Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo

|

Nhu cầu điện năng cho phát triển đất nước ngày một tăng cao. Trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp đã khai thác cạn kiệt thì phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đang được xem là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, để có thể khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường tiềm năng này, Chính phủ cần có những hỗ trợ cụ thể hơn nữa.\r\n

Điện mặt trời tại hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: CAO THĂNG

Nguồn cầu tăng mạnh

Theo Bộ Công thương, hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 55.000MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300MW, bao gồm cả nguồn NLTT thì công suất mới đạt gần 60.000MW. Tuy nhiên theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung 5.000MW các loại.

Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ, hoặc chưa xác định được tiến độ còn rất lớn. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần. Do đó, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 trở đi, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án NLTT như gió, mặt trời là cần thiết và cấp bách.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhìn nhận những năm qua và giai đoạn sau 2020 - 2030, nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện vẫn tăng trưởng cao ở mức 7,5%-8%/năm. Điều này gây nhiều khó khăn, thách thức cho hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã khai thác hết các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện; nguồn nhiên liệu than, khí cũng đang gặp khó khăn, phải nhập khẩu; bên cạnh đó, nhiều dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. 

Cần chính sách tốt cho nhà đầu tư

Có thể thấy rằng, sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của NLTT thời gian qua cũng còn gặp một số hạn chế nhất định. Ví dụ như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải tỏa hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định. Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư.

Theo một số ý kiến của doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn và khuyến khích đầu tư, phát triển nguồn năng lượng tiềm năng này, Chính phủ cần có thêm nhiều ưu đãi và hỗ trợ cho doanh nghiệp hơn nữa.

Bà Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc Phát triển thương hiệu Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (Solar BK) đề xuất, Chính phủ cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển trong nước và xuất khẩu như bảo hộ sản phẩm, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành và liên ngành. Bên cạnh đó, các sở ngành cũng cần sớm có những chương trình hành động phổ biến rộng rãi quy chuẩn chất lượng thiết bị phù hợp với thị trường Việt Nam; khuyến khích và thúc đẩy chương trình đổi mới công nghệ, phát triển bền vững.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cũng kiến nghị rằng, Chính phủ cần khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các bộ ngành và UBND các tỉnh thành lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà, đồng thời có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí ban đầu nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà; Bộ Công thương, Bộ KH-CN sớm ban hành tiêu chuẩn điện mặt trời áp mái nhà; ngân hàng, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời áp mái nhà tại Việt Nam.

Nền kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra thách thức rất lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước. Để khuyến khích phát triển NLTT, Bộ Công thương cũng đang xây dựng các chương trình hành động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý ngành, bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam.

Đánh giá tầm quan trọng của năng lượng sạch, NLTT đối với nền kinh tế, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách chú trọng phát triển NLTT. Đặc biệt, gần đây nhất, Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thông qua. Nghị quyết 55 cũng nêu rõ nhiệm vụ tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư; xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường.