Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0

|

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết, Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây cũng được xem là mục tiêu tất yếu của thế giới, là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu; là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp Việt Nam thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến phát triển bền vững.\r\n

Phát triển năng lượng xanh là xu hướng tất yếu

Vừa sạch vừa tiết kiệm

Theo Bộ TN-MT, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phần lớn doanh nghiệp (DN) sử dụng năng lượng cũng như nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ. Đây chính là nguồn khiến phát thải khí nhà kính chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khí phát thải quốc gia. Do vậy, các DN là một trong những nhóm đối tượng phải thực hiện giảm phát thải theo quy định. Việc các DN chủ động, đẩy mạnh các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ trong sản xuất… góp phần giảm phát thải được xem là “chìa khóa vàng” để thực hiện các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết. 

Nhằm giảm phát thải, đại diện Tập đoàn TH true MILK cho biết, năm 2020, tập đoàn đã đầu tư phát triển điện mặt trời từ mái nhà của cụm trang trại công nghệ cao khép kín tại Nghệ An. Hệ thống pin sản xuất điện mặt trời đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 9-2020. Nguồn điện xanh hoàn toàn từ thiên nhiên đã đáp ứng từ 1/8, có thời điểm đạt 1/5 nhu cầu tiêu thụ điện của trang trại TH true MILK. Hiện tại, có 5/9 trại của cụm trang trại đã được lắp đặt hệ thống pin mặt trời.

Ngoài ra, các đơn vị khác thuộc Tập đoàn TH true MILK cũng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Đặc biệt, tại Nhà máy mía đường Nghệ An, nguồn điện từ bã mía không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy mà còn được bán cho lưới điện quốc gia. Theo tính toán từ phần mềm phân tích dữ liệu chuyên dụng, mỗi năm hệ thống điện mặt trời riêng tại trang trại TH true MILK ở khu vực Nghĩa Đàn, Nghệ An có thể sản xuất khoảng 4.281 MW. Với lượng điện này, trang trại TH true MILK sẽ không phải sử dụng nguồn điện từ nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần giảm phát thải một lượng lớn CO2.

Ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng Giám đốc chất lượng, Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina), cho biết, để thực hiện tiết kiệm năng lượng cũng như sử dụng năng lượng có hiệu quả, công ty đã triển khai rất nhiều giải pháp. Cụ thể, tại Xí nghiệp cao su Bình Dương, công ty đã thực hiện cải tạo hệ thống chiếu sáng nhà xưởng, giúp tiết kiệm được 215.654 kWh/năm (tiết kiệm 402 triệu đồng/năm); giảm phế liệu trong sản xuất, giúp tiết kiệm 450.000 kWh/năm (tiết kiệm hơn 838 triệu đồng/năm).

Bên cạnh các giải pháp đầu tư để tiết kiệm năng lượng, tại Xí nghiệp Bình Dương, Casumina cũng đã lắp đặt đầu tư hệ thống điện mặt trời phục vụ cho chiếu sáng, điện văn phòng. Giải pháp này cũng đã tiết kiệm 480.000 kWh/năm (gần 900 triệu đồng/năm). Ngoài ra, ở các xí nghiệp cao su Hóc Môn, Đồng Nai… cũng đang triển khai nhiều giải pháp công nghệ để góp phần tiết kiệm năng lượng, hạn chế phát thải ra môi trường. 

Nhật Bản sẽ đồng hành cùng Việt Nam giảm phát thải
Theo TS Koji Fukuda, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cam kết mới đây nhất về trung hòa carbon vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP26 đã tăng vị trí chiến lược của NDC (đóng góp do quốc gia quyết định) như một cột mốc quan trọng để đạt được mục tiêu lâu dài. JICA tiếp tục thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật về biến đổi khí hậu “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (SPI-NDC)”, với sự tham gia của Bộ TN-MT. Để khuyến khích khối tư nhân tham gia, dự án tập trung vào các hoạt động như rà soát các phương án tài chính trong nước và xây dựng dự án trong khối tư nhân; đào tạo thực tiễn về báo cáo khí nhà kính cấp cơ sở cho các ngành được lựa chọn; đào tạo về tuần hoàn nguyên liệu và giảm phát thải. Các lĩnh vực được ưu tiên thí điểm triển khai giảm nhẹ phát thải bao gồm: giao thông vận tải, sản xuất xi măng.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế 

Khi DN đẩy mạnh phát triển, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh... không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho DN mà còn góp phần mang lại nhiều lợi ích về môi trường cho xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để phát triển điện mặt trời, năng lượng tái tạo… hiệu quả hơn nữa, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ thực tế hơn. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, hiện nay các DN dệt may cũng chịu nhiều áp lực trong việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn của các thị trường về việc sử dụng năng lượng sạch, đáp ứng môi trường khí thải, nước thải... Do vậy, để xây dựng vị thế có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam nói riêng và các DN sản xuất nói chung, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ trực tiếp DN nhằm tạo động lực chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa về kỹ thuật, công nghệ, năng lượng. Nhà nước hoàn thiện các cơ chế chính sách, có giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng.

Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cũng cho rằng, điện mặt trời phát triển rất nhanh thời gian qua nhưng trong quá trình thực hiện, DN vẫn còn vướng mắc, khó khăn. Chẳng hạn, việc thẩm định kết cấu mái nhà hiện vẫn tự phát, chi phí thẩm định lớn; các hướng dẫn, yêu cầu chi tiết giấy phép xây dựng chưa nhất quán… Do đó, để tháo gỡ những rào cản này cũng như đẩy mạnh khuyến khích DN đầu tư hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất, Chính phủ cần ban hành chính sách một cách nhất quán, sát thực tế.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương, trong khi chờ đợi chính sách tháo gỡ tổng thể thì với vai trò quản lý nhà nước, bộ đã từng bước xây dựng một số chính sách thúc đẩy dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Thông qua mạng lưới các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc, bộ đã hỗ trợ nhiều DN thực hiện kiểm toán năng lượng, nhằm đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của DN và xây dựng, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng đem lại hiệu quả kinh tế cho DN.

Ngoài ra, thông qua các chương trình, dự án ODA, hợp tác quốc tế, Bộ Công thương cũng giúp DN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng như dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với quy mô 100 triệu USD; hỗ trợ DN tiếp cận các cơ chế tài chính mới như Quỹ bảo lãnh vốn vay với quy mô 75 triệu USD do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới…

Khuyến khích khối tư nhân tham gia

Đến Việt Nam giữa tháng 4 năm nay, Đại sứ COP26 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nam Á, ông Ken O’Flaherty, đã đến thăm và đánh giá cao các dự án điện gió tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Theo Đại sứ, dự án đi vào hoạt động góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Các dự án điện gió này rất phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng xanh, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng ven biển. Xu hướng xanh hóa và phát triển bền vững cần sự phối hợp của nhà nước và tư nhân. Các DN với những chiến lược, hành động cụ thể cần được hỗ trợ bởi các chính sách phù hợp và sự khơi thông tài chính. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như cam kết giảm phát thải bằng 0 sẽ giúp các DN phát triển bền vững, được tín nhiệm và tôn trọng hơn.