Về miền tây xứ Nghệ

|

Miền tây xứ Nghệ thuộc bên đông dãy Trường Sơn được biết đến có đại ngàn Pù Mát, trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, với diện tích gần 95 nghìn ha. Đến Pù Mát là đến với vùng sinh thái rộng lớn đa dạng sinh học, có thác nước đẹp như dải lụa giữ rừng, với dòng sông Giăng lúc bình lặng êm trôi, khi dữ dội cuộn xoáy, là tới các bản làng người Thái, Đan Lai… để cùng thưởng thức ẩm thực, với những nét văn hóa đặc sắc bản địa. Và còn những điều thú vị mà chưa nhiều du khách biết tới.

Trải rộng trên địa giới ba huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương (Nghệ An), Pù Mát như lá phổi xanh khổng lồ giữa miền khí hậu khắc nghiệt tây Nghệ An. Trong ngút ngàn xanh mát ấy là hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm. Đặc biệt có cổ thụ ngàn năm tuổi như cây sa mu dầu với chiều cao hơn 70 m, đường kính 5,5 m, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao chứng nhận Cây di sản.

Niềm khao khát chinh phục các tuyến đường rừng và chiêm ngưỡng cây di sản và khu rừng lùn độc đáo gần biên giới Việt - Lào đang thu hút được bước chân của du khách ưa thích khám phá. Chúng tôi đã đi xuyên rừng đến các triền núi cao từ 1.500 m trở xuống để được ngắm rừng lùn, loại rừng cây chỉ có ở miền bắc Việt Nam và châu Á. Nhiều cây rừng lớn xen giữa những hòn non bộ tạo bức tranh thiên nhiên đậm nét hoang sơ, mang mầu sắc vừa kỳ bí, vừa lãng mạn.

Đến tây Nghệ An mùa nào du khách cũng được trải nghiệm những cảm giác lý thú ở vùng lõi Pù Mát. Ai cũng háo hức với tuyến du lịch đi thuyền ngược dòng sông Giăng lên thượng nguồn Khe Khặng. Đặt chân đến với ba bản của tộc người Đan Lai, nghe kể về truyền thuyết ngủ ngồi độc đáo.

Cảm giác khó tả khi tự mình trải nghiệm trên chiếc thuyền gắn máy ngược dòng Giăng, từ đập Pha lài (theo tiếng Thái là hoa của trời) ngược lên thượng nguồn mới cảm nhận được tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Mọi người được tận hưởng cảm giác thư giãn giữa sơn thủy hữu tình, núi non trùng điệp, cây cỏ ngút ngàn xanh mướt. Hơn hai tiếng ngược sông, lúc lênh đênh trên vùng nước lặng, khi lại mạo hiểm, bám chắc mạn thuyền vượt dòng nước xoáy tạo bởi vô số vật cản trong lòng sông đầy sỏi đá, để biết thế nào là “lên thác xuống ghềnh”. Giữa ngày hè oi bức, được thích thú cảm nhận hàng triệu giọt nước li ti phả ra từ thác Khe Kèm. Dòng thác từ độ cao hơn 150 m đổ xuống bãi đá như dải lụa trắng khổng lồ giữa đại ngàn xanh thẳm như tiếp thêm nguồn sống cho rừng, cho đất...

Ảnh: TÙNG LÊ

Và cũng chẳng uổng công khi vượt hàng trăm cây số để tới được nơi này, được trải nghiệm “ba cùng” với người dân bản, được ngắm vô số cọn nước rêu phong xếp hàng tăm tắp, trầm lặng quay đều. Cọn nước có ở nhiều nơi vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều như ở bản Coọc, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, hay bản Đình, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông thì không nhiều nơi có được.

Điểm đến không thể bỏ qua là con đường xuyên qua rừng cây săng lẻ phía huyện Tương Dương. Mùa nào săng lẻ cũng có nét đẹp rất riêng. Những hàng săng lẻ cứ “ngạo nghễ” vươn thẳng trời xanh. Mùa khô, săng lẻ thay lá, trơ lại thân cành một mầu trắng lạ. Mùa mưa, săng lẻ trở lại sum suê, xanh lịm một con đường.

Đi và trải nghiệm những điều còn ít biết về miền tây xứ Nghệ để hiểu được vì sao phải tới được nơi này…