Miền Nam bước vào “hạn bà chằn”

|

Theo các chuyên gia khí tượng - thủy văn thông tin, thời tiết ở TPHCM và Nam bộ đang bước vào những ngày “hạn bà chằn” (còn gọi là hạn lệ, hạn bông tranh) - là cách gọi dân gian của các đợt khô hạn ngắn xảy ra vào mùa mưa ở ĐBSCL và Đông Nam bộ (thường diễn ra trong khoảng 7-10 ngày, tối đa kéo dài 15-20 ngày). \r\n

Thời điểm thường xảy ra “hạn bà chằn” là vào tháng 8. Nguyên nhân do gió mùa Tây Nam mang nhiều hơi ẩm tạm lùi, còn gió Đông Nam khô mạnh lên. Vì vậy, trong tuần này, nhiệt độ tại TPHCM sẽ tăng lên. Tuy nhiên, những ngày đầu tuần, do ảnh hưởng của hội tụ gió Tây Nam nên ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ vẫn cần đề phòng mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to vào chiều và tối. 

Chiều 23-8, cơ quan khí tượng - thủy văn thông tin, vùng áp thấp nóng phía Tây đang trở lại miền Trung, từ Quảng Bình đến Phú Yên nắng nóng 37°C. Từ ngày 25-8, nắng nóng tăng thêm cường độ, phủ rộng toàn Trung bộ, kéo dài tới ít nhất là 28-8.

Tại miền Bắc, do thời tiết đang chuyển mùa nên chủ yếu là hình thức nắng nhẹ, vùng núi mưa to cục bộ.

* Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và các ngành chức năng TP Cần Thơ vừa phối hợp công bố kết quả khảo sát tình hình sạt lở ở ĐBSCL. Trong đó, khảo sát cho thấy, Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) nằm giữa sông Hậu hiện là điểm nóng sạt lở. Dọc theo bờ tiếp giáp ven sông Hậu hiện có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài trên 6,2km. Nguy cơ sạt lở mất đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của hàng chục hộ dân sinh sống ven sông. Khu vực dài 4km đầu cù lao Tân Lộc là nơi sạt lở nghiêm trọng, có nơi đã lở mất hoàn toàn hơn 6ha đất gồm nhà cửa, nơi nuôi cá tra, trồng cây ăn trái của 18 hộ dân. Hiện tốc độ sạt lở phía đầu cù lao mỗi năm ăn sâu vào đất liền khoảng 7m. 

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km. Trong đó, sạt lở bờ sông là 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh rạch); sạt lở bờ biển là 52 điểm với tổng chiều dài 268km. Trong số các điểm sạt lở nêu trên, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài 170km.

Nghiên cứu tác động bất lợi của biến đổi hình thái lòng dẫn và hạ thấp mực nước hệ thống sông Cửu Long từ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy: Trung bình toàn tuyến sông Cửu Long, lòng sông đã hạ thấp 1,3m, đoạn hạ thấp nhiều nhất là TP Sa Đéc (Đồng Tháp) với 15m. Lượng cát lấy đi trên sông Tiền trung bình là 9,3 triệu m³/năm, trên sông Hậu là 11 triệu m³/năm.

ĐBSCL đang phải chịu 3 tác động chính gồm: biến đổi khí hậu; phát triển đập thượng nguồn và nước biển dâng; sạt lở sụp lún đất. Những tác động này đã làm mất không gian trữ lũ, suy thoái rừng phòng hộ cũng như sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định, mặn xâm nhập.