Gần 2,32 triệu tỷ đồng cho hơn 411.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vay

|

Trong 5 năm qua, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp TPHCM đã thực hiện với số tiền đạt gần 2,32 triệu tỷ đồng cho vay 411.474 lượt khách hàng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Ngày 20-11, UBND TPHCM vừa có báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TPHCM 2020 - 2025. Theo đó, trong 5 năm qua, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp TPHCM đã thực hiện với số tiền đạt gần 2,32 triệu tỷ đồng cho vay 411.474 lượt khách hàng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Trong đó, các lĩnh vực cho vay tiêu biểu là cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn do hệ thống các chi nhánh Agribank trên địa bàn TPHCM thực hiện đạt 21.405 tỷ đồng cho vay 6.961 lượt khách hàng với số lượng thực hiện tăng dần qua các năm; cho vay lĩnh vực xuất khẩu cũng được tổ chức, thực hiện xuyên suốt với sự tham gia của các chi nhánh Vietcombank tại TPHCM với dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 378.974 tỷ đồng cho vay 107.118 lượt khách hàng….

Theo UBND TPHCM, xuất phát từ nguyên nhân tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian qua có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, do đó, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thành ủy, UBND TPHCM và lãnh đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức. Vì vậy, Chương trình đã được các đơn vị chủ động triển khai thực hiện nhiều hơn và đa dạng hơn các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tạo nên sự thành công chung của Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2025.

Bên cạnh đó, do Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được thực hiện xuyên suốt từ năm 2012 đến nay nên các đơn vị được giao phối hợp thực hiện ngày càng có nhiều kinh nghiệm và thuận lợi hơn trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Hoạt động tiếp cận và hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện ngày càng hiệu quả hơn thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động của ngành ngân hàng, với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy khách hàng làm trung tâm, đã ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ tín dụng.

Kết quả thực hiện việc kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã được Chương trình thực hiện hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, UBND TPHCM cũng đã nêu một số hạn chế và khó khăn. Cụ thể, theo Kế hoạch số 4857/KH-UBND ngày 18-12-2020 của UBND TPHCM về Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố, việc kết nối giữa “tổ chức tài chính và nhà nước” và doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân là do NHNN chỉ quản lý các tổ chức tín dụng được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, trong khi “tổ chức tài chính và nhà nước” không thuộc thẩm quyền quản lý của NHNN.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua đang được nhiều ngân hàng quan tâm, hỗ trợ cho vay và cung ứng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, những tồn tại nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khá lớn như tài chính thiếu minh bạch, vốn tự có thấp, quy mô nhỏ, kinh nghiệm xây dựng và hoạch định kế hoạch còn hạn chế... nên cũng gặp khó khăn và hạn chế khi tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Đề xuất liên quan Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong giai đoạn 2025 – 2030, UBND TPHCM cho biết, việc thực hiện kết nối, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay đã trở thành chương trình hành động và giải pháp được thực hiện thường xuyên, liên tục của ngành ngân hàng, không còn mang ý nghĩa trọng tâm, trọng điểm và có tính đột phá như giai đoạn trước. Do đó, đề xuất không đưa chương trình này vào Nghị quyết các chương trình đề án, trọng tâm giai đoạn 2025- 2030. Tuy nhiên, việc tổ chức, thực hiện chương trình sẽ vẫn tiếp tục được triển khai theo chương trình công tác hàng năm của ngành ngân hàng theo ngành dọc, gắn với định hướng điều hành của Ngân hàng Trung ương cũng như các đối tượng tham gia chương trình là các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố và UBND TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.

Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 – 2025 nằm trong nhóm 49 chương trình, đề án thuộc 4 chương trình đột phá, trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM.