Một con đường cần được khởi tạo lại

|

Với hiện trạng rất nhiều điều cần phải xem xét và điều chỉnh lại để có thể bảo tồn đúng và hiệu quả các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc, PGS, TS Trần Trí Trắc, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu, phê bình sân khấu, Ủy viên Ban Lý luận - phê bình, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xác định lại những đặc trưng cốt lõi của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, và coi đó là những giá trị văn hóa cần được đặc biệt ưu tiên gìn giữ, rồi mới đến câu chuyện phát huy, khai thác.

- Thưa ông, dù luôn được đặt vào vị trí trung tâm trong các chính sách đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật, nhưng các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống vẫn đang sa vào tình trạng khó khăn, bế tắc. Bên cạnh những nguyên nhân đến từ sự thay đổi của đời sống hiện đại, liệu còn có những vướng mắc, bất cập cần thay đổi trong đường hướng bảo tồn và phát huy hiện nay?

- Nói thì hẳn sẽ có nhiều người phản đối, nhưng tôi cho rằng, chúng ta phải hiểu được sân khấu truyền thống là cái gì thì mới có thể bảo tồn, phát huy được nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Riêng về chèo, chúng ta đã có chèo cổ, chèo văn minh, chèo cách mạng và chèo hiện đại. Các loại chèo ấy có thời gian và không gian sinh ra khác nhau, trong điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội... khác nhau. Thời phong kiến sinh ra chèo cổ, thời Pháp sinh ra chèo cải lương văn minh, thời sau Cách mạng Tháng Tám sinh ra chèo cách mạng và thời hiện đại, đổi mới tư duy sinh ra chèo đổi mới. Vậy thì chúng ta chọn loại chèo nào để bảo tồn?

Hiện nay, nhắc đến nghệ thuật sân khấu chèo thì Nhà hát Chèo Việt Nam là đại diện, nhưng nhà hát đó liệu còn diễn truyền thống không hay chỉ diễn chèo cách mạng, chèo cách tân?

- Nếu đặt vấn đề bảo tồn tất cả các loại ấy, thưa ông?

- Thì nó phá nhau. Chính vì vậy, trong nhiều lần trình bày tham luận trên nhiều diễn đàn học thuật suốt mấy chục năm nay, tôi luôn đặt vấn đề: Ta phải đi tìm hạt nhân của chính nó, nó là hạt vừng- gieo xuống đất sẽ nảy ra vừng, chứ đừng "gieo vừng ra ngô"- đó là điều Bác Hồ đã dạy. Hạt vừng ấy chính là chèo cổ, và chèo cổ ấy mới là loại hình nghệ thuật không giống bất kỳ nền sân khấu nào trên thế giới. Nó có ba yếu tố cơ bản: trước hết là tư duy sáng tạo, có hai loại tư duy sáng tạo - một loại là tả thực - tôi tả như cuộc sống thực. Thứ hai là tư duy lãng mạn: đứng trước một sự thực thì tôi cảm xúc, thí dụ: Bác ơi tim Bác mênh mông thế, ôm cả non sông mọi kiếp người - đây là một cách của chèo. Muốn bảo tồn nó thì phải giữ cho được tư duy sáng tạo mà các cụ thường nói là nghệ thuật tả ý. Phương Đông khác phương Tây chính ở điều này, nhưng hôm nay thì tôi không thấy ai giữ, mà cũng không hiểu nó để mà giữ.

Nguyên tắc thứ hai của sân khấu dân tộc là tự sự, không tự sự thì không ra chèo, tuồng. Đó là hình thức tự sự: tôi và anh cùng nói chuyện về nó. Anh là khán giả, tôi là diễn viên, cùng nhau nói chuyện về nhân vật Thạch Sanh. Tức là trên sân khấu không có Thạch Sanh, mà tôi và anh cùng nói về Thạch Sanh, nên chèo cổ mới có câu: Này chị em ơi- phía dưới: Ơi. Có biết tôi là ai không? Anh là Thạch Sanh chứ gì?

Điều quan trọng cuối cùng, nguyên tắc thứ ba, cũng là đặc trưng của sân khấu truyền thống Việt Nam là tôi kể chuyện, nhưng bằng trò diễn. Vậy, tôi diễn một miếng trò này, mà miếng trò đó phải đạt được ba yêu cầu: Đầu tiên là tả thực, từ tả thực biến lên thành phi thực, rồi từ phi thực để biến thành cái đại thực. Nhận thức đúng như vậy thì mới thấy nghệ thuật sân khấu truyền thống của chúng ta độc đáo như thế nào.

Chính vì nhận thức chưa đầy đủ và chính xác về nhân sinh quan, thế giới quan và những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật chèo, nên nhiều vở chèo cổ đã được dựng lại, biên tập lại.

Văn bản bảy vở do Giáo sư Hà Văn Cầu ghi chép lại có thể coi là những văn bản bảo đảm nhất hiện nay. Những bản ghi hình các vở chèo do nghệ nhân diễn lại từ những năm 50-60 của thế kỷ trước ấy có thể coi là chèo gốc theo hệ thống tư liệu mà chúng ta đang có.

- Những bản ghi hình ấy hiện lưu giữ ở đâu, thưa ông?

