Nâng cao ý thức vì thành phố sạch, xanh

|

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân không thải bỏ rác ra đường, kênh rạch đã được các doanh nghiệp trong Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TPHCM triển khai và bước đầu đạt những kết quả tích cực. \r\n

Thu gom rác trên kênh rạch tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền

Đại diện Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc cho biết, tại KCN đã xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông để phục vụ cho 158 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất, với khoảng 20.000 công nhân trực tiếp làm việc tại đây. Để đảm bảo các tuyến đường trong khu và khu vực lân cận luôn xanh, sạch đẹp, công nhân các nhà máy sản xuất đã được tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo đó, rác thải thông thường và rác thải nguy hại theo quy định của Bộ TNMT được các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển xử lý theo quy định. Riêng lượng rác thải sinh hoạt tại khu vực lưu trú công nhân được phân loại, chứa vào thùng đựng rác đặt tại từng tầng. Hàng ngày, đơn vị thu gom rác chuyển bằng thang máy xuống tầng trệt để đưa lên xe ép rác vận chuyển về nơi trung chuyển để chuyển giao xử lý. 

Thực tế cho thấy, để có thể duy trì chất lượng môi trường xanh, sạch, các DN không những làm gương trong công tác thu gom, chuyển giao và xử lý chất thải mà còn phải tổ chức nhiều hoạt động phong trào để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ Thuỷ lợi cho biết, tổng chiều dài kênh mương các loại mà đơn vị quản lý lên đến 1.123km, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất. Trong đó, tại kênh chính Đông (với chiều dài 45km, bắt nguồn từ hồ Dầu Tiếng đi qua địa bàn tỉnh Tây Ninh 34km), trước đây tình trạng một số người dân, đơn vị sản xuất đã có hành vi xả nước thải, rác thải, súc vật chết… vào kênh gây ô nhiễm nguồn nước. Do đặc điểm của công trình thủy lợi trải dài trên diện rộng nên việc kiểm tra, phát hiện các trường hợp xả chất thải, nhất là vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, ban đêm thường gặp nhiều khó khăn. 

Từ thực trạng trên, thực hiện Chỉ thị 19, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ Thuỷ lợi đã phối hợp đơn vị liên quan thực hiện vận động 6.000 hộ dân ký cam kết không xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi; riêng với các hộ chăn nuôi cam kết xây dựng hầm biogas, không vứt xác động vật, xả trực tiếp chất thải từ quá trình chăn nuôi xuống kênh rạch. Công ty lắp đặt bổ sung biển cấm xả rác, camera giám sát, hàng rào tại các vị trí xung yếu trên công trình thủy lợi. Tại các cống điều tiết, công ty lắp đặt máy vớt rác tự động kết hợp thường xuyên nạo vét, thông thoáng dòng chảy để đảm bảo khả năng dẫn nước và phát hiện kịp thời các trường hợp xả thải ô nhiễm vào nguồn nước. Song song đó, trong nội bộ công ty cũng phát động phong trào “cán bộ, đảng viên và người lao động làm gương trong thực hiện không xả rác ra đường và kênh rạch”. Nhờ đó mà chất lượng nguồn nước kênh chính Đông gần đây luôn đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định, cung cấp đủ nước cho nhà máy nước Kênh Đông với lưu lượng bình quân hiện nay khoảng 180.000m³/ngày.

Thắt chặt công tác kiểm tra, xử lý

Dư luận xã hội đánh giá Chỉ thị 19 được Thành ủy TPHCM ban hành là kịp thời và rất cần thiết, giúp cải thiện bộ mặt môi trường thành phố ngày càng xanh hơn, sạch hơn. Tuy nhiên, đi cùng với tuyên truyền, cần tăng cường thêm các chế tài xử lý mạnh hơn đối với hành vi vi phạm môi trường. Đại diện Công ty TNHH Thoát nước TPHCM chia sẻ, tại nhiều tuyến đường, nhất là gần khu vực nhà hàng, khách sạn, tình trạng rác thải ni lông kèm với dầu mỡ gây nghẹt hệ thống thoát nước vẫn còn diễn ra. Hiện công ty đã cho lắp đặt lại loại mặt cống có khả năng ngăn rác thải khi thu nước. Tuy nhiên, về lâu dài và bền vững thì vẫn cần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. 

