TPHCM tạo điểm nhấn xanh để tăng trưởng du lịch

|

Thời gian qua, xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) được nhiều người dân TPHCM, nhất là các bạn trẻ, chọn lựa là điểm đến du lịch, dã ngoại. Để duy trì sức hút này, xã đảo Thạnh An cần đảm bảo kiểm soát ô nhiễm từ các hoạt động trong sinh hoạt, sản xuất thủy hải sản, dịch vụ... của cư dân trên đảo cũng như từ lượng du khách ngày càng tăng.

Tư vấn, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho người dân về tác hại của túi ni lông khó phân hủy

Quản lý môi trường dựa vào cộng đồng

Theo Sở TN-MT TPHCM, là xã đảo duy nhất của TPHCM, Thạnh An có nhiều tiềm năng phát triển về nuôi trồng thủy hải sản, du lịch. Nhưng đồng thời Thạnh An cũng là xã dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Chất thải phát sinh nếu không được thu gom và xử lý sẽ làm xấu cảnh quan, ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống của dân cư trên đảo. Không chỉ vậy, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nguồn lợi từ biển, ảnh hưởng đến tiềm năng về thủy hải sản và du lịch của cư dân xã Thạnh An. Trước yêu cầu cấp thiết đó, Sở TN-MT đã phối hợp với UBND huyện Cần Giờ hỗ trợ Thạnh An triển khai mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng nhằm phát huy vai trò của mỗi người dân trong gìn giữ môi trường xã đảo. 

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết, từ tháng 4-2019, huyện Cần Giờ đã triển khai giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn xã Thạnh An. Qua 3 năm thực hiện, UBND xã Thạnh An đã thành lập 10 tổ vận động hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy với 40 thành viên, có trách nhiệm tuyên truyền vận động nhân dân, các hộ kinh doanh sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, giám sát giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời trao tặng 25.000 túi thân thiện môi trường cho khách du lịch khi đến xã Thạnh An; thu hồi 600kg túi ni lông khó phân hủy rồi quy đổi với Công ty TNHH Thương mại tổng hợp II thành 200kg túi thân thiện môi trường, phát cho người dân sử dụng. 

Theo UBND huyện Cần Giờ, thông qua chương trình, một số tiểu thương và người dân trên địa bàn đã hiểu được tác hại của túi ni lông, nhất là túi ni lông khó phân hủy. Đặc biệt, chương trình có tính lan tỏa sâu rộng đến các địa bàn khác, trong đó có sự hưởng ứng của các cơ quan, ban ngành, trường học. Các buổi hội họp đã giảm sử dụng sản phẩm làm từ nhựa. Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cũng đã hưởng ứng thực hiện mô hình điểm giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần tại điểm du lịch Dần Xây. Các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện cũng thực hiện mô hình quyên góp xanh, tăng sử dụng túi thân thiện môi trường qua các đợt tổng vệ sinh. 

Nói không với túi ni lông khó phân hủy

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển cho biết thêm, huyện đã và đang xây dựng mô hình thực tế về bảo vệ môi trường cho xã đảo Thạnh An, góp phần phát triển xã đảo Thạnh An thành xã sạch, xanh và thân thiện môi trường qua các hoạt động thực tế. Thời gian tới,  xã Thạnh An và huyện Cần Giờ sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân; tổ chức các điểm kiểm soát túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần cho khách du lịch, dự kiến có 2 điểm tại 2 cầu đò xã Thạnh An trong năm 2022 và 1 điểm tại cầu đò ấp Thiềng Liềng trong năm 2023; tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom, thu hồi túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng, tái chế. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cũng cho biết, hướng đến mục tiêu xây dựng xã đảo Thạnh An thành điểm đến du lịch sinh thái xanh, sạch, đẹp, sở đề nghị UBND huyện Cần Giờ và xã Thạnh An tiếp tục nỗ lực, kiên trì triển khai mô hình “Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền kết hợp tổ chức tốt các điểm kiểm soát túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần”, đảm bảo mục tiêu đến 2025 có 100% chủ nguồn thải trên địa bàn và 100% du khách khi đến xã Thạnh An không sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Cùng với đó, cần tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn và kết nối với các đơn vị có liên quan thu gom, thu hồi túi ni lông và các sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng, tái chế. Sở cũng mong muốn người dân xã đảo sẽ cùng đồng hành với chính quyền thực hiện “nói không với túi ni lông” ngay từ các hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày; du khách đến xã đảo cũng không đem và sử dụng túi ni lông khi ra đảo. Đồng thời, duy trì và ngày càng tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản về môi trường gắn với thực hiện hương ước/quy ước cộng đồng dân cư xã đảo Thạnh An.