Cả chục năm phải sống khổ sở với dòng nước đen ngòm

|

Người dân sống tại tổ 5, khu vực 5, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tiếp tục có phản ánh đến báo chí việc cả chục năm qua họ phải sống khổ sở với dòng nước đen ngòm, hôi thối ở cống thoát nước khu công nghiệp (KCN) Phú Tài.

\r\n

Clip PV Báo SGGP ghi nhận tại hiện trường:

Dân kêu trời không thấu

Giữa trưa nắng gắt, nhiều người dân đưa chúng tôi ra cống nước thải đường 19- KCN Phú Tài, nằm dọc quốc lộ 1A (đoạn tổ 5, khu vực 5, phường Trần Quang Diệu) để ghi nhận thực tế tình trạng ô nhiễm...

Theo ghi nhận, dòng nước cả đoạn cống đen ngòm như mực, sủi bọt và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Ngoài nước thải đen ngòm, rác thải sinh hoạt ngập đầy đoạn cống góp phần gây ô nhiễm nặng.

Người dân tổ 5 bịt mũi dắt chúng tôi đi ghi nhận đường cống ô nhiễm. Ảnh: NGỌC OAI
Nước cống đen ngòm như mực, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Ảnh: NGỌC OAI

Bà Võ Thị Bé Bảy (47 tuổi), người dân ở tổ 5 (khu vực 5, phường Trần Quang Diệu) bức xúc: "Đoạn cống nước thải kéo dài gây ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân, nhưng có 20 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp của mùi hôi thối, ô nhiễm. Sự việc diễn ra đến nay đã trên 10 năm. Tùy theo thời điểm có những lúc nước cống trong, nhưng có lúc thì đen ngầu như mực, cứ thời điểm nắng nóng nước bốc mùi thối nhức lên tận óc, không sao chịu nỗi…"

Theo bà Bảy, người dân lần ra đường thải rò rỉ ra từ một nhà máy bia, đóng trong KCN Phú Tài thải ra.

“Nhiều năm trở lại đây chúng tôi liên tục phản ánh lên các cấp để mong can thiệp giải quyết. Có thời điểm dân chúng tôi kéo đến phản đối với nhà máy bia, đổ đất chặn dòng cống nước thải lại. Chúng tôi đã phản ánh, làm đủ mọi cách nhưng vẫn chẳng thay đổi gì hết nên vô cùng bức xúc…”, bà Bảy phản ánh.

Bà Võ Thị Bé Bảy (chỉ tay) bức xúc phản ánh với báo chí. Ảnh: NGỌC OAI
Bà Cao Thị Thúy Nguyệt. Ảnh: NGỌC OAI

Bà Cao Thị Thúy Nguyệt lo lắng nói, hàng chục năm sống với dòng nước thải đen ngòm như vậy khiến cho nhiều người dân lo lắng về bệnh tật của họ lẫn con cái họ sau này. Nhiều căn bệnh như viêm xoang, phổi, dị ứng mũi, viêm họng... đang khiến người dân bất an.

“Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền cần phải sớm vào cuộc để giải cứu giúp dân chứ chúng tôi đã chịu đựng cả chục năm nay rồi, không thể chịu đựng thêm được nữa. Chúng tôi cần phản đấu tranh vì cuộc sống tương lai của con cháu sau này nữa, chứ cứ sống chung với dòng nước hôi thối như vậy sao chịu được.”, bà Cao Thị Thúy Nguyệt (65 tuổi) ở tổ 5 nói.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đặng Thành Hổ, Chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu cho biết, thực trạng ô nhiễm trên đã xảy ra từ khá lâu. Trước đây, phía nhà máy bia từng xả thải nhưng sau đó họ đã khắc phục dứt điểm không còn hôi thối nữa nên người dân yên tâm sinh sống một thời gian. Tuy nhiên thời gian trở lại đây, tiếp tục xảy ra hiện tượng nước thải đen ngòm, hôi thối nên người dân bức xúc phản ứng mạnh...

Cũng theo ông Đặng Thành Hổ, sự cố nước thải ô nhiễm trên nằm trong KCN Phú Tài nên trách nhiệm kiểm tra, khắc phục thuộc Ban Quản lý KKT Bình Định. Về phía UBND phường Trần Quang Diệu khi dân phản ứng lên thì đơn vị chỉ phối hợp chứ không có thẩm quyền kiểm tra, giải quyết.

