Sự chủ động của doanh nghiệp
Là một trong những nhà cung cấp các sản phẩm gỗ cho Tập đoàn IKEA - tập đoàn bán lẻ đồ gỗ hàng đầu thế giới, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Woodsland cho biết, xuất phát từ yêu cầu của khách hàng về những sản phẩm có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm được làm ra từ những cánh rừng được quản lý bền vững, sản phẩm gỗ hợp pháp nên công ty đã sớm xây dựng những nguồn nguyên liệu đạt chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản lý rừng).
Ông Vũ Hải Bằng nhớ lại, khi đó các nhà cung cấp cho IKEA có lộ trình rất ngắn, với khoảng từ hai đến ba năm và dường như các doanh nghiệp đều phải "vắt chân lên cổ" để làm. Bởi, Tập đoàn IKEA yêu cầu từ năm 2017, 100% sản phẩm cung cấp cho họ phải bảo đảm đạt được chứng chỉ FSC. Tuy nhiên vào thời điểm đó, gỗ có chứng chỉ ở Việt Nam còn rất ít, chứng chỉ FSC còn là điều rất mới với khá nhiều doanh nghiệp và người trồng rừng nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đã phải dành thời gian thuyết phục các nông dân, công ty lâm trường về ý nghĩa xã hội, kinh tế khi sản phẩm có chứng chỉ. Bước vào triển khai, công ty đã chọn Tuyên Quang rồi từng bước mở rộng sang các địa phương khác như: Hà Giang, Bắc Kạn... Nhiều doanh nghiệp khác cũng bắt đầu xây dựng vùng nguyên liệu ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế...
Ông Vũ Hải Bằng cho biết, một điểm đáng mừng là đi đến đâu doanh nghiệp cũng được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Khi đặt vấn đề với Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang thì nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình vì chủ trương của tỉnh cũng mong muốn triển khai nhưng chưa làm được. Khi có doanh nghiệp hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và cam kết thu mua sản phẩm thì địa phương rất ủng hộ và đưa ra các chỉ tiêu cho các công ty lâm nghiệp, địa phương trên địa bàn. Giá thu mua cho nông dân cũng cao hơn bình thường để người dân nhận thấy được sản xuất có chứng chỉ có tác dụng và hiệu quả kinh tế.
Ở một số nơi, công ty phải thành lập Ban Chứng chỉ để hỗ trợ cho người dân, các công ty lâm trường về kỹ thuật cũng như chi phí mời tổ chức nước ngoài đánh giá và cấp chứng chỉ. Với nỗ lực của doanh nghiệp, địa phương và cả người trồng rừng, chỉ trong khoảng hơn năm sau, công ty đã có một số diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC. Đến nay, công ty đã có hàng chục nghìn héc-ta rừng trồng liên kết đạt chứng nhận FSC.
Cũng là một nhà cung cấp cho IKEA, Công ty Scansia Pacific đã chọn tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ dân có rừng trồng nhỏ lẻ thành diện tích đủ lớn để chứng nhận quản trị bền vững và bảo vệ sinh thái FSC. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific cho rằng, liên kết tiến đến phát triển rừng trồng với các tiêu chuẩn quản trị rừng như kiểu FSC là con đường phát triển bền vững, mang lại cho người dân lợi ích, và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nguồn nguyên liệu chủ động và hiệu quả cho doanh nghiệp.
Không chỉ những doanh nghiệp cung cấp cho IKEA, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường truyền thống của ta cũng nhận thấy xu hướng tiêu dùng của khách hàng là sản phẩm phải có nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường... Vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người trồng rừng để đạt các chứng nhận về quản lý rừng bền vững, truy xuất nguồn gốc. Bởi vậy, dù các nhà nhập khẩu khó tính có yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm hay các chứng chỉ sản xuất bền vững thì nay nhiều doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được.