Ở góc độ khác, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho biết, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố tiếp nhận khoảng 12.000 tấn rác thải sinh hoạt. Tốc độ gia tăng lượng rác thải hàng năm rất lớn (10%). Chưa kể, mỗi ngày phát sinh thêm gần 4.000 tấn rác thải các loại (công nghiệp, nguy hại, y tế, xây dựng…). Do đó, việc tham gia, chung sức từ cộng đồng để bảo vệ môi trường rất quan trọng. Nhất là, cần xử phạt để răng đe các trường hợp cố tình vi phạm môi trường, nhưng khi bị công nhân vệ sinh nhắc nhở thì có có hành vi lăng mạ, hành hung. Bên cạnh đó, các quận huyện cần đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn kết hợp thắt chặt công tác quản lý chủ nguồn thải bằng cách chế tài nghiêm khắc. Song song đó, cần phải phải bổ sung, sửa đổi quy trình, định mức, đơn giá đối với hoạt động quét, thu gom, vận chuyển, xử lý rác, nước thải… để tạo nội lực bền vững hơn cho các đơn vị thực hiện dịch vụ công ích, cải thiện mức lương cũng như chất lượng đời sống của người công nhân vệ sinh. 

Về lâu dài, theo các chuyên gia môi trường, thành phố cần tính đến phương án hợp nhất công ty dịch vụ công ích để tránh phân tán trong hoạt động thu gom, quét dọn rác thải trên địa bàn thành phố. Điều này cũng sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng nhiều điểm đen bãi rác tự phát tái đi tái lại ở những khu vực dân cư, tuyến đường giáp ranh giữa các quận huyện. Quan trọng hơn, sự hợp lực trong hoạt động thu gom rác thải còn giúp doanh nghiệp dần củng cố nội lực hoạt động, đầu tư, đổi mới trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải hiện đại hơn, có tính đến yếu tố tự động hoá để đáp ứng xu hướng phát triển chung của thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Công ích quận 9: 

Vấn đề chung là chuyển biến ý thức của người dân. Để chấn chỉnh tình trạng xả rác bừa bãi hiện nay, ngoài công tác tuyên truyền, nhất thiết phải mạnh tay xử phạt những người dân có hành vi vi phạm môi trường. Các địa phương cần có đội ngũ chuyên trách xử phạt vi phạm này, thay vì giao cho đội quản lý trật tự đô thị kiêm nhiệm - dễ dẫn đến tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Một vấn đề khác là chấn chỉnh hạ tầng tiếp nhận thu gom, vận chuyển rác. Cụ thể, với hộ gia đình cần có quy định thời gian bỏ rác trước nhà. Ngoài việc thiết lập điểm hẹn, trạm trung chuyển hợp lý hơn, cần tính đúng, tính đủ đơn giá thu gom, vận chuyển, quét dọn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công ích hoạt động ổn định. Trên thực tế, việc đơn giá tính quá thấp khiến mức lương công nhân vệ sinh chỉ khoảng 3-6 triệu đồng/tháng, không đủ tái tạo sức lao động, vì vậy cần có giải pháp tăng thêm thu nhập cho đối tượng này.

Ông Lê Trung Tuấn Anh - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn TPHCM: 

Để có thể tăng hiệu quả công tác xử phạt, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công ích cần thiết lập kênh kết nối thông tin với chính quyền địa phương. Theo đó, công nhân vệ sinh môi trường trực tiếp ghi nhận, chụp hình, quay video… sau đó chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm. Sở đã có kiến nghị với UBND TP về việc cần thiết phải có cán bộ chuyên trách về môi trường tại địa phương để đảm trách công tác này được xuyên suốt.

Về định mức thu gom, quét dọn rác thải, cho đến nay sở vẫn chưa ghi nhận phản ánh nào từ chính quyền địa phương. Để có thể cải thiện thu nhập của công nhân vệ sinh, sở rất cần các công ty dịch vụ công ích lập những thống kê phản ánh cụ thể, chi tiết hơn. Đây sẽ là cơ sở để sở xây dựng giải pháp, đề xuất tháo gỡ nhanh khó khăn cho công nhân vệ sinh với UBND TPHCM.