NƠI CHỨA ĐỰNG NIỀM HY VỌNG
Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-5-2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính phức phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu tại Thung lũng Chắt Dậu thuộc Khu hành chính và dịch vụ du lịch của Vườn quốc gia Tam Đảo. Dự án được AAF, một tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ toàn bộ, được triển khai trong giai đoạn từ 2009 đến 2014, với tổng ngân sách 3.392.000 USD, đến nay, AAF đã bỏ ra gần hai phần ba để xây dựng trung tâm này. AAF cam kết tài trợ toàn bộ về tài chính cũng như duy trì Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam 15 năm sau khi kết thúc dự án.
Dự án này nhằm mục đích thiết lập một trung tâm cứu hộ gấu cho khoảng 200 cá thể ở VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Trung tâm này sẽ là nơi lánh nạn suốt đời cho những cá thể gấu bị Cục Kiểm lâm tịch thu từ các trại nuôi gấu nơi chúng bị bắt giữ để lấy mật, hoặc từ những chủ nuôi gấu đã tình nguyện giao trả lại gấu cho Nhà nước. Trung tâm bao gồm khu cách ly, năm khu nuôi gấu có khuôn viên liền kề rộng khép kín, khu phục hồi chức năng, khu chăm sóc đặc biệt... cho gấu. Đây là nơi cứu hộ gấu hiện đại nhất châu Á, thuộc dự án của Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF).
Không chỉ cứu hộ gấu, Trung tâm còn là nơi giáo dục về môi trường và bảo tồn động vật sinh động. Đến đây, khách có thể thấy những con gấu vui vẻ trong môi trường an toàn, gần gũi với thiên nhiên. Cách đó không xa là những cũi sắt mà chúng từng bị nuôi nhốt chật chội để lấy mật, cùng những thước phim tư liệu về một quãng đời hãi hùng mà những chú gấu từng phải trải qua.
GIẤC MƠ DANG DỞ
Để cứu chữa và phục hồi cho từng con gấu, các bác sĩ và điều dưỡng viên ở Trung tâm phải chăm bẵm cho chúng từng ngày. Khi về đây, mỗi chú gấu đều được đặt tên, ghi rõ hồ sơ theo dõi lai lịch, sức khỏe. Có con mang tên Việt Nam, có con mang tên nước ngoài... Bên trong, mỗi chuồng gấu đẹp và đầy đủ tiện nghi, như một “khách sạn” cho động vật, có cả võng, xích đu để các chú gấu tiêu khiển. Chuồng trại được lau chùi, quét dọn sạch sẽ. Khu bán hoang dã với khuôn viên bán tự nhiên rộng 5.000 m² có thảm cỏ, hồ, núi, hang, xích đu.... giúp cho những chú gấu đã được chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, có không gian để vận động và tập lại những thói quen. Thức ăn cho gấu được chuẩn bị rất cẩn thận, bao gồm nhiều loại rau, củ, quả và những món khoái khẩu của gấu như mật ong, yến mạch... được cho vào trong ống tre, hộp nhựa, gáo dừa, treo cao để gấu trèo lên nhâm nhi, liếm láp, vừa tốt cho sức khỏe gấu, vừa giúp chúng lấy lại bản năng. Trung tâm đạt tiêu chuẩn của các trung tâm chăm sóc và phục hồi sức khỏe gấu trên thế giới.
Tuy nhiên, sau gần ba năm vận hành suôn sẻ, đến cuối năm 2011, giám đốc của Trung tâm, đồng thời là Giám đốc Vườn quốc gia, đột ngột gây khó dễ cho hoạt động của trung tâm với lý do về cơ sở pháp lý, về đất đai của Trung tâm cứu hộ. Sau những lùm xùm gây tranh cãi đó, xuất hiện thông tin trong phần đất được giao cho Trung tâm có một cơ sở an ninh quốc phòng. Điều kỳ lạ là mặc dù các cơ quan cho biết cơ sở này tồn tại từ lâu, nhưng trong suốt quá trình khảo sát vị trí và quyết định hình thành trung tâm, không có cơ quan nào nhắc gì đến sự tồn tại của cơ sở an ninh quốc phòng này.
Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo cho tổ chức động vật châu Á về kết quả cuộc họp với Bộ Quốc phòng về lệnh dừng toàn bộ hoạt động xây dựng của dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, cũng như di dời 104 cá thể gấu trước đây đã được cứu hộ về trung tâm, ra khỏi khu vực thung lũng Chắt Dậu. Như vậy, nếu việc này được thực hiện, thì việc đóng cửa Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam sẽ là lệnh trục xuất đối với 104 cá thể gấu đã được cứu thoát khỏi ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật, đẩy 77 nhân viên địa phương của trung tâm vào cảnh thất nghiệp.
MONG MANH PHẬN GẤU
Một hậu quả lớn hơn là dẫn đến sự nghi ngờ về việc thực hiện cam kết chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật của Chính phủ Việt Nam, trong khi cả nước có hơn 2.300 cá thể gấu đang được nuôi lấy mật. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, trong trường hợp này, còn một yếu tố thử thách không thể không tính đến, đó là yếu tố cam kết quốc tế. “Chúng ta đã cam kết với quốc tế, họ đã hợp tác với chúng ta. Nếu chúng ta ứng xử kiểu vô cảm như thế, thì tôi nghĩ sẽ tổn hại đến uy tín của đất nước chúng ta, đặc biệt trên lĩnh vực nhạy cảm mà thế giới rất quan tâm là bảo tồn động vật hoang dã” - ông Dương Trung Quốc chia sẻ - “Lời giải thích của phía quân đội có nói rằng, khi làm thủ tục phê duyệt địa điểm xây dựng dự án Trung tâm cứu hộ gấu tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Bộ NN&PTNT và các ban, ngành liên quan đã không hỏi ý kiến của phía quốc phòng, nên họ không biết có dự án gấu là một lời giải thích thiếu thuyết phục. Ông là người giữ gìn an ninh quốc gia, vậy mà một Trung tâm gấu hoạt động đã năm năm mà ông không biết gì thì ông phải xem lại trách nhiệm của ông”.
Đến nay, số phận Trung tâm cứu hộ gấu còn đang chờ sự quyết định cuối cùng của Thủ tướng. Được biết, Quỹ động vật châu Á AAF đã từng có đề xuất lên Bộ NN&PTNT đề nghị mở rộng dự án, xây thêm một số trung tâm cứu hộ gấu khác để tạo cơ hội cho những con gấu khác khi Trung tâm cứu hộ gấu ở Tam Đảo “đầy”. Nhưng trước tình hình này, ngay cả Trung tâm cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Tam Đảo có nguy cơ mất nguồn tài trợ từ AAF, và các dự án coi như đã mất cơ hội hình thành.