Nhiều tiện ích từ tòa án điện tử

|

Chuyển đổi số đang mang lại sự phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính tư pháp nói riêng. Theo ghi nhận thực tế tại Tòa án nhân dân (TAND) quận 1 và TAND quận Bình Tân (TPHCM), công nghệ đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Một phiên tòa xét xử trực tuyến tại TAND quận 1 ngày 17-12-2024

Người dân hưởng lợi

Tòa án điện tử là mô hình chuyển toàn bộ hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường số, với mục tiêu “mọi nghiệp vụ thực hiện trực tuyến, mọi quy trình thực hiện công khai, mọi xử lý được ứng dụng công nghệ”. Với mục tiêu ấy, TAND quận 1 đã xây dựng và sử dụng hệ thống quản lý trong mọi hoạt động công tác.

Cụ thể, khi người dân đến tòa án nộp đơn khởi kiện, họ sẽ được hướng dẫn mở tài khoản bằng thông tin sinh trắc học hoặc có thể tự mở tài khoản tại nhà. Sau khi hoàn tất mở tài khoản, người dân đang ở bất cứ nơi đâu cũng có thể nộp đơn khởi kiện, cung cấp các tài liệu, chứng cứ thông qua đường dẫn (link) mà tòa án cung cấp. Mọi thông báo và văn bản tố tụng, kết quả giải quyết, tài liệu chứng cứ sẽ được cập nhật trong tài khoản của đương sự. Khi vụ án được tòa án thụ lý, đương sự nộp bản chính cho tòa án qua đường bưu điện để tòa án xác thực chứng cứ và lưu hồ sơ. Tài liệu sau khi được tòa án xác thực sẽ được số hóa vào kho dữ liệu. Đương sự, luật sư trong vụ án, những người tiến hành tố tụng được phân công giải quyết vụ án có quyền tiếp cận hồ vụ án thông qua tài khoản của mình.

Theo ông Nguyễn Cao Trí, thành viên Ban chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử, TAND quận 1, thông thường, sau khi nộp đơn khởi kiện, đương sự phải lên tòa án để biết đơn có được thụ lý hay cần bổ sung tài liệu, chứng cứ gì không. Với hệ thống này, dù đang ở bất kỳ ở địa điểm nào, đương sự chỉ cần vào tài khoản thì cũng có thể cập nhật được thông tin về vụ kiện của mình. Đáng chú ý, hệ thống của TAND quận 1 phân công thẩm phán ngẫu nhiên và độc lập ngay khi bộ phận thụ lý nhận đơn khởi kiện từ đương sự. Chánh án TAND quận có thể biết được hồ sơ đang ở giai đoạn nào, thẩm phán tác động hồ sơ như thế nào, hoãn xét xử ra sao, lý do hoãn có phù hợp hay không… Đối với vụ án hình sự, Chánh án TAND quận sẽ nắm được đến khâu thi hành án hình sự.

Nhân rộng mô hình

Ngoài ra, với nền tảng dữ liệu số hóa, trong quá trình xét xử, TAND quận 1 đã triển khai áp dụng phần mềm hỗ trợ tranh tụng tại các phiên xét xử. Đây là phần mềm có chức năng trình chiếu tài liệu, chứng cứ đã được số hóa trên màn hình công khai tại phòng xử án; cấp quyền truy cập, chia sẻ hồ sơ trực tiếp cho những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Ưu điểm của phần mềm hỗ trợ tranh tụng là chạy trên máy tính bảng, phù hợp cho các đương sự, luật sư hay người tiến hành tố tụng tương tác, như so sánh tài liệu, phóng to, thu nhỏ, đánh dấu lên trên các tài liệu, chứng cứ đã được số hóa do thư ký phiên tòa chuẩn bị sẵn hoặc do các bên giao nộp tại phiên tòa nếu được sự đồng ý của hội đồng xét xử. Từ đó, luật sư, kiểm sát viên, đương sự sẽ tranh tụng một cách trực quan, nhằm làm sáng tỏ các chứng cứ do mình cung cấp.

Theo Phó Chánh án TAND TPHCM Quách Hữu Thái (Trưởng Ban chỉ đạo về chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử tại TAND hai cấp TPHCM), có thể nói, TAND

quận 1 là đơn vị đầu tiên xây dựng được một hệ thống đúng ý nghĩa tòa án điện tử. Ban chuyển đổi số của TAND TPHCM đã thẩm định 2 lần và đánh giá rất cao hệ thống này, đồng thời chỉ đạo các TAND quận, huyện tìm hiểu hệ thống này. Hiện nay, TAND các quận 7, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Tân đã tìm hiểu hệ thống quản lý tòa án điện tử mà TAND quận 1 đang áp dụng.

Ông Nguyễn Đức Phước, Chánh án TAND quận Bình Tân, nhận xét, qua tìm hiểu mô hình trên cho thấy, để xây dựng tòa án điện tử, việc số hóa hồ sơ là yêu cầu bắt buộc. Ở TAND quận Bình Tân, mỗi tuần, các thư ký phối hợp với bộ phận văn phòng số hóa hàng ngàn hồ sơ. TAND quận Bình Tân đã đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nhanh chóng số hóa toàn bộ dữ liệu, từ đó xây dựng và vận hành hệ thống tòa án điện tử dùng chung tại đơn vị tòa án cấp quận, huyện đạt hiệu quả cao nhất. Ông Nguyễn Đức Phước khẳng định, khi hệ thống quản lý tòa án điện tử đi vào hoạt động, kết hợp với hệ thống xét xử trực tuyến của đơn vị thì sẽ nâng cao rõ rệt hiệu năng, hiệu suất công việc của tòa án, hỗ trợ thẩm phán rút ngắn thời gian giải quyết tiến độ vụ án.

Từ ngày 31-12-2024, TAND TPHCM triển khai dịch vụ tư pháp công trực tuyến về việc thu, nộp tạm ứng án phí và lệ phí tòa án thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia trên toàn hệ thống TAND hai cấp TPHCM đối với các vụ án sơ thẩm. Đối với các vụ án phúc thẩm, dịch vụ này dự kiến từ ngày 31-5-2025.

Để phục vụ cho việc xây dựng hệ thống tòa án điện tử, tháng 11-2023, TAND quận 1 (TPHCM) thành lập tổ số hóa. Đến nay, đã số hóa:

- 21.654 văn bản tố tụng đã phát hành

- Hơn 4.923 công văn đến, hơn 729 công văn đi

- Đã số hóa 100% quyết định thi hành án từ năm 2004 đến nay

- Đã số hóa 100% hồ sơ thi hành án từ 2004-2023 và đang thực hiện đến hiện tại

- Tính từ 1-10-2023 đến nay, đã số hóa 100% hồ sơ thụ lý, bản án, quyết định, văn bản tố tụng đã phát hành, với hơn 5.767 hồ sơ, tương đương hơn 15 triệu trang tài liệu