Xuân về đảo Ðào Hoa

|

Hơn 300 cây anh đào đủ sắc độ đang khoe sắc tại Lễ hội hoa Anh Ðào 2018 trên đảo Ðào Hoa - tại Khu du lịch Hồ Pá Khoang - Mường Phăng (tỉnh Ðiện Biên).

Không hiểu ai đã đặt cho hòn đảo nhỏ cái tên diễm lệ ấy, nhưng ông Trần Lệ, người đã ghi tên Mường Phăng vào bản đồ địa danh của hoa anh đào trên thế giới, người mang giống hoa đặc biệt của xứ sở Mặt trời mọc đến vùng đất hoang sơ giữa lòng hồ Pá Khoang cách đây hơn 10 năm sẽ không ngần ngại kể cho những du khách tò mò câu chuyện 12 năm “đánh đu” với hoa đào trên hòn đảo này.

Ông Lệ là tiến sĩ sinh học, được đào tạo ở Hungary. Ông đã có một sự nghiệp đồ sộ với nhiều sản phẩm ứng dụng khoa học - kỹ thuật, từng được tôn vinh là một trong những người khởi xướng cho nông nghiệp công nghệ cao ở Ðà Lạt, có thể an tâm nghỉ ngơi khi vào tuổi lục tuần.

Nhưng ông kể, năm 2005, ông vinh dự được gặp, nói chuyện với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu (Hà Nội). Sau lần đó, ông đã mang theo câu nói của Ðại tướng rằng, chiến tranh qua đi lâu rồi, nhưng đồng bào Ðiện Biên, đồng bào Mường Phăng còn vất vả lắm. Các nhà khoa học, có trí tuệ, tâm huyết, trong quá trình nghiên cứu sản xuất, nếu làm được điều gì đó cho đồng bào, cho Mường Phăng thì hãy cố gắng.

Năm 2006, những giống hoa anh đào đầu tiên được ông Lệ đưa đến đảo Ðào Hoa, bắt đầu cuộc sống mà ông gọi là “Robinson, Mai An Tiêm thời hiện đại”. Khi đó, đảo không điện, không đường, không người ở, ông Lệ một mình vác đất, trồng cây. Phải mất gần hai năm, những mầm xanh đầu tiên mới chịu xuất hiện.

Hiện giờ, ông Lệ đã vào tuổi 72, còn đảo Ðào Hoa đã có 4.500 cây anh đào, thuộc 21 loại anh đào khác nhau, trong đó có 19 loại ở Việt Nam chỉ có thể chiêm ngưỡng ở hòn đảo này. Ðây là giống cây đã được nghiên cứu và định hình về thời gian nở hoa, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của Mường Phăng với độ cao 1.000 m so với mặt nước biển, mùa đông thường không có mưa và mùa hè không quá nóng, chênh lệch nhiệt độ trong ngày lên tới 10 độ C.

Ở một vạt đồi khác, ông đang trồng thêm hoa ban, hoa lan và nhiều giống cây khác như cải mèo, cây wasabi mà ông tin rằng, sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân Mường Phăng...

Nhưng, điều ông Lệ mong muốn nhất đã thành hiện thực, đó là ông đã không còn đơn độc với hoa anh đào. Từ vài năm nay, ông đã có được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Ðiện Biên.

Ðặc biệt, Lễ hội hoa anh đào đầu tiên trên đảo Ðào Hoa đã chính thức khai mạc vào đầu năm 2018, với sự có mặt của không chỉ người dân Ðiện Biên, người yêu hoa anh đào cả nước mà còn có những người bạn đến từ Nhật Bản - quê hương của hoa anh đào.

Sẽ còn nhiều người đến với Ðiện Biên - vùng đất đặc biệt không chỉ bởi những dấu tích lịch sử oai hùng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn vì một vùng đất đang phát triển mạnh mẽ với những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Mùa xuân này đến đảo Ðào Hoa để cảm nhận những người đang từng ngày thực hiện giấc mơ Ðiện Biên không thể nghèo...