Luẩn quẩn câu chuyện quản lý

Trước thực trạng trên, PV SGGP Online liên hệ đến ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban quản lý (BQL) KKT tỉnh Bình Định để làm rõ vụ việc. Qua đó, ông Hùng cử 1 cán bộ của Phòng TN-MT (thuộc Ban Quản lý KKT Bình Định) dẫn PV đi thực địa đột xuất tại 2 ống xả nước thải của nhà máy bia đóng tại KCN Phú Tài. Tại thời điểm kiểm tra thực tế, 2 cống xả từ nhà máy bia này vẫn đang có nước chảy rỉ rả, không có hiện tượng xả thải màu đen. 

Vị trí cuối đường cống thoát, nước đọng đen ngòm hôi thối. Ảnh: NGỌC OAI

Vị cán bộ Phòng TN-MT dẫn đường cho biết, tình trạng cống nước ô nhiễm cũng một phần do người dân sống xung quanh thải ra, mùa nắng nước đọng đen và hôi thối.

“Thực ra, trong công tác quản lý chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi, trong khu công nghiệp có hàng trăm hộ dân, dân thì do chính quyền quản lý còn hạ tầng và hệ thống nước thải thì thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý KKT tỉnh nên xảy ra chuyện ô nhiễm cứ đổ hết cho chúng tôi nên rất khó xử lý được căn cơ…”, vị cán bộ này nêu khó khăn.

Trước đó, ngày 24-6 vừa qua, Phòng TN-MT của Ban Quản lý KKT Bình Định cũng đã thành lập đoàn kiểm tra về thực trạng ô nhiễm theo phản ánh của người dân tổ 5, khu vực 5, phường Trần Quang Diệu. Qua kiểm tra tại 2 ống xả phía Bắc và phía Đông nhà máy bia (thuộc chi nhánh Công ty CP bia Sài Gòn – Miền Trung) có hiện tượng nước chảy rỉ rả. Trên cơ sở đó, đơn vị chức năng đã lấy mẫu gửi đi làm xét nghiệm và yêu cầu nhà máy bia khắc phục hiện tượng rò rỉ trên.

Theo người dân, nước thải là do doanh nghiệp trong KCN Phú Tài xả ra. Ảnh: NGỌC OAI

Phía Ban Quản lý KKT Bình Định cũng đề nghị phường Trần Quang Diệu và Công ty CP Đầu tư – Xây dựng Bình Định (đơn vị chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Tài) cần phải có trách nhiệm tuyên truyền vận động người dân không xả thải, vứt rác bừa bãi xuống cống thải; thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy tránh ứ đọng nước thải vào mùa nắng nóng…

Ông Phan Viết Hùng thừa nhận, khoảng 15 năm trước, do ngân sách địa phương còn nghèo nên chưa thể di dời, giải tỏa trắng người dân để làm KCN Phú Tài. Đến bây giờ thì người dân sống chung trong KCN nên các vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh trong thời gian qua rất khó xử lý dứt điểm được.

Tuy nhiên phía Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định cho rằng phần lớn ô nhiễm ở cống thoát nước là do người dân xả thải, xả rác bừa bãi. Ảnh: NGỌC OAI

“Thực ra cũng có hiện tượng rò rỉ nước thải từ nhà máy bia chúng tôi sẽ đề nghị doanh nghiệp khắc phục triệt để và phải đưa hết nước thải vào hồ điều hòa để xử lý an toàn, không thể đấu nối rồi cứ rò rỉ ra ngoài như thế được. Về lâu dài, chúng tôi sẽ nghiên cứu tạo thêm hệ thoát nước riêng cho khu công nghiệp không có xả chung vào khu dân cư như thế nữa…”, ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, ông Đặng Thành Hổ lại cho rằng, thực tế đường ống nước thải là từ nguồn nước riêng biệt dành cho nhà máy bia của Công ty CP bia Sài Gòn - Miền Trung không có chuyện người dân xả thải.
"Khu này chỉ có vài ba hộ dân thôi mà đổ qua cho dân xả thải như thế thì không có cơ sở. Bây giờ đơn vị chức năng đã lấy mẫu thì cần phải xác định cụ thể nguồn thải từ đâu để có cơ sở giải thích với dân. Nếu như dân địa phương xả thải thì tôi sẽ đề nghị người dân phải nghiêm túc khắc phục không thể cứ lên khiếu kiện mãi thế được...", ông Đặng Thành Hổ cho hay.
Theo Ban Quản lý KKT Bình Định, vào năm 2015, nhà máy bia ở KCN Phú Tài cũng từng xảy ra sự cố và xả nước thải ồ ạt ra khu dân cư ở phường Trần Quang Diệu khiến cho cá chết. Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị chức năng đã vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm vượt chuẩn cho phép và đã xử lý, yêu cầu nhà máy này khắc phục...