với ước vọng dời non lấp biển, cậu sinh viên là tôi năm đó quyết một quyết hai chuyển ngành, chuyển trường, nhưng sau lần được gặp Bác, chỉ một lời dặn dò của Người, tôi nhận ra mình phải chấp hành sự phân công. Tôi ổn định tư tưởng, chuyên tâm vào việc học từ đó.- PGS, TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng ĐHSP TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa IX, X… đã kể lại lý do tại sao gắn bó với nghề sư phạm, làm với tất cả trách nhiệm…

Những ngày sơ tán sống cùng người dân ở Việt Bắc hay về vùng chiêm trũng Hưng Yên, những sinh viên ngày đó được bà con hết lòng đùm bọc nhường cơm sẻ áo. Ân tình đó mãi nằm trong tâm trí những người sinh viên nghèo năm đó, trở thành ký ức đẹp đẽ mỗi khi nhớ về...

Dấu son trong ký ức chung

Ngày 21/10/1964, ngày Bác đến thăm Trường ĐHSP Hà Nội, trở thành kỷ niệm, dấu son đẹp trong ký ức các cựu sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò, tất cả thầy trò, cán bộ, công nhân phải phấn khởi thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.

Ông Nguyễn Xuân Huỳnh, người sinh viên đứng cạnh Bác trong bức ảnh ngày đó đã cùng các bạn mình ôn lại những câu chuyện đẹp đẽ thiêng liêng về tình thầy trò, tình bạn một thời hoa lửa. “Sau này chúng tôi mới tìm và chuyền tay nhau đọc đi đọc lại bài nói chuyện của Bác. Còn nhớ lúc đó, là những sinh viên khoa Văn năm nhất mới chân ướt chân ráo vào trường, chúng tôi vẫn được ưu tiên đứng vòng trong cùng, cạnh Bác. Hồi đó toàn trường có khoảng hơn 800 sinh viên là con em miền nam. Bác dặn dò riêng các cháu giáo sinh miền nam phải nỗ lực học tập để phục vụ đồng bào quê hương, kiến thiết đất nước sau thống nhất” - ông nói.

Nhớ lời Bác dặn, họ đã nỗ lực phấn đấu, trở thành những nhà giáo, nhà thơ, nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành cống hiến cả sự nghiệp cho đất nước như GS, TSKH Lê Ngọc Trà, PGS, TS Hồ Sĩ Hiệp, PGS, TS Nguyễn Tấn Phát, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, nhà giáo, nhà thơ Bùi Công Minh…

Ông Nguyễn Tấn Phát, trong buổi giao lưu giữa cựu sinh viên với khoa đã chia sẻ: Việc học, sinh hoạt thuận lợi, được truyền dạy không chỉ kiến thức mà còn là nhân cách, đạo lý. Những cái đẹp từ trong trang sách đến cách sống, cách ứng xử của thế hệ thầy với trò, giữa đồng nghiệp, bạn bè đồng trang lứa đều thấm đẫm tinh thần Đại văn hào Nga Makxim Gorky Văn học là nhân học. Nhớ lời Bác dặn, tốt nghiệp đại học, người trước người sau, họ đều trở về tái thiết quê hương, đều trở thành những người có thành tựu trong sự nghiệp. Theo gương thầy cô mình, dù ở bất cứ vị trí nào, họ luôn là những người yêu lao động, sống có trách nhiệm với học sinh, với thế hệ trẻ.

Tiếp nối Hành khúc ngày và đêm

Tốt nghiệp đại học khi cuộc chiến trên chiến trường miền nam đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Một số ít trong số sinh viên được giữ lại đào tạo thành cán bộ giảng viên, phần lớn tỏa đi khắp cả nước để bắt đầu một chặng đường mới. Có những người bạn của họ, chia tay nhau ra trường rồi mãi mãi không trở về, như Liệt sĩ, thầy giáo Nguyễn Đình Tuyến, quê Phù Cát Bình Định, mất năm 1967 ở chiến trường Bình Trị Thiên…

Ở độ tuổi 70, sau khi tạm gác lại trọng trách Nhà nước giao phó, PGS, TS Nguyễn Tấn Phát mới trở lại với niềm đam mê sáng tác văn chương. Từ năm 2014 đến nay, ông đã sáng tác và liên tiếp xuất bản 6 cuốn tiểu thuyết, trong đó có một tác phẩm đoạt giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam năm 2021.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải cũng là gương mặt đặc biệt của khóa học, giờ đây, ông được mệnh danh là anh cả của lớp. Vốn thuộc xứ Mường trong ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) mặc dù xuất thân gia đình là dòng tộc có uy tín, để đến với con đường học chữ, ông vẫn trải qua nhiều gập ghềnh gian khó. 27 tuổi ông mới bước chân vào giảng đường đại học, gần như là người lớn tuổi nhất của khóa sinh năm đó. Tốt nghiệp đại học, theo sự phân công của tổ chức, ông gắn bó với ngành sư phạm suốt cuộc đời. Mãi đến những năm hưu trí, ông mới có thời gian toàn tâm toàn ý cho niềm đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian. Năm ngoái, ông được trao Giải thưởng Nhà nước ở lĩnh vực văn học nghệ thuật cho cụm công trình gồm 3 tác phẩm Những bài ca đám cưới người Mường Thanh Hóa, Lễ Pồn Pôông Eng ChángTruyện Nàng Út Lót-Đạo Hồi Liêu. Đó là 3 trong 14 tác phẩm ông đã xuất bản là kết quả nghiên cứu, lao động miệt mài suốt 20 năm qua.

Cựu sinh viên khoa Ngữ văn khóa 64-67 về lại trường cũ ôn lại kỷ niệm 60 năm trước Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ giảng viên, sinh viên của trường.

Tròn 60 năm, nhóm Bạn văn 64-67 trở về trường, rộn rã được trở về thời thanh xuân. “…Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ. Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào…”. Một điều thú vị, Hành khúc ngày và đêm của Phan Huỳnh Điểu là bài hát luôn vang lên trong các cuộc gặp mặt của nhóm, bởi bài hát được phổ từ bài thơ Ngày và đêm của Bùi Công Minh, thành viên của lớp văn 64-67. Cô giáo và người lính trong tác phẩm thơ đều là những gương mặt thân thương. Khi giai điệu cất lên, cảm thức về tình yêu, về sự sống, chiến đấu, những ký ức về những ngày tháng đẹp đẽ, hoài bão bay bổng mà trĩu nặng ân tình, khiến những người bạn tuổi già ở khắp miền đất nước được tiếp thêm sức mạnh và gắn kết yêu thương…