NHỮNG TÍN HIỆU VUI
Điểm lại một loạt những đề tài nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng thời gian gần đây cho thấy, đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học đã có những đóng góp nhất định cho nền khoa học nước nhà. Nhiều nghiên cứu từ khoa học cơ bản đến ứng dụng của các giảng viên đã tạo ra những hiệu quả nhất định cho nền khoa học công nghệ nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội nói chung.
Đốt rác không cần dầu, điện bổ sung của Th.S Nguyễn Đức Quyền, Bộ môn Hệ thống năng lượng nhiệt, Viện KH&CN nhiệt-lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội và các cộng sự là một sản phẩm khoa học đã được ứng dụng, triển khai ngoài thực tế. Th.S Nguyễn Đức Quyền cho biết, ưu điểm của lò đốt rác này là không tiêu hao năng lượng bổ sung trong quá trình đốt như điện, dầu mà tận dụng chính rác thải khô để làm mồi đốt kết hợp cùng các van điều chỉnh lưu lượng gió, tạo nhiệt lượng trong buồng đốt. Để tạo ra được sản phẩm này, nhóm tác giả đã phải nghiên cứu và sử dụng các vật liệu đặc biệt, thí dụ gạch xây lò là các loại gạch chịu lửa có hàm lượng cao nhôm 65%, gạch cách nhiệt, xi-măng chịu nhiệt, bông gốm chịu nhiệt độ đến 1.250 độ C và các phụ gia để bảo đảm độ giữ nhiệt tốt. Hiện các nhà khoa học đã đưa ra nhiều loại công suất khác nhau như 250 kg/h, 500 kg/h, 1.000-2.000 kg/h, đáp ứng mọi nhu cầu đốt các loại rác thải sinh hoạt sản sinh ra ngay trong ngày của từng khu vực như thị trấn, xã, cộng đồng khu vực đông dân cư...
Đại diện cho nhóm nghiên cứu của công nghệ này cho biết thêm, ưu điểm khác của công nghệ này là sản phẩm sau đốt có thể tận dụng để làm phân bón, rải đường hoặc đóng gạch, hóa rắn. Lý do vì trong tro xỉ của rác thải có chứa nguyên tố kim loại và các ion có ích như SO4, K, Na, độ mùn, N... có lợi cho việc cải tạo đất trồng. Hiện lò đốt rác đặc biệt này đang được áp dụng tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Dự kiến thời gian tới, lò đốt rác sẽ được áp dụng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Cạn, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Bình Dương,...
Một nghiên cứu khác cũng được đánh giá cao là đề tài nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Phương, Khoa hóa, ĐH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội bởi đây là lần đầu tiên trong lĩnh vực ứng dụng vật liệu mới trong xử lý môi trường, TS Nguyễn Minh Phương đã chế tạo thành công một loại vật liệu mới để xử lý nước nhiễm thuốc trừ sâu trên cơ sở kết hợp giữa đi-ô-xít titan (TiO2) biến tính dạng nano và than hoạt tính.
Giải thích về sự kết hợp này, TS Phương cho biết, TiO2 là một chất xúc tác quang hóa đã và đang được ứng dụng khá rộng rãi trong xử lý môi trường, song TiO2 có nhược điểm là có năng lượng vùng cấm cao, cho nên chỉ có tia UV (tia cực tím) mới có khả năng kích hoạt. Trong môi trường tự nhiên, với lượng tia UV chỉ khoảng 3 - 5%, vì thế không phát huy được hiệu quả xử lý. Từ những kiến thức đã học và tích lũy, TS Phương đã áp dụng kỹ thuật doping, một kỹ thuật mới đang được thế giới quan tâm nghiên cứu trong một vài năm gần đây để biến tính TiO2 bằng các nguyên tố kim loại là Fe, và phi kim là C, N để tạo ra vật liệu TiO2 nano biến tính nhằm tăng năng lượng vùng cấm. Ngoài ra, do TiO2 nano có dạng bột, hạt mịn, khi đưa vào nước dễ bị phân tán ở dạng huyền phù cho nên TS Phương và các cộng sự đã sử dụng than hoạt tính làm từ xơ dừa như một chất mang bền và rẻ tiền, TiO2 nano sẽ được phủ lên trên bề mặt than hoạt tính, tạo điều kiện giúp cho TiO2 phân hủy dễ dàng các chất ô nhiễm. Các thử nghiệm cho thấy, khi đưa vật liệu mới này vào xử lý nước nhiễm thuốc trừ sâu đạt tới hơn 80%. Đây là thành công của đề tài vì để xử lý triệt để ô nhiễm từ thuốc trừ sâu là rất khó khăn...
