Đặc sản miền Tây tất bật vào vụ tết

|

Các làng nghề truyền thống sản xuất đặc sản tết ở miền Tây đang tất bật vào mùa, chuẩn bị sản phẩm cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trong không khí tất bật những ngày cuối năm, các làng nghề làm đặc sản tết như làm bánh tráng, cốm gạo, các loại khô... đang hoạt động hết công suất để đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Do là đặc sản truyền thống gắn liền với nhu cầu mỗi nhà nên nhiều năm nay các sản phẩm trên đặc biệt được khách hàng ưa chuộng.

Ngoài ra, nông dân trồng quýt hồng, quýt chậu trưng tết hay đu đủ vàng tại miền Tây cũng đang tất bật chăm sóc để cung ứng ra thị trường những loại trái cây chất lượng, đẹp mắt.

Tết không chỉ là thời gian sum vầy bên gia đình, mà còn là dịp để thưởng thức những đặc sản truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của từng vùng miền. Đặc sản tết chính là những món ăn, những hương vị mà người Việt đã gìn giữ qua bao thế hệ.

Nông dân “thủ phủ” quýt hồng Lai Vung đang tất bật chăm sóc quýt hồng để kịp cung ứng cho thị trường tết. Hiện quýt hồng đã chuyển sang màu cam hồng, sẽ kịp chín đẹp vào đúng Tết Ất Tỵ 2025. Ông Đoàn Anh Kiệt trồng 5.000m2 quýt hồng cho biết sẽ cung ứng cho thị trường hơn 10 tấn quýt. Do chăm sóc theo hướng hữu cơ nên quýt đẹp, to tròn, ngọt thịt. Ngoài bán trái, ông còn bán vé cho khách vào vườn tham quan.

Quýt hồng trồng chậu từ lâu đã được khách hàng cả nước ưa chuộng vì sự độc lạ, ý nghĩa tài lộc, may mắn. Ông Nguyễn Hùng Dũng, xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) chuẩn bị hơn 300 chậu quýt hồng trưng tết để cung ứng cho khách hàng. Hiện hơn 150 chậu đã có khách đặt trước, với giá bán mỗi chậu từ 2-4 triệu đồng. Để có những chậu quýt hồng trưng tết đẹp mắt, ông phải chuẩn bị cây phôi khoảng 2 năm trước, xử lý trái rồi chăm sóc theo chế độ đặc biệt.

Ngoài ra, đu đủ vàng trưng tết cũng được nhiều nông dân miền Tây trồng để cung ứng cho khách hàng. Với vẻ ngoài đẹp mắt, lại mang ý nghĩa tài lộc nên rất hút khách.

Làng bánh tráng Tân Phước (Đồng Tháp) cũng đang tất bật vào vụ sản xuất tết. Nhiều cơ sở tăng công suất hoạt động lên 200% vẫn không đủ hàng cung cấp. Chị Mai Thị Bích Hiền cho biết mỗi ngày chị sản xuất từ 2.000-2.500 bánh, cao gấp đôi ngày thường. Các loại bánh tráng ngọt, bánh tráng nhúng, bánh tráng nướng được khách hàng ưa chuộng, dùng trong bữa ăn ngày tết. Bánh tráng xong được đưa đi phơi nắng, sau đó mang vào đóng gói để thương lái đến mua và chở đi tiêu thụ.

Cốm gạo cũng là đặc sản truyền thống được nhiều người dân miền Tây ưa chuộng, đặc biệt là trẻ em. Do hương vị thơm ngon, bùi béo nên rất được lòng khách hàng. Theo chủ cơ sở cốm gạo Thanh Thanh Thúy (Đồng Tháp), thời gian gần đây, cơ sở phải tăng thêm số lượng công nhân để kịp giao hàng cho các tỉnh. Để nâng cao giá trị sản phẩm, cơ sở giới thiệu sản phẩm mới là cốm gạo hạt sen, đậu phộng. Đồng thời, cơ sở cũng đầu tư thêm thiết bị máy móc tiên tiến để tăng năng suất và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, các làng khô tại Đồng Tháp, An Giang cũng tăng công suất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Các loại khô các lóc, khô sặc rằn được khách hàng ưa chuộng, trở thành đặc sản không thể thiếu đối với nhiều người dân miền Tây.