Tháo gỡ khó khăn về nhà ở, thiết chế văn hóa

|

Nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân, người lao động là vấn đề được đề cập nhiều năm nay. Thực tế các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước đang hướng trực tiếp tới việc giải quyết các nhu cầu thiết yếu, song trong quá trình triển khai vẫn gặp không ít vướng mắc.

Từ niềm mong mỏi…

Căn phòng trọ chưa đầy 10 m2 tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa lúc nào cũng ngột ngạt, nóng bức. Quê ở huyện Ba Vì, cuộc sống khó khăn nên vợ chồng chị Hoa gửi con gái ba tuổi về quê cho ông bà nội trông giúp. "Sinh con ra, ai cũng muốn gần, chăm sóc, dạy dỗ nhưng phần vì không có thời gian, phần vì nhà trọ chật chội quá nên chúng tôi đành phải xa con. Công nhân, người lao động ngoài mong tiền lương ổn định, cũng mong lắm một chốn an cư", chị Hoa tâm sự.

Gần tám năm tha hương làm công nhân, chị Hoa nhẩm tính: Nếu để con sống cùng hai vợ chồng, mỗi tháng phải chi thêm bốn triệu đồng vì phải nhờ bà lên trông đỡ, phải thuê nhà rộng hơn hoặc thuê thêm một phòng trọ nữa, rồi tiền sinh hoạt cho bốn người, sơ sơ đã mất hơn nửa thu nhập của hai vợ chồng. Thực tế, rất nhiều công nhân có hoàn cảnh như chị Nguyễn Thị Hoa.

Theo Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), ở những tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… nhu cầu về nhà ở chiếm tới 70-80% số công nhân, lao động. Trong khi, thu nhập để mua nhà rất khó khăn. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp với gần 170 nghìn công nhân đang làm việc, nhu cầu nhà ở của người lao động hiện nay rất lớn nhưng mới chỉ bố trí được 22 nghìn chỗ ở. Trong số 10 khu công nghiệp thì chỉ bốn nơi có khu nhà ở công nhân, nhưng cũng đã xây dựng từ gần 20 năm trước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra con số, hiện có 60% số công nhân đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự xây dựng. Trong đó nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá thành thuê đắt đỏ, chiếm tới 25% đến 30% thu nhập của công nhân… càng khiến sinh hoạt của họ eo hẹp hơn. Ngoài nhà ở, các nhu cầu khác về văn hóa, giải trí của người lao động cũng chưa được bảo đảm.

Ðến việc tháo gỡ "nút thắt"

Để tạo sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động, năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án Xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và địa bàn có công nhân lao động cư trú tập trung giai đoạn 2022-2025, nhằm tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong tình hình mới. Đến nay toàn thành phố có 56 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã đi vào nền nếp, phù hợp và thiết thực với cơ sở. Là đơn vị thụ hưởng chính sách này, Công ty cổ phần Dệt 10/10 đóng trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tích cực triển khai xây dựng các hạng mục phục vụ công nhân, người lao động. Ông Nguyễn Mạnh Tuân, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10/10 cho biết: "Đơn vị đã xây dựng một khu nhà hai tầng để phục vụ các hoạt động hành chính, hội họp và sinh hoạt chung. Bên cạnh đó là khu vực hội trường và phòng đọc sách báo chung dành cho công nhân. Phía trước phòng đọc có sân chơi bóng bàn, cầu lông, phục vụ đầy đủ nhu cầu về thể thao giải trí sau giờ làm việc của người lao động".

Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Ngay sau đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai các dự án đầu tiên tại một số tỉnh như Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang… Mới đây, kế hoạch đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 cũng thu hút sự quan tâm của công nhân và toàn xã hội.

Tuy nhiên việc xây dựng nhà ở công nhân đang gặp vô vàn khó khăn. Trong đó, nan giải nhất là vốn còn hạn hẹp, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay. Các chính sách ưu đãi về vốn theo quy định của pháp luật hiện chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở công nhân… Tại Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã đề nghị cả hệ thống chính trị, công đoàn các cấp và cộng đồng doanh nghiệp phải quan tâm thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách cho người lao động; khẩn trương triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khuyến khích người dân cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà trọ trên địa bàn tỉnh để ngày càng đáp ứng tốt hơn về nhà ở cho người lao động…

Ở tầm vĩ mô, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ những vấn đề lớn liên quan thể chế, chính sách có tác động lớn đến công nhân, lao động, trong đó, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Ðề án "Ðầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Bên cạnh huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, Nhà nước cần bố trí thêm ngân sách để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất; có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân, lao động được phép mua hoặc thuê đối với các dự án nhà ở, để cho chính công nhân, lao động doanh nghiệp đó mua hoặc thuê.