ĐỪNG ĐỂ CHẤT XÁM “XẾP CHẬT TỦ”
PGS, TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Đại học Lương Thế Vinh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định, đối với các trường đại học, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, các giảng viên còn phải tham gia nghiên cứu khoa học. Việc nghiên cứu khoa học không chỉ giúp cho đội ngũ giảng dạy trong trường đại học nâng cao trình độ chuyên môn mà còn tạo ra được những sản phẩm có giá trị và lôi kéo được sinh viên vào phong trào nghiên cứu khoa học. Ở những nước tiên tiến trên thế giới, các công bố khoa học không chỉ thể hiện đẳng cấp của trường đại học mà còn là yếu tố quan trọng và có tính quyết định để xếp hạng của từng trường.
Việc đánh giá nghiên cứu khoa học trong các trường đại học cần có sự nhìn nhận và đánh giá khác nhau giữa các đề tài thuộc nhóm lĩnh vực xã hội nhân văn, khoa học nghiên cứu cơ bản và khoa học ứng dụng.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, thì việc nghiêu cứu khoa học ở các trường đại học ở nước ta chưa thật sự hiệu quả, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng còn ít, số lượng các sản phẩm khoa học của các trường đại học được thương mại hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó, số lượng sản phẩm “nghiên cứu xong rồi lại cất vào ngăn tủ” là khá phổ biến.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Kinh phí cho nghiên cứu khoa học ở các trường thấp, trừ một số đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp thành phố, thì kinh phí cho các đề tài khoa học cấp trường chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng/đề tài, vì thế không khuyến khích được giảng viên tham gia nghiên cứu. Hơn nữa do tâm lý của chính đội ngũ giảng dạy vẫn đặt nặng việc dạy mà chưa thật sự chú ý đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó là chưa kể việc dạy học so với làm nghiên cứu vẫn nhàn hơn, ít mạo hiểm hơn, đời sống của giảng viên còn chật vật cho nên chưa thật sự yên tâm và đầu tư thời gian cho nghiên cứu khoa học.
Từ chính bản thân mình, Th.S Nguyễn Đức Quyền cũng nhận thấy việc nghiên cứu khoa học trong trường đại học gặp nhiều khó khăn bởi nguồn tài chính không đủ, phải co bên nọ, kéo bên kia mới hoàn thiện được sản phẩm, trong khi đó, sản phẩm sau khi hoàn thiện cần phải ra được thị trường. “Ở Việt Nam, để đưa một sản phẩm khoa học ra được thị trường là vô cùng khó khăn, một phần vì tâm lý sính ngoại của người Việt khiến sản phẩm của các nhà khoa học gặp trở ngại khi cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Thứ nữa, để đưa một sản phẩm ra thị trường thì đòi hỏi phải tiến hành nhiều bước khác nhau, từ đăng ký bản quyền, giới thiệu sản phẩm... Lò đốt rác của chúng tôi để ứng dụng ra ngoài thị trường phải huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và phải tự thân vận động rất nhiều”.
PGS, TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, muốn nghiên cứu trong các trường đại học được đẩy mạnh, trước hết cần tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu. Trong vấn đề này cần lưu ý tránh việc đầu tư, tăng kinh phí theo kiểu bình quân chủ nghĩa mà đầu tư có trọng điểm, đề tài nào thật sự cần thiết và mang lại hiệu quả cao sẽ sẵn sàng đầu tư với kinh phí lớn. Có như vậy mới khuyến khích được các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp liên trường, liên viện, liên ngành, nhất là cần có sự kết nối với các doanh nghiệp để từ đó sớm đưa được các sản phẩm nghiên cứu ra thị trường.
Một trong những lý do khiến các giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng không mặn mà mấy với nghiên cứu khoa học là do thời gian dành cho giảng dạy quá lớn. Ở một số trường, giảng viên phải dạy vượt quá cao số giờ mà Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định. Dạy nhiều như thế, thời gian đâu để cho nghiên cứu khoa học. |