Trí tuệ và bản lĩnh của Đảng cầm quyền

|

Dư luận xã hội quan tâm nội dung bàn thảo tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ sáu họp đầu tháng 10 này với nhiều vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết quốc kế dân sinh, như tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023; định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị...

Một khối lượng công việc lớn lao, hệ trọng của đất nước được đặt trên bàn một Hội nghị Trung ương, vừa bao gồm những vấn đề thời sự, vừa có ý nghĩa chiến lược cơ bản lâu dài, có những vấn đề rất mới, rất khó, nhạy cảm và chưa có tiền lệ. Điều đó thể hiện sự năng động, nhạy bén trong tư duy lãnh đạo của Đảng, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và toàn xã hội. Đương nhiên, mỗi chương trình nghị sự của một Hội nghị; mỗi chủ trương, quyết sách trong từng thời kỳ cụ thể đều thể hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng tại Hội nghị này, vấn đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” được coi là một trong năm nội dung lớn, được các đại biểu luận bàn để tìm thêm những giải pháp thiết thực, cấp bách nhằm làm tốt hơn nữa vai trò của Đảng cầm quyền trong bối cảnh tình hình đất nước và thế giới có những chuyển động hết sức mau lẹ, phức tạp, khó dự báo.

Thực tiễn từ kết quả qua hai năm chống đại dịch Covid-19 vừa qua, đến chủ trương nhanh chóng thiết lập trạng thái tình hình mới, nhằm ổn định đời sống nhân dân, tăng cường phát triển kinh tế-xã hội - đó là những quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp lòng Dân - ý Đảng. Chín tháng qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8%, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô được bảo đảm cân đối và ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại được duy trì, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế..., là những cố gắng nổi bật của toàn Đảng, toàn Dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước.

Những kết quả to lớn cùng những hạn chế, bất cập, đều gắn với trách nhiệm lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Đi liền niềm phấn khởi, tự hào, chúng ta không thể thờ ơ trước những băn khoăn của dư luận xã hội: Vì sao Đảng đã có chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã và đang tiến hành quyết liệt, nhưng vẫn còn không ít cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao? Vì sao nhấn mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nhưng đó đây vẫn diễn ra hiện tượng vòi vĩnh, sách nhiễu; vì sao đã có nhiều quy định chặt chẽ trong đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhưng vẫn để “lọt lưới” một số người cơ hội, thực dụng? Vì sao không ít những kiến nghị chính đáng của nhân dân, vẫn chưa được một số cấp ủy, chính quyền ở một số nơi quan tâm giải quyết thấu đáo?...

Trước thực trạng đó, việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Trong toàn bộ nội hàm của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc các cấp ủy đảng bám sát nhiệm vụ chính trị, nắm chắc tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu - đó là những nhân tố góp sức quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển đất nước nhanh và bền vững.