Hoàn thiện hệ thống pháp lý
Ngày nay, với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường đều hướng đến quy định nghiêm ngặt điều kiện nguồn gốc gỗ hợp pháp, hay những quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa phải được bảo đảm mới có thể xuất khẩu vào một số thị trường. Do đó, việc chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định, hợp pháp sẽ quyết định sự thắng lợi của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.
Cùng với đó, yêu cầu thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) cũng như các quy định tại Luật Lâm nghiệp, theo đó nghiêm cấm việc nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, chế biến và thương mại gỗ bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế đã trở thành nguyên tắc cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Để triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Việt Nam cũng đang nỗ lực để có thể sớm nhất cấp giấy phép FLEGT cho đồ gỗ sang thị trường EU. Việc này sẽ không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mạnh sản phẩm gỗ Việt sang thị trường EU mà còn gia tăng uy tín, mở rộng cơ hội sang nhiều thị trường khác.
Theo ông Vũ Hải Bằng, với sản phẩm từ những diện tích rừng đã đạt chứng chỉ FSC thì việc đáp ứng yêu cầu của EU về bảo đảm gỗ hợp pháp sẽ đơn giản hơn nhiều. Gỗ từ rừng trồng thường rất ít rủi ro, nhưng để vận hành hệ thống gỗ hợp pháp, các cơ quan quản lý nhà nước cần cụ thể hóa các quy định, hệ thống lại quy trình để có sự kiểm soát, theo dõi và chứng nhận. Doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian hơn về hồ sơ giấy tờ nhưng đây cũng là điều tất yếu khi các thị trường xuất khẩu hầu hết đều yêu cầu về sử dụng sản phẩm gỗ hợp pháp.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, đến nay các doanh nghiệp lớn chế biến, xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang EU về cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu này. Việc xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp và cấp giấy phép FLEGT thực chất là việc tổng hợp, hệ thống hóa các việc chúng ta đã làm, đến nay phải đưa vào khuôn khổ để thực thi luật pháp một cách minh bạch, rõ ràng.
Ngoài câu chuyện tác động đến thị trường EU thì việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT sẽ góp phần nâng cao uy tín, chiếm lòng tin thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản... Việt Nam đã và đang nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn để bảo đảm gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam hợp pháp, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.
Với một phần nguyên liệu phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, chúng ta phải quản lý chặt nguồn gỗ nhập khẩu. Tuy nhiên, việc chủ động được nguồn nguyên liệu hợp pháp bền vững trong nước sẽ là lợi thế của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, đồng thời có được khả năng xuất siêu ở mức cao hơn. Đây chính là cơ sở để ngành chế biến gỗ tăng trưởng bứt phá, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp, chất lượng và bền vững của thế giới.
Theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP, sẽ có sự phân loại doanh nghiệp ra làm hai loại: nhóm I và nhóm II; trong đó nhóm I là những doanh nghiệp đáp ứng và tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm gỗ hợp pháp. Khi được công nhận là doanh nghiệp nhóm I, các doanh nghiệp này có lợi thế là không phải chịu sự kiểm tra, xác nhận nguồn gốc gỗ khi làm thủ tục xuất khẩu gỗ. Các doanh nghiệp không đủ tiêu chí phân loại sẽ chịu sự kiểm tra, xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi cấp phép xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh của Bộ NN&PTNT, hiện có hơn 90% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhóm I. Các doanh nghiệp còn lại cần áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Mục tiêu Việt Nam hướng tới là 100% doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều thuộc nhóm I.
Hiện Nghị định đã có hiệu lực nhưng bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, phải khoảng sáu tháng sau mới có thể tiến hành phân loại doanh nghiệp. Nếu đầu năm 2021, Việt Nam có thể vận hành được Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp thì phải đến cuối năm 2021 mới có thể cấp giấy phép FLEGT đầu tiên. Theo bà Nguyễn Tường Vân, việc cấp giấy phép FLEGT chỉ phải thực hiện với thị trường EU nhưng với việc vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp đã chứng minh chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam luôn đáp ứng được tiêu chí này với các thị trường khác.
Nguyễn Hồng