- Có hai nơi, là Thư viện Quốc gia và Viện Phim Việt Nam, tôi chính là người đi gửi các bản ghi đó tại các địa chỉ đó. Ngày đó một số bản ghi còn bị hỏng, phải thuê mất rất nhiều tiền để chỉnh sửa, hồi phục lại.

- Vậy ở những cái nôi của chèo như làng Khuốc thì liệu còn giữ được và lưu truyền vốn cổ không, thưa ông?

- Lưu truyền được, nhưng cũng bị khác đi mất rồi, bởi có một thời gian chèo bị mai một tại chính nơi đây, về sau, những nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát Chèo Thái Bình xuống giúp người dân khôi phục lại nghệ thuật hát chèo và mang theo phong cách diễn tâm lý của phương Tây để dạy người ta, cho nên người dân ở đó cũng bị "hóa thân" rồi. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam vốn là người dân làng Khuốc, khi về nghỉ hưu lại cũng diễn theo phong cách nhà hát. Thế thì còn đâu?

Nghệ thuật múa rối truyền thống chuyển tải nhiều thông điệp nhân văn. Ảnh: Anh Sơn

- Với hiện trạng ngổn ngang như vậy, liệu có thể bắt đầu từ đâu để khôi phục vốn cổ?

- Có một thực tế là, các nước hiện nay đang đi theo mô hình: kinh tế văn hóa du lịch, biến nghệ thuật thành một thứ hàng hóa trong du lịch, chứ không phải bảo tồn nó vì giá trị văn hóa tự thân. Chúng ta cũng đang đi theo con đường này, ngay từ tư duy.

Những đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống hàng đầu hiện nay đều phải thực hiện cơ chế tự chủ, họ nuôi họ còn không xong, lấy đâu nguồn lực để thực hiện các dự án bảo tồn.

- Nhưng nếu nhìn ngược lại những trao đổi của ông từ đầu cuộc nói chuyện đến giờ, thì lại có thể thấy con đường để phục hồi nghệ thuật truyền thống đã được định hình, dù rất gian nan?

- Quan điểm của tôi là như thế này: Nhớ làm theo lời Bác. Bác dặn: Nghệ thuật Việt Nam hay lắm, các cháu phải cố gắng nghiên cứu, đừng để những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây trói buộc khiến ta không thể thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta. Và chớ có gieo vừng ra ngô.

Bác dạy như thế, cứ thế mà làm theo lời Bác thôi.

Vậy nên, việc đầu tiên là phải nhận thức lại hạt nhân của nghệ thuật sân khấu truyền thống theo từng loại hình, để lấy đó làm cơ sở bảo tồn, rồi mới tính đến chuyện phát huy.

Điều nữa là, những người làm nghề mong được cơ quan quản lý lắng nghe. Cơ chế thị trường khiến cho mọi giá trị đều được soi chiếu dưới góc độ kinh tế, tuy nhiên, cần nhìn nhận việc bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống theo giá trị văn hóa tự thân của nó.

Vì sao ngày trước nghệ thuật sân khấu lại được phục hồi và phát triển mạnh mẽ như vậy? Ngoại trừ yếu tố ít bị cạnh tranh bởi các loại hình khác, còn có nguyên nhân rất quan trọng là những người làm nghề hầu như không tính đếm đến chuyện lợi ích vật chất, mà làm nghề say mê. Cơ chế hiện nay thì luôn đòi hỏi những con số thù lao, thu nhập.

Vậy nhưng, để phục hồi và bảo tồn hiệu quả nghệ thuật sân khấu truyền thống cần phải có người yêu, say, mê với một đội cộng tác viên hiểu, yêu, say, hy sinh cho cái lý tưởng ấy, thì rồi mới đi vận động nguồn lực tài chính để thực hiện. Và cũng cần xem xét lại những cách thức, chương trình mà chúng ta đã tiến hành để rút kinh nghiệm.

Như một chương trình mà Bộ Văn hóa-Thông tin trước đây triển khai, đó là sân khấu học đường, cũng có nhiều điều đáng để suy nghĩ. Hồi đó, quỹ Ford tài trợ kinh phí, nhưng cách thức tiến hành do Bộ phụ trách, và cách làm không phù hợp. Bởi vì, đáng lẽ nên xác định việc tiến hành dự án ấy hướng đến mục tiêu để các em học sinh hiểu để yêu và rồi thủy chung với các loại hình nghệ thuật truyền thống, thì dự án lại dạy các em hát và kéo đàn, chỉ trong hai tháng, thì làm sao có kết quả được? Sau khi dự án kết thúc, có tặng lại các đơn vị triển khai một số phương tiện âm thanh, nhưng việc phát huy các phương tiện này không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Đến nay vẫn có một số nghệ sĩ và tổ chức muốn khởi động lại chương trình sân khấu học đường. Quan điểm của tôi là, chúng ta đã có hai lần tiến hành chương trình sân khấu học đường tại nhiều địa phương trên cả nước, cần phải rút ra kinh nghiệm để nếu khởi động lại thì tìm ra cách thức, mục tiêu phù hợp và bảo đảm nguồn kinh phí như thế nào? Trả lời được các câu hỏi đó thì hãy tiến hành.

- Xin cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của ông!